Đội lân miễn phí

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
GNO - Nó nhớ những ngày sống ở Nha Trang. Nhà nó tận sâu trong ngách nhưng Trung thu nào cũng tưng bừng rộn rã. Tiếng cắc tùng tùng len vào những căn nhà ổ chuột, mùi bánh nướng, bánh nếp sực nức được bày bán trên phố xộc vào mũi, nó phải phồng ngực lên mà hít.

Hấp dẫn nhất là chiều nào nó với mấy đứa trong xóm cũng theo chân chú lân đi khắp phố. Vậy mà bây giờ… Nó muốn khóc. Chao ôi là buồn! Cái xóm núi hiu hắt này chẳng có khái niệm Trung thu.

- Mẹ ơi, sao ở đây người ta không biết múa lân?

- Biết chứ. Nhưng nghèo quá, cơm ăn không no thì sức đâu mà múa.

- Con thích múa lân.

- Thích thì tự múa đi!

- Lân đâu mà múa? À, hay mẹ xuống thị xã mua cho con cái đầu lân đi!

- Mày hỏi thử có ai mua mẹ thì bán đi rồi lấy tiền mua lân!

Bị mẹ từ chối, nó tiu nghỉu.

Ụp cái mũ lên đầu, vùng vằng ra khỏi nhà. Nó đi tìm lũ bạn chí cốt để than thở. Nó là trẻ em, bạn nó cũng là trẻ em. Không có Trung thu thì sinh trẻ em ra để làm gì? Nó và hai thằng bạn ngồi bức xúc, than vắn thở dài, mặt đứa nào cũng bi thiết như ông nhà buôn sắp vỡ nợ.

Trưa rồi, thằng Ton, thằng Lượm rủ nhau về ăn cơm, nó chẳng thiết. Trong tình cảnh này thì cơm thịt nó cũng không thèm chớ nói gì cơm rau. Mẹ ơi ới kêu về, nó nhất quyết không ăn. Kệ. Đói một bữa hổng chết được đâu. Không ăn cơm là cách “biểu tình” hiệu quả nhất. Mẹ luôn sợ nó đói mà. Nó hư ăn lắm. Đói chút là mềm èo ra liền. Mẹ lo lắng hét, cơm với roi, mày chọn cái nào?? Nó vẫn không về. Đừng hòng lấy roi ra áp lực. Nó vẫn ngồi im dưới gốc cây xoan. Nó bắt đầu thấy run vì đói nhưng thấy mình khí tiết ngút trời, nó vẫn ngồi ì. Mẹ chịu thua, ra tận gốc cây xoan rước nó vô, mẹ bảo, ăn đi, thích múa thì tối tui làm lân cho…

Ăn cơm chiều xong, mẹ với nó ngồi làm lân.

Đầu lân là cái thúng cũ bị thủng một lỗ. Mẹ lấy dao, kê cái thúng lên khúc gỗ sau nhà, tề vành thúng thành một hình ô van rồi bảo đó là miệng lân. Kế đến là khoét hai lỗ tròn bên trên làm con mắt. Có đầu lân rồi nè, múa đi! Cái gì? Đội cái thúng rách lên đầu múa hở? Gớm chết! Nó ngồi thụng mặt. Mẹ gợi ý, thì lấy giấy màu dán lên, tỉa lông lá râu ria nữa thì thành đầu lân thôi. Cơ bản múa có đẹp không chứ lân nào chẳng là lân. Ý này ngó bộ hay! Nó bèn tận dụng hết giấy màu, không đủ thì rứt luôn giấy trắng, cắt thành sợi nhỏ dán lên thúng. Thấy cũng sắc màu, cũng lung linh ra phết. Kệ đi! Có còn hơn không.

Có đầu rồi thì phải có mình chứ. Lân không có mình mà đội lên thì trông nó sẽ giống một đứa con gái có khuôn mặt sư tử là cái chắc. Nhăn mặt suy nghĩ, ra rồi, nó chạy vô mượn mẹ cái mền hoa. Mẹ hét: Chơi dơ rồi lấy gì đắp? Mày múa ra cơm thì tao cho hẳn cái mền để múa? Quỷ thần thiên địa ơi, đầu lân là cái thúng… rách mà đòi múa ra cơm. Mẹ thử đưa cái đầu lân thiệt sự coi…, nó càm ràm trong bụng. Ba nó động viên, lấy đỡ cái mùng rách trong hóc nhà kia làm áo cho lân, hồi ba còn nhỏ, cũng chơi kiểu vậy đó, giờ nghĩ lại còn thấy mắc cười nè... Trung thu cơ bản là vui!

Đành lòng vậy, cầm lòng vậy. Thôi thì cứ múa đại, biết đâu cái đầu lân hổng giống ai lại làm người ta ấn tượng. À, còn thiếu một thứ. Thứ này nhỏ thôi nhưng nếu không có thì đội lân chỉ biết đứng khóc. Đúng rồi. Rất nhanh trí, thằng Ton chạy xuống nhà dưới lấy cái nắp vung. Thằng Lượm chạy đi kiếm hai cái dùi trống. Thằng Lượm có sở trường đánh trống ếch nên cái khoản trống lân thì tạm yên tâm.

Vậy là xong, 7h tối mai đội lân (ba đứa) sẽ chính thức tập luyện để kịp Trung thu ra mắt và công diễn.

Nhưng ông Địa không có mặt nạ, thôi, hy vọng mọi người thông cảm cho ông Địa Ton, là ông Địa thuộc hộ nghèo có mã số. Không có mặt nạ đã đành nhưng phải có quạt, có bụng mới có đất để diễn. Thôi, lấy đỡ tờ bìa cứng cắt tròn làm quạt, rồi nó cuộn hai ba cái áo cũ, nhét ào vô rồi lấy cái quai nón cũ của mẹ riết ngang bụng thằng Ton. Ngay lập tức thằng Ton có bộ dạng phệ nệ của ông Địa liền. Thấy ai mày cũng phải đùa phải giỡn nghe chưa, phải chọc người ta cười, ông Địa có nhiệm vụ làm vui chủ nhà mà, đặc biệt là mấy nhóc... Sao vậy? Ngu dữ mày! Ông Địa là hiện thân của Đức Di Lặc, lúc nào cũng tươi vui nghe chưa, mày lỡ trưng ra cái mặt bỏ cơm là ăn roi dí tao á. – Nó hếch răng lên, “dạy dỗ” thằng Ton rất bài bản và nghiêm khắc.

Nó tập hợp đội lân chủ yếu tập luyện cho ông Địa Ton chứ thằng Lượm đánh trống là đã yên tâm, còn phần lân thì nó đã tự tập trên cả thuần thục rồi. Tả xung hữu đột, tiến thoái, hùng dũng chồm tới, nhảy cao, phủ phục… tất tật đều nhịp nhàng, uyển chuyển. Ba khen nó con gái mà có khiếu múa lân.

Mọi thứ đã sẵn sàng, cũng vừa đúng ngày trăng tròn vành vạnh.

Tùng tùng tùng cắc tùng tùng tùng tùng! Đó là tiếng trống lân của đội bạn (đội lân múa trên đường phố Nha Trang mà nó từng xem), còn đội lân của chúng nó cứ chập cheng cheng trên con đường đất.

- Chú ơi, cho tụi con vô nhà múa nha?

- Múa may gì, cheng cheng điếc đầu!

- Nghe cheng cheng vậy chớ lân múa hay lắm, nha chú…

- Con đấy mà lân hả?

- Lân thiệt m...à.. Múa nha chú?? Năn nỉ á…

- Đi chỗ khác chơi!

- Tụi con múa không cần treo tiền đâu.

- Con cái nhà ai mà lì quá! – chú Ba bực dọc hét to. Ba đứa nín khe, lùi ra đường.

Hay là tụi mình múa ngoài đường thôi, thằng Ton xướng lên như thế. Nó gắt, ngoài đường sao được mà ngoài đường, múa cũng phải có người coi, đường vắng tanh vầy múa cho ma coi à? Chưa chi đã nản. Cứ để tao lo, đi tiếp nè.

Cheng cheng cheng…

Đội lân đứng trước cửa nhà chú Tám Tuân. Rút kinh nghiệm, nó không dại gì đem đội lân tinh luyện của mình vào nhà để bị hét nữa. Chú Tám Tuân là bạn trồng mì, chú thường lui tới trà tửu với ba nên nó mạnh dạn:

- Chú Tám ơi, cho đội lân vô nhà múa nha!?

- Sang nhà khác đi con, nhà chú chật lắm!

- Không sao, đội lân của con mỏng lắm.

- Nhưng chú hổng có túi quà?

- Đây là đội lân miễn phí, ok nha chú?

- Ừ!

Sau tiếng “ừ” là tiếng cheng cheng nổi lên, thằng Lượm khoái chí quá, đánh vô cái nắp vung đeo trước bụng thiệt to. Tiếng trống thúc giục, lân ta ưỡn mình, vồ tới, xoãi ra, uốn lượn rất dũng mãnh, tả đột hữu xung... Ông Địa ôm cái bụng khềnh khàng, lại bàn trà rót nước, quạt mát cho khổ chủ. Cheng cheng… đã quá, đội lân dùng hết sức mình để biểu diễn. Tới chừng mệt đứt hơi, hết nhảy được nữa mới thôi.

Gia chủ vỗ tay đôm đốp. Đội lân sướng ngất ngư. Nó hăng quá, lấy tay ra dấu đi nữa, thằng Lượm lập tức cheng cheng liền. Nhưng chú Tám nói: Đi đâu mà vội, múa xong thì phải nhận thưởng chứ? Dạ, đây là đội lân miễn phí. Chú Tám cười ha ha, bưng lên đĩa sắn luộc, có phết hẹ, rưới tiêu thơm phức. Đây, bồi dưỡng cho đội lân tình nguyện nè. Ôi trời, món này thấy vợ chú bày bán trước cổng trường hoài, nhìn thèm chút chết nhưng tiền đâu mà mua. Đội lân thấy đĩa sắn to, sáu con mắt sáng hơn pin, thò tay chụp lia.

Xong đĩa sắn thì bụng ba đứa đều thành bụng ông Địa.

Cheng cheng cheng. Lân lại đi…

Nhưng lần này thì đi về nhà ngủ. Chú Tám dặn, không được chơi khuya, phá làng phá xóm. Với lại no quá rồi, nhảy xóc hông lắm.

***

Đấy là Trung thu của hai mươi năm về trước, Trung thu của tôi và hai thằng bạn chí cốt.

Thời gian qua đi, những thứ bị lãng quên không nhiều nhưng những đổi thay thì nhiều vô kể.

Xóm núi ngày xưa bây giờ là thị trấn của huyện, chú Tám Tuân đã thành người thiên cổ. Tôi và hai thằng bạn trôi vô Sài Gòn kiếm cơm. Thảng lắm, nếu tình cờ gặp nhau thì ba đứa sẽ cười ha ha kể lại chuyện đội cái thúng rách đi múa…

Sáng nay, mới đầu tháng Tám, thằng Lượm a-lô cho tôi, một hai bảo Trung thu này về xóm núi chơi. Tôi hỏi có chuyện chi thì hắn cười hề hề bảo, về xem thử quê mình có còn đứa trẻ nào đội cái thúng rách đi múa thì tài trợ cho chúng một con lân hoành tráng, chơi Trung thu cho đã.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.