GNO - Đua ghe Ngo là môn thể thao truyền thống của đồng bào Khmer Nam bộ, trong đó, Sóc Trăng được xem là địa phương có sự phát triển mạnh nhất của bộ môn này với số lượng các đội ghe và cả các thành tích đạt được trong các cuộc tranh tài.
Năm 2013, đua ghe Ngo ở Sóc Trăng đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho phép nâng tầm thành Festival đua ghe Ngo đồng bào Khmer Đồng bằng sông Cửu Long - Sóc Trăng lần thức I năm 2013. Đây chính là niềm vui chung của đồng bào Khmer Nam bộ khi một lễ hội truyền thống của dân tộc đã được nâng tầm lên cấp khu vực và toàn quốc.
Bộ môn đua ghe Ngo truyền thống của đồng bào Khmer Sóc Trăng ngày càng phát triển
Tồn tại cùng năm tháng
Với đồng bào Khmer, chiếc ghe Ngo chiếm vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống tâm linh, được xem là vị thần bảo vệ sự bình yên, là hiện thân của tính đoàn kết và sức mạnh phum sóc. Vì thế, khi có ghe Ngo thì bà con Khmer từ trẻ đến già đều thể hiện sự trân trọng và luôn có lòng yêu thích khi được tham gia cùng đội ghe, góp một phần công sức cho đội ghe và bổn sóc của mình.
Chính vì lòng đam mê môn thể thao truyền thống của dân tộc nên nhiều gia đình đã tự bỏ tiền ra để lo cho cả đội ghe ngo từ lúc tập luyện cho đến khi ngày khai hội. Ông Lý Phone ở khóm 6, P.2, TP.Sóc Trăng là một trong những điển hình như thế.
Suốt 5 năm nay, cứ đến mùa đua ghe Ngo là tất cả thành viên trong gia đình ông Phone đều thu xếp công việc gia đình để chuyên tâm phục vụ cho đội ghe ngo của Trường Trung cấp Pali Nam Bộ.
Ông Phone cho biết: “Trong mỗi mùa Ok Om Bok là gia đình bỏ ra trên 40 triệu để lo chi phí, ăn uống cho các vận động viên tập luyện và thi đấu. Cả nhà cũng yêu thích môn thể thao này, nên rất tích cực tham gia, hỗ trợ đội ghe”.
Dù không phải là vận động viên bơi ghe Ngo nhưng từ năm 1988 đến nay, bà Trần Thị Chu ở xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Tú luôn sát cánh cùng với đội ghe Ngo chùa Tom Pok Sok của mình để lo cơm nước cho các vận động viên.
Bà Chu chia sẻ: “Từ nhỏ tôi đã rất thích môn thể thao này nên suốt 26 năm qua, cứ tới mùa đua ghe Ngo là theo nấu cơm cho đội ghe. Vì lòng yêu thích nên khi tới mùa đua ghe Ngo là sẵn sàng đi phục vụ”.
Còn gia đình bà Liêu Thị Chênh ở ấp Bưng Lức, xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề đã tham gia phục vụ đội ghe ngo chùa Đơm Pô từ hơn 10 năm nay. Bà Chênh cho biết: “Tới mùa đua ghe Ngo là con cháu trong gia đình đều đóng góp công sức và chi phí, cùng nhau hỗ trợ cho đội ghe của chùa Đơm Pô tập luyện. Vì yêu thích nên trong gia đình có đến 4 người tham gia thi đấu”.
Là một môn thể thao đòi hỏi nhiều khía cạnh chuyên môn về sức bền, quá trình tập luyện, độ lướt của chiếc ghe…, trong đó, yếu tố quan trọng nhất và quyết định sự thành bại của các đội ghe chính là sự đồng lòng của cộng đồng, hỗ trợ của cư dân trong phum sóc; sự đồng lòng, quyết tâm của chính các vận động viên trong từng nhịp dằm…
Mỗi chiếc ghe ngo trung bình dài khoảng 30, có sức chứa hơn 60 người. Vì thế một đội ghe Ngo có từ 70-100 người nên phải quy tụ các thanh niên, trai tráng khắp phum sóc. Đồng thời, tạo nên một nét rất riêng chỉ có ở bộ môn đua ghe Ngo bởi sự đông đúc và đồng lòng của chính người chơi và khán giả.
Yếu tố lan rộng
Trong những năm gần đây, được sự quan tâm, hỗ trợ từ các cấp chính quyền giúp đồng bào các phum sóc đóng chiếc ghe Ngo mới đã giúp bà con Khmer ở các chùa có điều kiện đưa môn thể thao truyền thống ngày càng phát triển.
Nhiều huyện, thị xã, thành phố của tỉnh đã quan tâm hỗ trợ kinh phí cho các chùa đóng ghe từ 50 đến 100% trị giá của chiếc ghe. Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 40 đội ghe nam, nữ và hàng năm số lượng ghe đều tăng dần.
Từ sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền trong tỉnh trong việc phát triển môn thể thao truyền thống đặc sắc của đồng bào, ghe Ngo đã phát triển mạnh mẽ khắp các phum sóc Khmer.
Điển hình như ghe Ngo chùa Pong Tức Chắs ở xã Lâm Tân, từ sự hỗ trợ của huyện Thạnh Trị vào năm 2011, bổn sóc đã đóng chiếc ghe Ngo mới và giành chức vô địch tại lễ hội đua ghe ngo Ok Om Bok của tỉnh ngay trong lần hạ thủy đầu tiên. Đến năm 2014, ghe Ngo của chùa một lần nữa giành chức vô địch lần hai; đồng thời như khẳng định là một trong các ứng viên vô địch của tỉnh trong mùa giải năm nay.
Ông Sơn Sóc Hiên, thành viên Ban Quản trị chùa Pong Tức Chắs cho biết: “Đội ghe của chùa luôn đoàn kết, thi đấu để góp phần giữ gìn môn đua ghe ngo truyền thống của dân tộc để các thế hệ tiếp theo nối nghiệp và phát huy”.
Vào những ngày này, thì các đội ghe ngo đang tập luyện đầy quyết tâm với mong muốn giành giải cao tại Lễ hội Đua ghe Ngo Sóc Trăng lần 2, khu vực ĐBSCL - một sự kiện lớn, mang đậm nét văn hóa truyền thống với đồng bào Khmer.
Hòa thượng Thạch Bonl, trụ trì chùa Preas Buone Preah Phek (xã Phú Tân, huyện Châu Thành) chia sẻ: “Đua ghe Ngo từ lễ hội truyền thống nay đã nâng tầm lên thành lễ hội cấp khu vực, hướng đến quốc tế nên đây được xem là niềm vui, niềm tự hào lớn với đồng bào dân tộc Khmer nói chung. Để chuẩn bị cho lễ hội đua ghe Ngo sắp tới, các vận động viên của chùa đã chọn những tay bơi mạnh, có bề dày kinh nghiệm để tham gia mùa Ok Om Bok năm nay với mục tiêu là đạt thứ hạng cao”.
Theo ông Lâm Văn Mẫn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, hiện nay, tỉnh vẫn khuyến khích các chùa, chính quyền địa phương và nhân dân cùng nhau đóng góp đóng ghe Ngo để Sóc Trăng có thêm nhiều đội ghe tranh tài tại lễ hội đua ghe Ngo truyền thống được tỉnh tổ chức hàng năm.