GNO - Bức tranh thêu Phật giáo độc nhất vô nhị này có lịch sử từ thế kỷ 17, được triển lãm ở Kyoto (Nhật Bản) từ ngày 8-2 qua (ảnh).
Tác phẩm này được phát hiện vào năm 1997 tại chùa Joganji, quận Kamigyo, thuộc Kyoto. Bức tranh thêu hình Đức Phật ở trạng thái Niết-bàn, cao 170,6 cm, rộng 84,2 cm. Tranh được thêu vào năm 1678, bởi một vị tu sĩ Phật giáo có tên là Kunen, người đã chu du đến Nhật Bản trong thời gian này. Tóc để thêu nên bức tranh được xin từ những người dân có hạnh nguyện muốn về Tây phương sau khi xả báo thân tứ đại trong đời này, đó là chất liệu dùng để thêu thành tóc của Đức Phật.
Theo thông tin từ một giảng viên Khoa Lịch sử văn hóa Nhật Bản, Đại học Kobe Gakuin, Kunen còn chế tác các tác phẩm khác như các đồ hình mạn-đà-la, sử dụng tóc của hơn 10.000 người. Trong hơn 70 mạn-đà-la, 8 tác phẩm vẫn còn tồn tại cho đến nay. Việc sử dụng tóc người trong các tác phẩm Phật giáo khá phổ biến nhưng chỉ sử dụng duy nhất một nguyên liệu là tóc người như các tác phẩm này thì thật sự hiếm hoi.
V.C.Hưng - Trọng Hiếu (Theo Japan Daily Press)