Đôi dòng tưởng niệm (về cố Ni trưởng Thích nữ Như Hà)

Ni sư Hạnh Chiếu với Ni trưởng Thích nữ Như Hà - Ảnh tư liệu Trí Đức Ni
Ni sư Hạnh Chiếu với Ni trưởng Thích nữ Như Hà - Ảnh tư liệu Trí Đức Ni
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Như Hà - Cô được Hòa thượng Ấn Quang ban pháp hiệu mang tiếng gọi dòng sông. Một dòng sông Như. Hay như một dòng sông. Tùy hiểu, tùy gọi, phương tiện lập danh.

Nếu như một dòng sông, thì ở đó có con nước triều dâng, dù đầy dù vơi vẫn tuôn chảy không ngừng. Qua núi, qua khe, đầu ghềnh cuối thác, rộng hẹp tùy duyên. Lúc rì rào sóng vỗ, khi róc rách hiền khô, âm thầm tưới mát nuôi xanh. Nhờ sông muôn loài sinh trưởng, vạn vật thắm màu. Tấu khúc tồn sinh một thuở, dòng sông lặng lẽ về xuôi.

Dòng Như Hà chảy qua đời con, một lần đến một lần đi hay nhiều hơn thế nữa, tác thành nhân duyên diệu huyền. Con cúi đầu vạn bội thâm ân. Dòng sông Như đổ về biển, cộng nhập Tỳ-lô tánh hải. Tánh biển rộng mênh mông, khắp chứa muôn vạn dòng. Ở đó không có tử thi, không đậm nhạt nông sâu. Tuôn đi trở về, dung thông vô ngại.

Trời trong trăng sáng, từ thân có nhớ một thời như sông…

***

Từ ngày mẹ con mình kết tình mẫu tử là đã được giọt nước cành dương của Bồ-tát dưỡng tâm. Cô dạy con niệm Phật, niệm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm suốt thời gian hoài thai. Lớn lên mẹ con mình cùng dìu dắt nhau thế phát xuất gia. Cô theo Phật Di Đà, con đầu đội Thích Ca, cuối cùng mẹ con mình lại về chung một nhà Trúc Lâm. Còn diễm phúc nào bằng!

Con còn nhớ, lúc cô ở chùa Long Nhiễu bị tai biến, được tin con vội vã xin phép Hòa thượng Ân sư và quý Ni trưởng Linh Chiếu về chăm sóc cô, trong lòng lo lắng ngổn ngang. Vì lúc đó con không có tiền mà thiền sinh cũng không được phép giữ tiền theo quy định của Hòa thượng. Biết hoàn cảnh và tâm trạng của con, Hòa thượng Ân sư đã an ủi dạy bảo:

- Gặp hoàn cảnh như vậy con nên kiên trì nhẫn nại, chịu khó đi đi về về lo cho cô con, mà cũng làm tròn việc chúng. Không nên hoàn toàn bỏ chúng về mẹ, cũng không nên hoàn toàn bỏ mẹ theo chúng, khi cả hai đều là người xuất gia, đều hiểu đạo lý “Tăng ly chúng Tăng tàn, hổ ly sơn hổ bại”. Mỗi lần đi thầy sẽ cho tiền xe, cô con là người tu nên thầy cho tiền không trái với luật Phật, con đừng ngại.

Bạch thầy, nếu lúc đó không có thầy, không có những lời chỉ dạy của thầy, thì không biết con có còn trụ lại trong chúng cho tới ngày hôm nay không? Và cô con có đủ phước đủ duyên được thụ học tại thiền viện Linh Chiếu, thiền viện Trúc Lâm Trí Đức hay không? Tất cả đều nhờ vào ân đức và từ tâm của thầy. Bi trí của thầy không chỉ cao vót trên ngôn từ giáo nghĩa, mà thầm lặng sâu lắng, len lỏi vào từng mạch sống, từng mảnh tâm tình, từng hoàn cảnh khó khăn của chúng đệ tử. Để từ đó giáo dưỡng chúng con thành người đệ tử Phật chân chánh như hôm nay.

Những ngày ở Trí Đức Ni là những ngày hạnh phúc nhất, an lạc nhất của cô. Và của cả con nữa. Cô đã thầm lặng niệm Phật, thầm lặng cầu Phật gia hộ cho con, cho toàn thể Ni chúng. Để đến giây phút cuối đời, con và đại chúng mới biết nội hàm công phu của cô, tình thương của cô và sự thanh thản ra đi của một hành giả thật sự biết buông tay.

Người về

Cổ tháp

Muôn xưa,

Ngàn năm lối cũ

Vẫn chừa thiên thu.

Người về

Bên ấy

Có ru,

Trăm năm còn mãi

Tiếng ru đại từ.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.