Dìu con bước ra “thế giới”… mới

GN - Để dạy một đứa trẻ bình thường đã khó, dạy trẻ tự kỷ thì càng vất vả, gian nan hơn gấp trăm ngàn lần, và trong cuộc hành trình đó, người cha, người mẹ mang trong mình tình yêu thương vô bờ bến đã phải nỗ lực hết mình, dũng cảm bước về phía “vì tương lai tươi sáng” cho con...

Khi yêu thương có mặt

Họ bỏ công ăn việc làm, bỏ lại mọi cuộc vui chơi, riêng dành thời gian hết cho con, nghe chỗ nào có thầy hay, bác sĩ giỏi, chuyên gia tâm lý tốt là đi hết, xa mấy họ cũng đi. Đi với niềm hy vọng học tập điều gì đó, áp dụng cho con mình với niềm tin cháy bỏng, rằng ngày mai rồi sẽ khác, con mình sẽ bước qua “bóng tối”. Đó là những lời chia sẻ, trải lòng đầy ắp yêu thương, mà chúng tôi ghi nhận được từ hành trình đem đến “ánh sáng” cho con của các bậc cha mẹ có con bị tự kỷ.

Trong buổi trò chuyện để chia sẻ động lực, tiếp thêm niềm tin cho các cha mẹ vừa phát hiện con bị tự kỷ, chị Trần Thị Phương Hoàng đã chia sẻ bằng chính những trải nghiệm của bản thân: “17 tháng, con có những biểu hiện bất thường. Con không nhìn vào mặt mẹ, không biết chỉ tay, chơi một mình, đi nhón chân, chạy vòng tròn.

Cứ đúng 12 giờ đêm là khóc liên tục đến 5 giờ sáng, khóc liên tục một thời gian dài. Mình chạy theo nó, thật sự mình không có lối thoát, có nhiều lúc muốn ôm con nhảy lầu tự tử cho xong, vì đằng nào cũng chết”. Nói đến đây, mọi người từng trải qua những tháng ngày này đều dành cho nhau nhiều sự đồng cảm.

hinh XH 952 (1).jpg

Chị Hoàng đã giúp con trai trưởng thành theo từng năm tháng

Thế nhưng, với vai trò là một người mẹ, không cho phép bản thân mình yếu đuối, chị Hoàng đã lên kế hoạch để giúp con bước ra bóng tối. Ròng rã 2 năm trời, cứ đến 16 giờ là chị có mặt tại Sân vận động Quân khu 7 để cùng con đi bộ, để chân con tiếp đất, để kích thích các hệ thần kinh... Hai mẹ con đi đúng 3 vòng mới về.

Chị hồi tưởng: “Lúc con 20 tháng, ban đầu con vừa đi, vừa khóc. Những người đi tập thể dục ở đó nhìn, nói sao bà mẹ này quái đản, cứ lôi thằng bé đi, nhưng thật ra nó không chịu đi. Con không đi, mình cũng lôi đi, thậm chí để con lết đi, khóc kệ khóc. Về sau, họ mới hiểu là thằng bé bị bệnh, mình đang giúp con mình. Rồi, người ta mới nhìn mình với ánh mắt khác”.

Dạy một đứa trẻ tự kỷ - hay còn gọi bằng biệt danh là VIP (nhân vật rất quan trọng) đặc biệt hơn những đứa trẻ bình thường khác, đó là thời gian không tính bằng ngày, bằng tháng mà phải bằng năm.

Để cứu con thoát ra bóng tối, 6 năm trời chị Hoàng đã gạt nước mắt và công việc sang một bên, dành tất cả thời gian từ sáng, trưa, chiều, tối để đồng hành cùng con, để vun vén mái ấm gia đình. Chị kể, chỉ có cái chỉ ngón tay thôi, con muốn gì con phải chỉ mà chị dạy con đến 1,5 năm ròng rã. Mẹ có khó chịu cũng không được thể hiện vì trẻ tự kỷ rất nhạy cảm, nó sẽ bắt gặp được cảm xúc, năng lượng của người được trò chuyện, thế nên phụ huynh hết sức bình tĩnh.

Người mẹ lúc nào nói chuyện với người xung quanh cũng hết sức điềm đạm, không đánh đập, quát nạt với con, với người thân vì những gì chúng ta làm, con sẽ bắt chước. Người mẹ phải quan sát con cả ngày, từ sáng sớm tới lúc con đi ngủ. Khi con có biểu hiện rập khuôn “robot” là phải điều chỉnh kịp thời.

Trái tim đầy ắp yêu thương luôn làm nên những điều kỳ diệu, sau chặng đường gian nan, đầy thử thách đó, kết quả ngày hôm nay của chị Hoàng có được là: “Tôi hạnh phúc và hài lòng khi con đã nói được, tư duy, và tự lo cho bản thân”. Chị cũng truyền cảm hứng cho các ông bố, bà mẹ VIP: “Nhiệm vụ của mình là toàn tâm toàn ý dạy con, đến lúc nào đó, con sẽ phát ra những điều mình không ngờ tới. Uốn nắn con rất là cực nhưng qua một thời gian dài, con làm được thì tạo thêm động lực cho mình, mình lại tiếp tục trên hành trình vì con…”.

Ý chí của bố tiếp nghị lực cho con

Trò chuyện, lắng nghe phụ huynh của các VIP chia sẻ, chúng tôi cảm nhận rằng, việc dạy con chưa bao giờ là dễ dàng nhưng tất cả các ông bố, bà mẹ đều phải nỗ lực hết mình. Là bố của một bé VIP, bằng sự chiêm nghiệm của bản thân, cũng gặp nhiều khó khăn, cũng từng rơi vào bế tắc, anh Bằng chia sẻ: “Tất cả mọi hoàn cảnh đều phải đối mặt và chiến đấu, giống như những chiến binh chỉ được tiến lên, không có đường lùi”.

hinh XH 952 (2).jpg

Sự đồng hành của bố Bằng đã giúp con hòa nhập với cộng đồng

Từ ngày chấp nhận sự thật, mình là ba của bé VIP, anh Bằng đã tìm mọi con đường để vào thế giới riêng của con, sống thật vui vẻ và hòa đồng với con. Để giúp con, mọi thời gian có thể, anh đều dành để nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm, xem nhiều tài liệu và thực hành cùng con. Bí quyết của anh đó là, luôn bình tĩnh, thương con thiệt lòng và làm chủ mọi hành động.

“Đi đâu cũng đưa con đi, để dạy con. Đi ngân hàng cũng đưa con đi, đi đến mình sẽ hỏi đây là ở đâu, đố con biết, bố đến đây để làm gì? Rồi đi siêu thị cũng dẫn con đi. Dạy con nói chuyện, về ngôn ngữ, con thích chơi gì là chơi cùng con cái đó. Con chơi xếp hình logo cũng chơi với con”. Thế thôi, cũng đủ để người nghe hình dung, giai đoạn này anh đã phải cố gắng như thế nào, và cũng trong lúc này, nghị lực của người bố “bùng phát” ra sao.

Như câu nói “gieo nhân lành sẽ gặt quả ngọt”, tình yêu thương anh Bằng dành cho con đã được hồi đáp xứng đáng. “Bây giờ khi con theo bố ra sống ở thế giới của mọi người, con đã biết quan sát và hòa mình dần vào thế giới mới, vòng an toàn đã được chính con phá vỡ. Mỗi khi buồn và cảm thấy đơn độc, bố lại ngắm nhìn con để lấy lại cân bằng trong cuộc sống.

Vì giờ đây, con luôn bên bố, tin tưởng bố, giúp đỡ bố khi bố cần. Mỗi khi bố mệt và buồn, bố nói với con thì con sẽ đến ôm bố và nói: Bố đừng buồn, con yêu bố. Con đang thực sự sống hạnh phúc trong xã hội này thật rồi”, anh Bằng chia sẻ trong niềm vui vỡ òa.

Tiếp xúc với các bậc phụ huynh có con tự kỷ, tất cả họ đều thương con, dù mỗi người một cách khác nhau. Dù hoàn cảnh gia đình có khác nhau nhưng mỗi người đều có điểm chung là đều cùng chung tay, vun vén để đem lại mái ấm, đem đến chỗ dựa vững chắc cho con một cách đúng nghĩa. Những ông bố nói sẽ theo chân con đến khi nào con lấy vợ, đó là khi con có thể làm chủ cuộc đời, còn các bà mẹ thì nói sẽ theo chân con đến hết cuộc đời mới thôi.

Cuộc đời vô thường, có nhiều đổi thay nhưng có một điều chắc chắn không thay đổi là những ông bố, bà mẹ kể trên sẽ đi cùng con, lớn cùng con, là bờ vai, là điểm tựa cho con, đưa con từ một người còn nhiều khiếm khuyết, sai sót trở thành… người bình thường. Cuộc đời này không ai hoàn hảo cả, những đứa trẻ VIP được bình thường thì với cha mẹ, đó là người… hoàn hảo.

“Đừng bỏ cuộc, cha mẹ hãy là chiến binh”, đó là thông điệp mà những ông bố, bà mẹ đã nắm tay con bước qua những giai đoạn khó khăn chia sẻ. Khi nếm và trải qua những chặng đường gian khó, các bố mẹ của VIP từng rơi vào hoàn cảnh này đều bảo rằng, hãy mở lòng, nghĩ điều tích cực và “chiến đấu” cùng con. Vì con là người bạn thân thiết của bố mẹ, con giúp bố mẹ trở nên hoàn hảo hơn, cũng chính con dạy cho bố mẹ phải làm gì, đối diện và vượt qua bóng tối như thế nào. Bởi chỉ khi bố mẹ có vượt qua thì mới dắt con đi tìm ánh sáng được.

Thạc sĩ Tâm lý lâm sàng - Võ Thị Minh Huệ, Phòng khám Nhi Đồng TP đúc kết: “Người mẹ, người cha của các VIP vừa là người dạy, vừa dỗ, vừa nâng, vừa đỡ và là người huấn luyện. Sức mạnh, ý chí của những người cha, người mẹ ấy đã ‘thổi’ vào con, giúp cho con vượt qua trở ngại trong quá trình khắc phục các hội chứng của trẻ tự kỷ”.

Khánh Vi

__________

“Có đôi khi vì mệt mỏi quá, tuyệt vọng quá, họ nghĩ đến việc ôm con kết thúc cuộc đời. Thế nhưng, trên cuộc hành trình khó khăn đó, còn có những cô giáo trẻ dành nhiều tâm huyết, tìm đủ mọi phương pháp để giảng dạy, giúp các em tiến bộ...”. Kính mời bạn đọc đón theo dõi trên số báo tiếp theo.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.