Đôi điều cảm nhận về giải thích kinh điển

NSGN - Viết được một cuốn sách mới là đại nghiệp thiên thu; chú giải được một bộ cổ văn là hoằng công vạn đại.

書, 便 ; 書,

Trước đắc nhất bộ tân thư, tiện thị thiên thu đại nghiệp; chú đắc nhất bộ cổ thư, doãn vi vạn thế hoằng công. (Trương Trào - U mộng ảnh)

chuoihatbentrangkinh.jpg

Người xưa viết sách là dốc cả tâm tư, đẽo gọt ruột gan để ghi vào ngọn bút - Ảnh minh họa

Chưa bao giờ kinh điển lại được xuất bản nhiều và phong phú như hiện nay. Những cuốn kinh mà ngày xưa ta phải đỏ mắt đi tìm thì giờ đây có thể dễ dàng tìm thấy trong các tiệm sách, hoặc ngay trên mạng. Kỹ thuật in ấn đã giúp cho việc lưu bá kinh điển trở nên vô cùng thuận lợi. Bất kỳ ai có tâm cầu pháp đều có thể dễ dàng tiếp cận với kho tàng kinh điển Phật giáo. Và bên cạnh các ấn phẩm kinh điển phong phú đó là những cuốn sách chú giải, với vô vàn thể loại, khiến người đọc không khỏi rối mắt trước cảnh “đa thư loạn mục”. Nhưng có một điều đáng suy ngẫm là rất nhiều cuốn sách chú giải với kiến thức hời hợt và suy diễn máy móc vẫn ngập tràn trên thị trường sách vở. Liệu những cuốn sách đó giúp ích được gì cho việc tìm hiểu kinh điển, và đóng góp được gì cho việc hoằng dương Chánh pháp?

Trước khi bàn đến những trang kinh Phật uyên áo trong nội điển, ta chỉ thử xét đến quan niệm của người xưa về các cổ thư ngoại điển. Người xưa viết sách là dốc cả tâm tư, đẽo gọt ruột gan để ghi vào ngọn bút. Viết được một bộ sách bằng huyết lệ để lưu truyền cho hậu thế, kiệt trí tận tâm, cái đó xứng đáng gọi là “đại nghiệp thiên thu”. Đỗ Phủ từng nói:

Văn chương thiên cổ sự,

Đắc thất thốn tâm tri.

文 章 千 古 事 ,

得 失 寸 心 知 。

(Văn chương là chuyện ngàn năm,

Được hay mất, chỉ tấc lòng biết thôi.)

Tào Phi trong Điển luận 典 論 viết:

Văn chương là đại nghiệp trị nước, là thịnh sự ngàn đời. Tuổi thọ rồi có lúc hết, vinh hoa vui thú rồi có lúc dứt với thân này, những thứ đó tất nhiên sẽ đến theo lẽ thường, sao bằng được sự vô cùng của văn chương. Cho nên các tác giả thời cổ gởi thân nơi bút mực, ghi lại ý tưởng nơi sách vở, không dùng đến ngôn từ của quan sử, không dựa dẫm thế lực của quan quyền, mà văn chương tự nhiên được lưu truyền hậu thế.

(Cái văn chương, kinh quốc chi đại nghiệp, bất hủ chi thịnh sự. Niên thọ hữu thời nhi tận, vinh lạc chỉ hồ kỳ thân, nhị giả tất chí chi thường kỳ, vị nhược văn chương chi vô cùng. Thị dĩ cổ chi tác giả, ký thân ư hàn mặc, hiện ý ư thiên tịch, bất giả lương sử chi từ, bất thác phi trì chi thế, nhi thanh danh tự truyền ư hậu. 蓋 文 章 , 經 國 之 大 業 , 不 朽 之 盛 事 。 年 壽 有 時 而 盡 , 榮 樂 止 乎 其 身 , 二 者 必 至 之 常 期 , 未 若 文 章 之 無 窮 。 是 以 古 之 作 者 , 寄 身 於 翰 墨 , 見 意 於 篇 籍 , 不 假 良 史 之 辭 , 不 託 飛 馳 之 勢 , 而 聲 名 自 傳 於 後 。).

Cổ nhân quan niệm về văn chương sâu xa là thế, há đâu phải là thứ văn chương hời hợt của đời nay! Văn chương trong các cổ thư ngoại điển đã là thế, huống gì là các bộ Phật kinh? Nhiều người đọc được một vài cuốn sách cứ tự cho mình có thể chú giải kinh sách, và vì ai cũng có điều kiện in sách, ai cũng đều có thể đăng bài trên mạng xã hội, nên tình hình chữ nghĩa dần trở nên rối loạn, Chánh pháp dần trở nên suy thoái.

Ngày xưa, điều kiện tra cứu rất khó, nên chú giải được một bộ sách cổ đòi hỏi phải có tâm huyết, sự kiên trì và kiến thức hơn người. Có tâm huyết và kiên trì mà không có kiến thức uyên bác, cũng không thể chú giải được. Có kiến thức uyên bác mà không có tâm huyết và kiên trì cũng khó chú giải cho xong. Những công trình chú giải nghiêm túc đem ơn ích cho đời không ít, cho nên mới gọi là “vạn thế hoằng công”, tức công lao vĩ đại ngàn đời.

Hoàng Giao Tam nói:

Những chuyện khó trong đời, chú giải sách là một. Ngay ở những chỗ tầm thường nhất cũng cần phải nhận ra được nỗi khổ tâm của tác giả. (Thế gian nan sự, chú thư đệ nhất. Đại yêu ư cực tầm thường xứ, yêu khán xuất tác giả khổ tâm. 世 間 難 事 , 注 書 第 一 。 大 要 於 極  尋 常 處 , 要 看 出 作 者 苦 心 。).

(http://www.guoxue.com/Newbook/book77/renshengzp/ymy069.htm).

Người chú giải không những phải có kiến giải và học vấn ngang tầm tác giả, mà còn đặt mình vào hoàn cảnh và tâm trạng của tác giả, nên giữa tác phẩm và lời chú giải thường có mối quan hệ theo lẽ “thanh khí ứng cầu”. Như Lâm Tây Trọng chú giải Nam Hoa kinh của Trang Tử, như Bùi Giáng bình giải Truyện Kiều của Nguyễn Du v.v... Người xưa nghiêm túc là thế, chú giải cổ thư với tâm trạng cẩn trọng của người “đi trên băng mỏng”. Bởi thế, mỗi khi nhìn những cuốn sách biên khảo của các học giả Tăng có, tục có, nào là Thuyết giảng kinh X., nào là Luận giải kinh Y., v.v... tôi không khỏi nhớ đến câu nói của Trương Trào mà giật mình. Hỡi ôi, đọc hiểu được một câu kinh Phật cũng phải có túc duyên hãn hữu, lời Phật dạy toàn là những lời “phị nhi ẩn”, “ngã thuyết... tức phi... thị danh”, cảnh giới tâm chứng của chư Phật là cõi bất khả tư nghì, chứ đâu có phải là thứ để đem ra thuyết giảng bằng những ngôn từ cóp nhặt hời hợt suy tư, trống không tâm chứng?

Chú giải được một bộ cổ văn, đã là “vạn thế hoằng công”, huống gì là chú giải Phật kinh? Nếu không có được xuất thế trí và túc duyên hãn hữu, mà cứ hì hục đem cái tục trí cạn cợt để hồ đồ “chú giải” thì tam thế chư Phật cũng đều phải chịu trầm oan. Tình cảnh đó không khác gì điều Tô Đông Pha nói trong lời tựa kinh Lăng-già:

Hễ được một câu kinh một bài kệ, đã tự cho là liễu chứng. Cho đến hạng đàn bà con nít cũng vỗ tay mà cười nói, đua nhau luận đàm thiền duyệt. Kẻ cao thì vì danh, kẻ thấp thì vì lợi. Cái dư ba mạt lưu đó, không nơi nào là không chảy tới, mà Phật pháp suy vi vậy. (Đắc nhất cú nhất kệ, tự vị liễu chứng. Chí sử phụ nhân, nhụ tử đề chưởng hy tiếu, tranh đàm thiền duyệt. Cao giả vị danh, hạ giả vị lợi. Dư ba mạt lưu, vô sở bất chí, nhi Phật pháp vi hỹ. 得 一 句 一 偈, 自 謂 了 證 。 至 使 婦 人 孺 子 抵 掌 嬉 笑 爭 談 禪 悅。高 者 為 名 。 下 者 為 利 。 餘 波 末 流 。 無 所 不 至 。 而 佛 法 微 矣 。). (lời tựa cho bản dịch kinh Lăng-già của Cầu Na Bạt Ðà La).

Nếu các “học giả” đó mà hiểu được rằng “Một vài lời ẩn mật, một chút cơm thừa của Như Lai, cũng quá đủ để thụ dụng suốt bình sinh tại thể” như nhà thơ Bùi Giáng từng cảnh tỉnh (Ngày tháng ngao du, NXB.Văn Hóa Sài Gòn, 2008, tr.113) thì hẳn đã phải vô cùng cẩn trọng khi cầm bút chú giải Phật kinh. Một giảng viên khi giảng bài cho sinh viên trên giảng đường thì phải thấu hiểu và hoàn toàn nắm vững vấn đề mà họ giảng dạy. Ai trong các tác giả chú giải kinh điển có thể khẳng định mình thấu hiểu và hoàn toàn nắm vững nội dung những cuốn kinh mà mình chú giải hay thuyết giảng?

Tôi nhớ đến một câu chuyện tiếu lâm thật thú vị về chuyện lặp lại như con vẹt, mà không hiểu gì. Có một bé gái ăn sữa chua nhiều nên bị trướng bụng. Mẹ dẫn đi khám bệnh, cô bác sĩ xoa bụng bé, rồi bảo: “Cô biết bụng cháu lớn là vì sao rồi. Thôi đi nghe!” Bé dạ và nhớ lời đó. Tuần sau, có bạn của mẹ đến chơi, cô này đang có bầu nên bụng lớn. Bé nhớ lại câu nói của bác sĩ, nên đến xoa bụng cô bạn của mẹ rồi nói: “Cháu biết bụng cô lớn là vì sao rồi. Thôi đi nghe!”.

Nội dung lặp lại không có gì sai, thậm chí hoàn toàn chính xác, nhưng hậu quả thì không cần nói ta cũng có thể hình dung. Mọi sự lặp lại nội dung kinh điển mà không có sự trải nghiệm chân thực đều là hiểm họa. Trong cõi tư tưởng, chân lý khi lặp lại có thể sẽ không còn là chân lý nữa. Đó cũng là tình trạng “y kinh giải nghĩa, tam thế Phật oan” mà các bậc cổ đức đã cảnh tỉnh cho tất cả những ai không có chân tài thực học, chưa từng trải qua cảnh giới tâm chứng nhưng lại cứ muốn đem kiến thức từ chương để chú giải kinh điển và giảng dạy Phật pháp cho đại chúng.

Huỳnh Ngọc Chiến

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.