Dự thảo của Bộ Tài chính về Thông tư quản lý tiền công đức: Nhiều vấn đề còn mập mờ, mơ hồ

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh có công văn trình bày những bất cập, đề nghị Bộ Tài chính “hủy bỏ phần dự thảo quản lý đối với các di tích là cơ sở tôn giáo, nhất là tiền công đức tại cơ sở di tích tôn giáo”.

Liên quan tới dự thảo thông tư hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội của Bộ Tài chính (xem toàn văn tại đây), một số Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh đã có văn bản góp ý, đề nghị điều chỉnh, hủy bỏ một số nội dung trong dự thảo thông tư này.

Vấn đề quản lý thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội, không phải mới, đã được đề cập trước đây, thậm chí được đưa vào diễn đàn Quốc hội, được báo chí đề cập.

Ngày 28-4-2021, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn ký Công văn số 4269/BTC-HCSN lấy ý kiến lần 2 dự thảo thông tư trên gửi đến các Bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nội vụ, Tư pháp; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, MTTQVN, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đoàn thể...

Trong công văn trên, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nội vụ phối hợp, rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý di tích, cơ sở tôn giáo để có ý kiến tham gia cụ thể về vấn đề xác định chủ sở hữu, tổ chức, cá nhân được giao quản lý di tích, cơ sở tôn giáo (trong đó có vấn đề quản lý thu chi tài chính).

Phản ứng từ GHPGVN, ý kiến sớm nhất là từ Bình Dương. Ngày 19-5-2021, Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự, Chánh Văn phòng 2 Trung ương, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương ký Công văn số 111/CV-BTS gửi Ban Thường trực Hội đồng Trị sự góp ý về dự thảo Thông tư trên.

Theo đó, Hòa thượng dẫn cơ sở pháp lý quy định về chủ thể sở hữu quản lý các cơ sở tự viện Phật giáo được công nhận di tích theo luật Di sản Văn hóa, thực tế của các tự viện thuộc loại này, ý nghĩa việc “cúng dường” của tín đồ và người dân, Hòa thượng nhận định “Vấn đề này còn mập mờ, mơ hồ” trong việc quản lý, sử dụng hòm công đức, cũng như việc làm rõ hai yếu tố cơ sở tôn giáo và cơ sở tín ngưỡng đã được quy định tại Luật tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định 162/2017/NĐ-CP, ngày 30-12-2017 của Chính phủ về việc Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo.

Hòa thượng Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh ký Công văn số 35/CV-BTS ngày 28-5-2021, gửi đến Hội đồng Trị sự và Bộ Tài chính, nhận định dự thảo này của Bộ Tài chính “không phù hợp với lễ hội và di tích tôn giáo”, đồng thời “đề nghị không đưa vào quản lý tiền công đức đối với các di tích là chùa, là nhà thờ đạo Công giáo đã được kiểm đếm danh mục di tích”.

Công văn góp ý của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh trình bày những bất cập của Thông tư (tham khảo văn bản tại đây) đề nghị Bộ Tài chính “hủy bỏ phần dự thảo quản lý đối với các di tích là cơ sở tôn giáo, nhất là tiền công đức tại cơ sở di tích tôn giáo”, còn đối với các cơ sở di tích là tín ngưỡng thì Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh không có ý kiến gì.

Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh Nghệ An, Vĩnh Phúc, Đắk Nông cũng có công văn góp ý, chỉ ra những bất cập và thiếu thực tế của nhiều nội dung trong dự thảo thông tư hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội của Bộ Tài chính, đề nghị Bộ Tài chính có sự điều chỉnh, trao đổi trực tiếp với GHPGVN để thống nhất nội dung liên quan, tránh việc khi áp dụng “dẫn tới không khả thi trong việc áp dụng, quản lý mà còn tác động làm biến tướng những giá trị văn hóa truyền thống”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.