Đồng Tháp: “Tiếp sức” cho người bán vé số dạo

GN - Đó là những bữa cơm trưa nóng hổi được phục vụ bằng cả tình người. Bếp ăn hoạt động từ trung tuần tháng 8-2016 do Công ty Xổ số kiến thiết tỉnh Đồng Tháp tài trợ qua sự vận động của Hội Bảo trợ Người tàn tật - Trẻ mồ côi và Bệnh nhân nghèo TP.Sa Đéc.

Sau gần 1 tháng “nổi lửa”, bếp ăn của Hội đã đón nhận 191 người bán vé số dạo, đây là “thành viên” được các đại lý vé số cấp thẻ đăng ký cơm trưa mỗi ngày. Mỗi suất cơm trị giá 12.000 đồng, so với một vài điểm cấp cơm từ thiện trên địa bàn thành phố lâu nay, đây là bếp cơm hoạt động một cách bài bản, từ khâu nguyên liệu đầu vào, nấu ăn đến vệ sinh, phục vụ…

H2 - xa hoi.jpg

Người nghèo bán vé số dạo được ăn cơm trưa miễn phí - Ảnh: Thanh Tuyền

Tham gia bếp ăn thiện nguyện đa số là những thầy cô giáo về hưu, không nghỉ ngày Chủ nhật, đội ngũ này trực luân phiên mỗi ngày 5 người. Anh Phan Hoàng Minh Kỵ, ở khóm 2, P.2, TP.Sa Đéc, sinh sống bằng nghề chạy xe ôm. Dù cuộc sống khá vất vả nhưng anh tranh thủ giờ trưa ít khách cũng vào phụ, tiếp khâu “bảo vệ”, nhắc nhở người ăn rửa mâm cá nhân sau khi ăn. Anh Kỵ cho biết: “Tôi không có tiền thì góp chút công kiếm phước”.

Ở đây, một số người bán vé số dạo cũng được phép lấy cơm về nhà ăn. Người khuyết tật khó khăn vận động thì được tình nguyện viên bưng cơm đến tận bàn và ăn xong có người rửa mâm giùm.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, sinh năm 1966, ngụ ấp Phú Hòa, xã Tân Phú Đông cho biết, chồng chị bị tai biến nằm một chỗ, hai con đi làm mướn tự mưu sinh. Mỗi ngày, chị bán được hơn 50 tờ vé số, số tiền lời kiếm được tạm đủ cho sinh hoạt của hai vợ chồng. “Cơm từ thiện những điểm trước đây tôi xin là cơm chay đạm bạc. Ở đây, nấu cơm mặn có thịt, cá nên có sức đi bán được nhiều hơn”, chị Hạnh nói.

Với chị Nguyễn Thị Hoa, sinh năm 1957, ở nhà trọ thuộc khóm 4, P.1, TP.Sa Đéc thì gia đình chị có mẹ già 95 tuổi và người cháu trai làm phụ hồ nhưng công việc không ổn định nên chị cũng ăn nhờ cơm từ thiện. “Những người bán vé số dạo như tôi ăn cơm từ thiện miễn phí của Hội mỗi ngày, không ai đòi hỏi đồng tiền nào. Ở đây, mình tự phục vụ nên cũng cảm thấy dễ chịu, đỡ áy náy hơn”, chị Hoa cho biết.

Còn ông Trần Văn Vui, sinh năm 1940, ngụ ấp Phú Long, xã Tân Phú Đông thì cho biết, ông bị tai nạn xe chấn thương xương chậu. Mỗi ngày, ông đi xe lắc bán vé số kiếm tiền trang trải. Ông sống một mình trong căn nhà tạm bợ, vợ mất, các con tứ tán làm thuê. Ông cho biết: “Nắng mưa bươn chải bán được 1 tờ vé số cực khổ lắm. Từ ngày được ăn cơm từ thiện, tôi đỡ tốn một phần cơm tiệm 15.000 đồng. Cơm ở đây thay đổi thức ăn mỗi ngày, còn có chuối, dưa hấu tráng miệng nên ngon lắm”.

Mỗi người một cảnh nhưng ai cũng cùng một ước mong, mỗi ngày chừa lại cho mình vài tờ vé số. Họ hy vọng may mắn đến, biết đâu trúng giải họ sẽ đóng góp vào quỹ phục vụ bếp ăn Hội, giúp thêm nhiều người cùng cảnh ngộ.

Anh Nguyễn Như Nghĩa, Bí thư Chi đoàn Văn phòng Tỉnh ủy Đồng Tháp đang hướng dẫn đoàn viên tham gia một ngày thiện nguyện ở bếp ăn cho biết: “Ngoài một ít tiền mặt và gạo từ nguồn quỹ chi đoàn, chúng tôi mong muốn thông qua mô hình xã hội thiết thực này, mỗi đoàn viên sẽ góp một phần nhỏ của mình vì cộng đồng, vì cuộc sống này tốt đẹp hơn”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.