Đưa Phật giáo đến gần với đời sống

GNO - Để chào đón Tết cổ truyền của dân tộc, Xuân Kỷ Hợi 2019, Ban Văn hóa GHPGVN TP.HCM đã tổ chức các chuỗi các sự kiện đặc sắc, góp phần đưa Phật giáo đến gần hơn với đời sống.

H4.JPG
Không gian Tết đoàn viên tại chùa Phổ Quang do Ban Văn hóa GHPGVN TP thực hiện

Theo đó, nhân dịp xuân Kỷ Hợi, bên cạnh những hoạt động sôi nổi như lễ hội đường sách, đường hoa, lân sư rồng… diễn ra những ngày đầu năm tại khu trung tâm, Phật giáo thành phố cũng mở ra những không gian văn hóa đặc sắc cho du khách Phật tử trên địa bàn, với Triển lãm nghệ thuật Phật giáo, trưng bày tranh ảnh, tôn tượng, pháp khí, pháp cụ, đồ thờ cúng… (từ ngày 22 tháng Chạp năm Mậu Tuất đến hết ngày Rẳm tháng Giêng năm Kỷ Hợi) tại Nhà truyền thống văn hóa Phật giáo - chùa Phổ Quang (quận Tân Bình, TP.HCM).

H1.jpg

TT.Thích Trí Chơn phát biểu tại lễ khai mạc

“Trong văn hóa nói chung và văn hóa Phật giáo nói riêng, Tết luôn là cơ hội để mỗi người con quay về, để gia đình được đoàn viên và để chúng ta tự soi rọi lại chính mình suốt một năm đã qua, với những thăng trầm của cuộc sống… Từ đó, từ niềm vui đoàn viên, niềm vui sung túc, chúng ta vững chãi hơn, phấn đấu hơn hướng về tương lai trong năm mới, thật hỷ lạc, tỉnh thức và đầy lòng bi từ, trí tuệ như Đức Phật đã dạy. Đó cũng là ý nghĩa mà buổi triển lãm gửi gắm đến cho quý Phật từ, du khách nhân mùa xuân mới, Tết về. Buổi triển lãm lần này bên cạnh không gian văn hóa phục vụ việc thưởng lãm du xuân, mà đây còn như một sợi dây kết nối, giúp mỗi người chúng ta xích lại gần nhau hơn, cùng nhau hướng đến cuộc sống đầy thánh thiện”, TT.Thích Trí Chơn, Phó Trưởng ban Văn hóa T.Ư, Trưởng ban Văn hóa GHPGVN TP.HCM chia sẻ.

H6.JPG

Nhiều người tìm đến thưởng lãm ngày đầu năm mới

Triển lãm cũng là dịp Ban Văn hóa PG TP thông qua các biểu mẫu bàn thờ tự, giúp du khách tham quan định hướng phương cách bài trí trang nghiêm, quy chuẩn cho bàn thờ Phật, bàn thờ Tổ tiên của gia đình mình sao cho phù hợp. Theo ĐĐ.Thích Chí Giác Thông, Phó Trưởng ban Văn hóa GHPGVN TP, việc bài trí các bàn thờ tự chư Phật, Tổ tiên biểu mẫu như vậy, sẽ góp phần mang lại cái nhìn đúng đắn và chuẩn mực cho du khách không chỉ trong mà còn ở nước ngoài, về văn hóa và truyền thống Phật giáo của người Việt.

H5.JPG

Không gian trưng bày bên trong nhà truyền thống

Ngoài các gian hàng triển lãm tranh và tôn tượng Phật giáo, tại Trung tâm văn hóa Phật giáo dịp này, còn có những gian hàng chữ thư pháp, chữ Việt, những gian hàng bày bán nhang nến sạch từ thiên nhiên và các chuỗi hạt… phục vụ nhu cầu mua sắm văn hóa phẩm Phật giáo dịp Tết cho du khách. Đặc biệt là không gian thiền trà do chính các nghệ nhân là cư sĩ Phật giáo thiết trí, tạo không khí nhẹ nhàng, thanh tịnh mà an vui cho du khách khi đến thưởng lãm.

H3.JPG

Một gian hàng đồ lưu niệm được trưng bày

Đặc biệt, tại triển lãm lần này với chủ đề “Xuân đoàn viên”, Ban Văn hóa GHPGVN TP cũng phát động và thực hiện chương trình "Di Lặc du xuân". Sự kiện với hình tượng Phật Di Lặc, trao những món quà ý nghĩa và thiết thực đến tận tay những mảnh đời khó khăn, lang thang cơ nhỡ, những bệnh nhân nghèo đang điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố, để cùng san sẻ không khí năm mới Tết về với mọi người.

DLDX.jpg

ĐĐ.Chí Giác Thông trong chương trình "Di Lặc du xuân"

Như chúng ta đã biết, Phật Di Lặc mang một dáng vẻ hoan hỷ, một trong những biểu tượng mang lại niềm vui hỷ lạc cho mọi người, và trong truyền thống Phật giáo, ngày mùng 1 Tết cũng là ngày vía của Đức Phật Di Lặc. Do vậy, nhân dịp này, Ban Văn hóa PG TP cũng mong muốn thông qua hình tượng của Đức Phật Di Lặc, mang niềm vui hỷ lạc và sức sống mới đến với mọi người, đặc biệt là những mảnh đời còn thiếu thốn về nhiều mặt, xoa dịu mọi nỗi đau còn lưu lại trong họ”, ĐĐ.Chí Giác Thông cho biết.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.