Đối thoại về chuyện “trồng người”

GN - “Không bao giờ tìm cách bỏ học trò mình” - thầy Nguyễn Thái Trọng, giáo viên Ngữ văn, Trường THCS Tân Nhựt (xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, TP.HCM) đã chia sẻ như vậy trong cuộc đối thoại cùng Giác Ngộ - khi PV đề cập đến vấn đề “trồng người” đang rất nóng và không hề kém chuyện trồng cây để giữ màu xanh đất mẹ.

Thầy Trọng là người có nhiều năm gắn bó với công tác bồi dưỡng cho đội tuyển học sinh giỏi Ngữ văn của trường và huyện Bình Chánh để tham gia các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp TP, thi “Văn hay - Chữ tốt”... Theo thầy, học văn chương, vun bồi đạo đức là để tâm hồn mình được “xanh hóa” giữa những vô cảm, còi cọc do công nghệ, sống ảo gây nên.

Đến thăm thầy Thái Trọng, không chỉ có chúng tôi mà tất cả ai có duyên tới đều ngạc nhiên, vì tại nơi thầy công tác có một góc uống trà với nhiều đầu sách, chính nơi đây thầy đã giúp nhiều em học sinh trưởng thành hơn, sống tốt hơn qua những lần trò chuyện, tâm tình bên chung trà giữa thầy và trò...

anh Thay Nguyen Thai Trong (3).jpg


Thầy Nguyễn Thái Trọng và học trò

Trong câu chuyện với chúng tôi, thầy chia sẻ:

- Thật ra, như bạn thấy, góc trà này chỉ có vài mét vuông được tôi tận dụng từ một phần nhà kho của trường để nghỉ ngơi, đọc sách, viết thư pháp, chấm và soạn bài sau giờ đứng lớp. Nơi đây được tôi gọi một cách thân thương là “Góc nhỏ bên đời”. Do không gian rất khiêm tốn nên tôi cũng không có điều kiện để tiếp nhiều học trò, câu chuyện bên bàn trà thường xoay quanh việc học hành hoặc tôi giải đáp những thắc mắc, động viên cho các em có một hướng đi đúng trong tương lai. Thỉnh thoảng, bên chung trà - tôi chia sẻ một câu chuyện văn chương với những học trò yêu văn.

* Được giáo viên mời lên uống trà... là một điều thật đáng sợ, vì đó thường là những trường hợp dành cho học sinh chưa ngoan! Còn với thầy, có điều gì khác không?

- Từ trước đến nay ai cũng bảo thế. Riêng với tôi, mời học trò đến uống trà thì phải thật sự là uống trà (mà phải là trà ngon và ấm đẹp - cười). Tôi muốn gieo vào tâm trí tuổi mới lớn một nét đẹp văn hóa của trà và cũng để các em hiểu thầy giáo mình thêm một chút.

* Thầy nghĩ sao về những... học sinh cá biệt?

- Như một lẽ đương nhiên, trong cuộc sống có không ít người cá biệt xung quanh chúng ta thì ở học đường cũng có học sinh cá biệt. Nhắc đến “học sinh cá biệt”, ta thường nghĩ đến hai dạng phổ biến:

“Học sinh cá biệt về học tập” thường có những biểu hiện: mất căn bản, chậm tiếp thu; ỷ lại, lười biếng, không chịu học bài; kiểm tra, thi cử thì quay cóp hoặc nhờ người khác giúp đỡ; không tập trung trong giờ học…

 “Học sinh cá biệt về đạo đức, lối sống” thường có những biểu hiện: có hành vi chống đối với giáo viên; xem thường thầy cô, bạn bè; ăn nói thô tục; giải quyết những khúc mắc với bạn bè bằng vũ lực hoặc có những hành động kỳ quặc khiến lớp học luôn ở trạng thái bất ổn (đi học trễ, đồng phục không đúng quy định, phát biểu linh tinh, làm việc riêng trong giờ học...).

Ngoài ra, còn một dạng “học sinh cá biệt” mà theo tôi là chỉ chiếm số ít: Đó là những học sinh học cực giỏi, có những suy nghĩ sâu sắc vượt xa lứa tuổi, cách cư xử chín chắn, trưởng thành chứ không giống với bạn bè cùng trang lứa… Nếu hai dạng “học sinh cá biệt” nêu trên khiến nhiều giáo viên… sợ hãi thì các học sinh này là niềm tự hào của thầy cô.

Phần lớn học sinh cá biệt đều có cá tính. Một số rất thông minh, có nhiều ý tưởng hay nhưng vì một lý do nào đó (có thể do hoàn cảnh gia đình hoặc bất mãn với giáo viên…) nên có những biểu hiện, phản ứng làm cho lớp học luôn “sôi sùng sục” - khiến thầy cô giáo đều ái ngại. Mười năm đi dạy tôi cũng gặp không ít những học sinh như thế nhưng tôi vẫn giữ nguyên quan điểm của mình:

+ Thầy - trò gặp nhau trong năm học là một cái duyên. Vì vậy nên tôi không bao giờ tìm cách bỏ học trò mình dù các em có “hư thân mất nết” đến đâu, chỉ trừ khi… chính các em từ bỏ lớp học và tôi…

+ Tôi tuyệt đối không chọn cách dư luận xã hội đối xử với những người cá biệt để áp dụng cho học trò của mình. Bởi vì cách làm ấy phi giáo dục mất rồi!   

* Suy nghĩ của thầy có lẽ trùng với một quan điểm là: “Chỉ có những học sinh chưa ngoan, không có học sinh hư”?

- Cụm từ “học sinh hư” nói nghe thật nhẹ nhưng phân tích ra thì rất cay đắng, phũ phàng: Học sinh hư là những học sinh không thể có cách gì giáo dục được nữa, là con người bỏ đi. “Bỏ đi” đâu đây? Đó là một câu hỏi lớn hay một gáo nước lạnh tạt vào mặt những người làm công tác giáo dục chúng tôi? Chợt nhớ một câu nói: “Không có học sinh hư, chỉ có những nhà giáo dục tồi”. Có thể câu nói này có phần cực đoan nhưng nó thể hiện niềm tin mãnh liệt vào sự thay đổi tích cực của con người. Vì vậy, chúng ta cho các em cơ hội cũng chính là cho mình một cơ hội!

* Trong quãng thời gian dạy học của mình (trên 10 năm), thầy gặp nhiều học trò chưa ngoan, chưa giỏi? Thầy đã làm gì để giúp các em?

- Tôi luôn liên tưởng việc giáo dục học sinh giống như việc chúng ta trồng cây. Lứa tuổi học sinh THCS không còn là những những mầm non yếu ớt nữa nhưng cũng không thể cứ “cắt nhánh”, “tỉa cành” một cách thô bạo hay tùy tiện được. Phải chăm sóc, uốn nắn - đặc biệt là với những học sinh chưa ngoan, ham chơi, học yếu. Hãy khơi gợi tình cảm nơi học sinh thay vì ra lệnh hay áp đặt quá nhiều. Từ trái tim tới trái tim sẽ có điều kỳ diệu và tôi luôn tin vào điều kỳ diệu ấy!

* Như thầy nói, học trò cấp II, nhất là khoảng lớp 8, lớp 9, nhiều bạn bước vào tuổi dậy thì, ít nhiều “khó hiểu” và thay đổi tính tình (mưa nắng thất thường), là một giáo viên dạy các em trong độ tuổi này chắc cũng đâu có dễ dàng gì?

- Điều này chỉ thầy cô giáo nào giảng dạy cấp THCS mới “thấm thía” hết được (cười). Tuổi dậy thì đánh dấu một bước chuyển biến rất lớn trong đời một con người. Các em đôi lúc thật ương bướng đến bực mình nhưng cũng rất nhiều khi lại yếu đuối một cách đáng thương. Mới vui cười rồi buồn giận vu vơ, rồi những rung động rất nhẹ nhàng của trái tim chớm yêu... Chính vì thế, tôi luôn tự nhắc mình: Cẩn thận! Phải hết sức cẩn thận với “những chồi non lộc biếc” kia để tránh gây những tổn thương tâm lý nơi các em.

* Còn đối với những em có hoàn cảnh khó khăn, một người giáo viên đâu thể không quan tâm?

- Trường THCS Tân Nhựt nơi tôi công tác là trường ở vùng sâu. Đời sống của người dân địa phương còn khó khăn, còn một bộ phận dân nhập cư ở nhà trọ, làm công nhân. Vì vậy, rất nhiều học sinh trường tôi có hoàn cảnh khó khăn: không đủ tiền đóng học phí, thiếu thốn thua sút bạn bè, cha mẹ đi làm suốt nên ít quan tâm đến việc học của con…

Ngoài sự quan tâm của chính quyền địa phương, của Ban Giám hiệu nhà trường thì bản thân tôi mỗi năm vẫn thường vận động các mạnh thường quân tập sách, quà Tết… để tặng các em học sinh khó khăn. Riêng với lớp chủ nhiệm, tôi thường tâm sự: “Các em không có lỗi trong chuyện giàu nghèo, sướng khổ của gia đình mình. Nhưng nếu cha mẹ đã vất vả làm lụng để các em có điều kiện đến trường cùng bạn bè mà các em không chịu học tập thì đó là một lỗi lầm không thể tha thứ!”.

* Hiện nay, việc học bộ môn Ngữ văn, luyện chữ bị coi nhẹ, thầy có đồng ý vậy không? Tại sao có tình trạng đó?

- Có nhiều lý do để một số người trẻ nói chung và học sinh nói riêng không yêu hoặc xem nhẹ môn Ngữ văn. Có thể do suy nghĩ rằng bộ môn này không thể học để thi vào những ngành nghề có thu nhập cao hoặc trong thế kỷ XXI thì phải chọn những môn học thực tế thiên về khoa học kỹ thuật, kinh tế… Tuy nhiên, bạn cũng đừng quá bi quan vì vẫn còn có rất nhiều bạn trẻ yêu Văn, đam mê viết lách.  

Còn việc luyện chữ tôi nghĩ do một số người quen với công nghệ hiện đại và nghĩ rằng máy vi tính, các thiết bị in ấn sẽ làm thay con người mọi thứ liên quan đến chữ viết… Thực tế lại không phải như vậy!

Tuy nhiên, tín hiệu đáng mừng là hiện nay đã có rất nhiều trung tâm luyện viết chữ đẹp ra đời được rất đông học sinh, sinh viên và người lớn theo học. Nhiều cuộc thi viết chữ đẹp đã được tổ chức. Điển hình là hội thi “Văn hay - Chữ tốt” do Báo Sài Gòn Giải Phóng và Công ty Prudential tổ chức hàng năm đến nay đã diễn ra 17 lần.

* Học văn mang lại giá trị gì cho mỗi người, theo thầy? Và thầy nghĩ gì về câu “Văn học là nhân học” của Maxim Gorky cũng như câu “nét chữ thể hiện con người”?

- Với tôi, học Văn để con người ta sống đẹp hơn! Văn chương là những gì tinh túy nhất được chắt lọc từ cuộc sống. Người yêu văn chương thông qua việc tiếp xúc với tác phẩm sẽ học được nhiều bài học lớn để tâm hồn rộng mở, hướng thượng và cao thượng hơn, đúng như Maxim Gorky nói: “Văn học là nhân học”.

“Nét chữ thể hiện con người” - điều này không cần phải bàn cãi nữa. Trong khi giảng dạy trên lớp, tôi khuyên học trò mình dùng bút máy để viết bài. Tôi chỉ nhắn nhủ thật nhẹ nhàng: “Các em viết chữ cho rõ ràng và đẹp là đã một phần nào đó thể hiện lòng yêu nước”.

* Ở mái trường thầy dạy, học sinh học thầy đã được tưới tẩm tình yêu văn chương?

- Qua mỗi bài học tôi đều cố gắng chỉ ra bên ngoài cuộc sống để học sinh nhìn và ngẫm nghĩ, chiêm nghiệm. Tôi luôn dặn dò học trò mình: “Văn chương từ bên ngoài cuộc sống mà đi vào trang sách thì mỗi em hãy đem những gì mình cảm thụ được qua các tác phẩm đi ra khỏi cổng trường theo cách của mình chứ đừng chỉ biết học Văn và yêu Văn qua những bài kiểm tra, thi cử!”.

Tôi xin phép sửa lại từ “tưới tẩm” thành cụm từ “truyền cảm hứng”. Tôi hiểu một điều: Từ việc thích học Văn, yêu Văn và mạnh dạn “dấn thân” để sống chết cùng văn chương với mỗi học trò tôi dạy sẽ có những khoảng cách xa nhau. Thôi thì… tùy duyên vậy! (cười)

* Xin cám ơn thầy!

Thầy Nguyễn Thái Trọng công tác tại Trường THCS Tân Nhựt từ năm 2007. Thầy đã nhận được những giấy khen, bằng khen: “Chiến sĩ thi đua cấp huyện”, Giải III Hội thi Giáo viên giỏi cấp THCS cấp huyện môn Ngữ văn năm học 2009-2010, Giải III Hội thi Giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp huyện năm học 2010-2011, của Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh... Đã xuất bản tác phẩm “Hương hạt bụi trần”  (đồng tác giả), “Ngọt vị phù sa” (đồng tác giả)...

Lưu Đình Long thực hiện

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.