Độc đáo tín ngưỡng thờ đá “Bụt Mọc”

GN - Ngày nay, tín ngưỡng thờ “Bụt Mọc” vẫn hiện diện nhiều nơi trên miền Bắc nước ta, đặc biệt ở những ngôi chùa tọa lạc trong hoặc kề bên núi đá. Đây là loại tượng thiên tạo vô cùng độc đáo: các tảng đá, măng đá trong hang động, trên núi có hình dáng giống người đều được “Phật hóa” thành Bụt và trở thành tượng thờ.

Van hoa 1.jpg


Tượng đá An Kỳ Sinh trên núi Yên Tử (Quảng Ninh)

Thời đại đồ đá kéo dài hàng triệu năm, vì đá là chất liệu song hành với những bước chân chập chững của loài người. Suốt thời kỳ xã hội nguyên thủy, mọi hoạt động sinh hoạt, lao động của con người đều gắn liền với đá: sống trong hang đá, mọi công cụ lao động đều chế tác từ đá, đá tạo ra lửa… ngay cả khi chết đi cũng được an táng trong đá. Khi thuyết vật linh hình thành, người xưa cho rằng giữa đá và linh hồn con người có mối liên quan chặt chẽ. Núi đá là nơi thông linh giữa trời và đất. Đá có thể là nơi trú ngụ cho linh hồn con người, là phương tiện để truyền đạt mong muốn của con người với các thế lực siêu nhiên.

Trong sinh hoạt tinh thần ở một số vùng miền quê của người Việt hiện nay vẫn phổ biến hiện tượng thờ cúng những tảng đá có hình thù đặc biệt. Hàng trăm ngôi chùa trên đất nước ta còn lưu giữ tín ngưỡng thờ tượng “Bụt Mọc”. Đây là loại tượng thiên tạo vô cùng độc đáo: các cột đá, măng đá trong hang động có hình dáng giống người. Trong tâm thức của người Việt, sở dĩ những tảng đá có hình thù đặc biệt như vậy là bởi chúng được Phật trú ngụ. Vì thế, thờ cúng những tảng đá ấy chính là thờ cúng các vị Phật ẩn náu trong đó, để nhận được sự che chở, hộ trì.

Một trong những pho tượng đá thiên tạo trứ danh hầu như ai cũng biết hoặc nghe nói đến nhiều là tượng An Kỳ Sinh trên núi Yên Tử (Quảng Ninh). Không có bất cứ một sự chạm khắc nào bởi bàn tay con người, nhưng tảng đá trông rất giống hình nhà sư đứng chắp tay cung kính, áo dài thướt tha, tà áo bay trong gió. Tượng cao hai mét, trừ phần bệ.

Truyền thuyết kể rằng, thời xưa trên núi Yên Tử có nhiều cây thuốc mọc tự nhiên. Một đạo sĩ tên là An Kỳ Sinh chuyên hái thuốc, luyện thành thuốc trường sinh, người ta gọi ông là thầy An, để tỏ lòng tôn kính. Về sau, ông chết hóa thành tượng đá trên đỉnh núi, như nối liền trời với đất. Biết bao đời nay, người dân hành hương đến Yên Tử, ai cũng muốn được đặt tay lên tượng An Kỳ Sinh với một niềm tin rằng tảng đá hút được linh khí của trời đất đó có thể ban cho mình sức khỏe, an lành.

Tại Bắc Ninh có chùa Bụt Mọc (chùa Bảo Quang) nổi tiếng linh ứng. Theo Đại Nam nhất thống chí: “Chùa Bảo Quang ở phía Đông bắc xã Lãm Sơn huyện Quế Dương, đỉnh núi có viên đá đứng như hình người. Đời Lê Vĩnh Thịnh (1705-1719) thiền sư tên tự là Như Thông mới dựng chùa này”.

Tấm bia Lãm sơn Bảo Quang tự Báo Ân tháp bi ký hiện diện tại chùa cũng cho biết, Thiền sư Như Thích (1659-1723), húy là Thông, người quê thôn Phú Mẫn, Nội Trà, Yên Phong. Năm 58 tuổi, ngài mới xuất gia, học đạo với Thiền sư Chân Nguyên Chính Giác (1647-1726). Sau một thời gian, ngài xin bản sư du phương. Xa nghe Lãm Sơn, Quế Dương là một thắng địa, ngài bèn tìm đến. Bỗng nhiên một trận mưa rào dữ dội với hàng ngàn tia chớp và sấm sét kinh hoàng. Sau đó, bầu trời cao xanh yên tĩnh trở lại, Tổ sư Tâm Thông đi ngắm cảnh núi, phát hiện thấy trên sườn núi phía Nam một phiến đá nhô lên hình dáng như ông Phật, dựng cao như một pho tượng toàn thân của nhà sư: mặt hướng về phương Tây, hai tay chắp trước ngực như đang ngồi thiền. Tổ sư quyết định xây dựng ở địa lợi này một ngôi chùa trang nghiêm - chính là chùa Bụt Mọc. Pho tượng đá hình người được người dân gọi là Bụt Mọc.

Làng Lỗ Khê ở Hà Nội có chùa Bụt Mọc. Tương truyền vào thời các vua Hùng, một đêm trăng thanh, dân làng đi lấy nước thấy sự lạ trên đồi Bạch Ngô Công. Bỗng nhiên có mười hòn đá xanh ngồi hai hàng hình thù kỳ dị trông rất giống người, mỗi vị có một hình dáng tư thế khác nhau thể hiện sự kỳ diệu của tạo hóa. Người xưa cho rằng trời đất mang điềm lành đến cho dân làng nên lấy đá đắp xung quanh để thờ, gọi “Quang Linh am điện”.

Đến thế kỷ thứ III sau Tây lịch, dân làng xây chùa tại đây, đổi tên thành “Quang Linh am tự”, gọi nôm na là chùa Bụt Mọc. Ngày nay, trên nền chùa cũ vẫn bảo tồn nguyên vẹn ba tòa tháp cổ và sáu đế chân tượng đá Bụt Mọc. Sự linh ứng của ngôi chùa luôn thu hút khách thập phương nhộn nhịp đến tham quan, lễ Phật.

Làng Tiên Hội ở huyện An Lão, Hải Phòng cũng có chùa Bụt Mọc, tại đây có tảng đá thiên tạo hình tượng Phật ngồi. Theo văn bia của chùa ghi lại: Nguyễn Duy Thanh quê ở huyện Đường Hào được vua Minh Mệnh bổ nhiệm làm quan Tri huyện An Lão vào năm Giáp Tý. Ông là vị quan thanh liêm, chỉ hiềm một nỗi chưa có con trai nối dõi.

Năm Mậu Thìn, tháng mùa hạ, ông cùng phu nhân họ Đỗ qua chùa thì bỗng nhiên ngựa quỳ phục xuống và quay vào phía chân núi đất Tiên Hội. Vợ chồng Tri huyện bèn trở vào thắp hương trong chùa và xin cầu tự. Quả nhiên, về sau một năm vợ ông sinh được một người con trai. Vì vậy, ông bỏ tiền và quyên góp thêm xây lại chùa. Đến năm Quý Dậu, ông được thăng chức đi làm Tri phủ Nam Sách.

Van hoa-2.jpg

Trên núi Thầy ở xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai - Hà Nội (tức chùa Thầy), nơi gần đền Thượng có hang Bụt Mọc. Trong hang có nhiều tảng đá lô nhô được thời gian bào mòn trông như tượng Phật. Đầu năm 1947, trên đường lên Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dừng chân nghỉ ở chùa Một Mái và làm việc ở hang Bụt Mọc. Núi Gôi ở huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định cũng có tượng Bụt Mọc nổi tiếng ở chùa Cao. Tương truyền, thời Pháp thuộc, tượng bị phá, nhưng cứ chém đầu tượng cứ mọc lại.

Chùa Trinh Tiết trên núi Bồ Đà (huyện Thanh Liêm, Hà Nam) được nhiều người biết đến bởi câu chuyện kỳ bí về tượng Bụt Mọc có khả năng tự lớn như cơ thể sống. Tượng Bụt Mọc nằm ở vị trí cao nhất của ngọn núi Bồ Đà, hiện cao khoảng 1,6m, bán kính 0,8m, đến tận nơi nhìn giống như một mũi tên nhọn đang đâm thẳng lên trời. Đứng từ xa, nhìn lại giống như tượng Phật Bà đứng trên tòa sen, mắt hướng về cảnh non nước thơ mộng của quần thể di tích lịch sử văn hóa núi kẽm Trống. Theo ông Đỗ Văn Sĩ, trưởng thôn Động Xuyên, đây là hòn đá thiên tạo, chưa có bất kỳ tác động nào của bàn tay con người từ trước đến nay. Ông kể lại: Hồi còn bé, tôi thường cùng với đám trẻ trong làng lên ngọn núi Bồ Đà này. Lúc ấy hòn đá mới cao đến lưng người, giờ thì đã cao tới ngang vai.

Theo các bô lão trong làng, vào thời kỳ chiến tranh chống Pháp, hòn đá quay mặt về hướng Đông nam. Nhưng đến nay, hòn đá lại quay mặt về hướng Đông bắc. Chính vì thế, người dân mới đặt tên cho hòn đá là tượng Bụt Mọc. Th.S Nguyễn Văn Học, Trưởng phòng Phân tích khoáng thạch học, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, phán đoán rằng tượng Bụt Mọc ở chùa Trinh Tiết “tự lớn” có khả năng là do địa chất ở khu vực đó thay đổi, làm cho ngọn núi cao lên hoặc xoay chuyển hướng.

Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi không thể kể hết muôn vàn pho tượng Bụt Mọc hiện diện trên khắp miền Bắc. Thời sơ sử, chùa trong hang khởi nguyên hình thành chỉ thờ Bụt Mọc, tức là các hòn đá có hình dáng người từ tự nhiên. Sau này, người ta mới dựng chùa, tạc tượng Phật để thờ.

Theo một số nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa, ngày nay trên thế giới, hình thức thờ đá đã bị xóa mờ, nhiều nơi không còn giữ được tục thờ này nữa. Miền Bắc Việt Nam là một trong ít vùng trên thế giới còn bảo lưu được phong tục, tín ngưỡng gắn với thờ tượng Phật thiên tạo.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.