Độc đáo mô hình kỳ đài bằng tre mừng Phật đản

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1201 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1201 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Tháp tre tại chùa Lệ Minh do Ban Trị sự GHPGVN H.Triệu Phong chủ trương thực hiện đã tạo nên điểm nhấn độc đáo được kiến tạo bằng tất cả tấm lòng của người con Phật ở vùng đất này cúng dường Đức Thế Tôn, đón mừng ngày đản sinh của Ngài.

Với người dân thôn Lệ Xuyên, xã Triệu Trạch, H.Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị thì Phật đản năm nay phấn khởi hơn bao giờ hết sau những năm bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Công việc chuẩn bị thiết trí lễ đài tại chùa Lệ Minh (Niệm Phật đường Lệ Xuyên) đã được ráo riết thực hiện từ mấy tháng trước. Mà ngọn tháp tre cao hơn 40 mét, với Đạo kỳ tung bay bên trên như chứa đựng bao công sức, niềm vui và tâm nguyện của người dân chân chất vùng nắng gió này trong mùa Phật đản Phật lịch 2567 đang về.

Được biết, mô hình độc đáo này được tạo nên từ 1.000 cây tre, từ tỉnh Thanh Hóa và các lũy tre làng tại địa phương. Cùng với hơn 500 công làm của chư Tăng, Phật tử các chùa, Niệm Phật đường trên địa bàn cũng như các Phật tử nghệ nhân tre chân chất làng quê, mà đặc biệt là sự đóng góp rất lớn của các huynh trưởng, đoàn sinh Gia đình Phật tử H.Triệu Phong thực hiện từ 2 tháng trước.

Ai cũng chung tay làm việc trong tinh thần phấn khởi, vui tươi dưới cái thời tiết oi bức, nhiệt độ cao tới 39 đến 40 độ của vùng đất Quảng Trị. Người thì lên ý tưởng thiết kế mô hình, người thì lo liên lạc thu thập vật liệu, đàn ông có sức khỏe thì lo việc chẻ tre, các cụ già thì phụ giúp các Phật tử nghệ nhân đục đẽo, lắp ghép họa tiết trang trí. Các mệ, các dì không rành kỹ thuật thì lo bữa ăn, bát nước chè tươi, ai cũng hăng say làm với mong muốn đóng góp một chút sức mình trong mùa Phật đản năm nay.

Theo chia sẻ của thầy Thích Nguyên Mãn, Ủy viên Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Trị, Trưởng ban Trị sự kiêm Trưởng ban Tổ chức Đại lễ Phật đản Phật lịch 2567 của Phật giáo H.Triệu Phong với phóng viên báo Giác Ngộ, ý tưởng của tháp tre tại chùa Lệ Minh xuất phát từ hình ảnh cây tre trong cộng đồng dân tộc Việt Nam. Hình ảnh này từ lâu đã gắn bó mật thiết với đời sống cũng như tâm hồn của người làng quê, trở thành biểu tượng “hồn tre Việt” trong tâm thức của mỗi người.

Vấn đề thiết kế cũng đơn giản, dễ làm và không quá cầu kỳ, đòi hỏi kỹ thuật cao như các mô hình khác. Chưa kể, vật liệu này lại có chi phí rẻ và có thể tận dụng ở bất cứ gia đình nào. Để rồi, ai cũng có cơ hội tham gia đóng góp sức mình để dâng lên cúng dường Đức Phật.

Đồng thời, thông qua mô hình được làm hoàn toàn từ tre này sẽ góp phần truyền đi thông điệp bảo vệ môi trường đến người dân, tín đồ Phật tử, cũng như khuyến khích mọi người hạn chế dùng vật liệu tốn kém trong các ngày lễ của Phật giáo. Và truyền cảm hứng ưu tiên sử dụng các sản phẩm có thể tái sử dụng, không gây ô nhiễm, hướng tới xây dựng môi trường xanh trong cộng đồng dân cư hiện nay.

Những năm qua, Phật giáo H.Triệu Phong luôn chủ trương thiết kế mô hình bằng tre trong các ngày lễ trọng của Phật giáo, từ tháp Bồ Đề Đạo Tràng, trụ cờ hay lễ đài... Các mô hình này sau khi lễ xong có thể tái sử dụng bằng việc dùng làm củi đốt, góp phần hạn chế lãng phí tiền bạc của bá tánh.

Thầy Nguyên Mãn cũng chia sẻ thêm, việc sử dụng các mô hình bằng tre mang lại rất nhiều giá trị, mà hiệu quả sinh động nhất là chiếc ghe bằng tre, trưng bày các sản phẩm nông sản H.Triệu Phong trong mùa Phật đản năm ngoái. Chiếc ghe này, không chỉ được Ban Trị sự sử dụng để chở hàng hóa cứu trợ cũng như giúp đỡ bà con trong đợt lũ cuối năm 2020, mà còn đóng vai trò là sứ mệnh quảng bá ẩm thực của quê hương, tạo nên hình ảnh đẹp của Phật giáo trong lòng mọi người.

Được biết, bên cạnh tháp tre thì lễ đài Phật đản năm nay tại chùa Lệ Minh còn có các công trình khác như cây cầu bắc qua sông, thiết trí 7 đóa hoa sen, thuyền hoa giữa bàu sen, hay không gian sinh hoạt dành cho hơn 100 trại sinh Gia đình Phật tử, khu vực ẩm thực cho hơn 2.000 người về tham dự hay không gian trưng bày, triển lãm các mô hình chào mừng Phật đản Phật lịch 2567 của Phật giáo H.Triệu Phong. Tất cả thiết kế đều được làm hoàn toàn từ tre tự nhiên cùng các vật liệu đơn giản, góp phần xây dựng không gian sinh hoạt hấp dẫn cho cộng đồng và tránh lãng phí, cũng như bảo vệ môi trường thiên nhiên.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.