GN - Lộp bộp… lộp bộp…
“Ồ, mưa!”. Hắn rời mắt khỏi trang sách, lắng tai nghe tiếng mưa gõ nhịp trên mái tôn. Ngoài song cửa, nơi cái bàn hắn đang ngồi, qua ánh đèn neon hắt ra, những cánh lá non của cây cao su trồng cập hông nhà như đang chìa ra vẫy vẫy. Những giọt mưa rơi xuống mặt lá rồi vỡ bung lên muôn nghìn những đốm nhỏ li ti, trông như những nốt nhạc đang nhảy múa trong vũ khúc gọi mùa.
Vậy là mùa mưa nơi miền Đông Nam Bộ đã lại về. Mùa mưa về cũng đồng nghĩa với mùa cạo mủ cao su lại sắp bắt đầu. Khi nào những cánh lá cao su non trong vạt rừng xa xa kia trở màu xanh thẫm, thì cũng là lúc hắn phải thức dậy lúc nửa khuya để bắt đầu công việc của mình.
Rừng cao su - Ảnh minh họa
Cạo mủ cao su là một nghề đặc thù, tuy không nặng nhọc như những công việc tay chân khác, nhưng lại vất vả ở chỗ hắn chuyên phải làm đêm. Việc thiếu ngủ triền miên, cộng với phải làm việc dưới những tán lá cao su ken đặc, thiếu dưỡng khí trong khi luôn phải di chuyển khiến hắn rất mất sức. Đó là chưa kể đến muỗi đốt, rắn rết cắn. Những mối nguy hiểm đó tuy không nhiều như trong những cánh rừng nguyên sinh mà hắn xem trên truyền hình nhưng cũng đủ ám ảnh hắn rất nhiều.
Có ai làm công việc cạo mủ mà chưa từng bị sốt xuất huyết, sốt siêu vi hoặc bị rắn, rết, bọ cạp nước… cắn đâu. Những người làm cạo mủ lâu năm người khác sẽ dễ dàng nhận ra qua làn da xanh xao, qua hai hố mắt lõm sâu và thâm quầng vì thiếu ngủ của họ. Hắn cũng không ngoại lệ.
Trước đây, mỗi dịp như thế này hắn sẽ ghét mưa, ghét công việc cạo mủ và trên hết là hắn ghét chính bản thân mình. Hắn luôn tự trách mình ngày xưa đã ham chơi, bỏ bê việc học để rồi bị buộc phải rời giảng đường đại học nửa chừng. Vì vậy mà cuộc sống hiện tại của hắn mới vất vả như thế này. Trong khi những đứa bạn cùng trang lứa với hắn, ai cũng ăn nên làm ra, có địa vị xã hội thì cuộc sống gia đình của hắn luôn thiếu trước, hụt sau đủ đường. Nếu như không vì đứa con thơ dại của mình thì hắn đã không đủ nghị lực, kiên nhẫn để bám trụ với cái nghề lấy đêm làm ngày, lấy ngày làm đêm này đâu.
Nhiều hôm làm mệt mỏi, nửa chừng, hắn đã ném cây dao cạo đi. “Thây kệ, muốn ra sao thì ra”, hắn cảm thấy bất cần. Nhưng rồi hắn nghĩ lại: “Như vậy thì con mình sẽ ra sao đây? Mình không lo cho con thì ai lo? Không! Không thể vô trách nhiệm như vậy được”. Nghĩ rồi, hắn uể oải nhặt dao lên và tiếp tục công việc.
Cuộc sống của hắn sẽ cứ trôi đi trong mệt mỏi triền miên như vậy nếu như hắn không may mắn gặp được anh. Anh là một thầy giáo dạy văn ở một trường trung học cơ sở ngoài thị trấn. Vốn là thời gian gần đây, để thư giãn vào những lúc rảnh rỗi, hắn có lập cho mình một tài khoản Facebook trên điện thoại. Hắn vốn có chút ít chữ nghĩa và yêu thích thơ văn nên cũng tập tành viết những đoạn văn ngắn, những bài thơ nho nhỏ đăng lên tâm trạng của mình. Hắn chẳng mong ai chia sẻ, chỉ viết như một sự giải tỏa cho bản thân mà thôi.
Thế rồi, không hiểu sao anh kết bạn với hắn. Ban đầu, anh chỉ chia sẻ với hắn bằng những bình luận nhẹ nhàng, tình cảm. Anh khen hắn có khiếu văn chương, nên phát huy. Dần dà thân thiết nhau hơn, anh với hắn thường tâm sự với nhau qua tin nhắn riêng. Hắn thổ lộ với anh về những nông nổi thời tuổi trẻ của mình, về những hối hận dằn vặt, cũng như những cơ cực trong cuộc sống hiện tại.
- Hôm nay rảnh không em? Anh em mình gặp nhau cà-phê nhé? - Một hôm hắn nhận được những dòng tin nhắn như vậy của anh.
- Em rảnh. Quán nào đây anh?
Hắn trả lời.
- Lộc Uyển nhé!
*
Từ nhà hắn ra thị trấn, nơi anh ở, nửa đường có một cây cầu bắc qua một con suối lớn tên gọi Tha La. Và quán Lộc Uyển nằm gần đầu bên kia cây cầu về phía thị trấn. Quán có không gian rộng rãi, hài hòa và gần gũi với thiên nhiên. Đây là lần đầu tiên hắn ghé quán. Có lẽ là quán mới mở? Đặc biệt, sâu về phía sau của quán có một cái hồ nhỏ, nước trong vắt. Trong hồ người ta thả nhiều loài cá trông rất đẹp mắt. Hắn và anh chọn một cái bàn sát thành bờ hồ để ngồi. Sau một hồi trò chuyện, bất ngờ anh hỏi hắn:
- Em hút thuốc à?
- Dạ. Em nghiện thuốc lá và cà-phê khá nặng. Làm đêm miết, không có những thứ đó thì buồn ngủ không chịu nổi anh à.
- An tính sơ sơ, mỗi ngày hai khoản đó tiêu tốn của em chừng trên dưới bốn chục nghìn. Đúng không?
- Dạ đúng anh ạ.
- Vậy con em mỗi ngày uống mấy ly sữa và hết cỡ nhiêu tiền?
Như có một tia chớp chợt lóe lên trong đầu hắn sau câu hỏi của anh. Bữa đó anh nói với hắn rất nhiều về “thiểu dục tri túc”, về “cái khổ” của kiếp người. Tuy không lãnh hội được nhiều nhưng hắn vẫn chăm chú lắng nghe và lấy làm thích thú. Lúc ra về anh đặt vào tay hắn một quyển sách nhỏ và nói:
- Tặng em đó. Anh cũng đã bắt đầu với cuốn sách này.
Đó là một cuốn sách về nhập môn Phật giáo. Hai tháng nay nghỉ cạo đợi cây thay lá, hắn đã đọc nó một cách say sưa mỗi đêm. Giờ này đây, cuốn sách vẫn đang trên tay hắn và hắn đang lắng tai nghe tiếng những giọt mưa đầu mùa.
*
Hắn giật mình trở giấc, trời đã sáng và cơn mưa cũng đã tạnh từ bao giờ. Hắn đẩy cửa bước ra sân, đưa mắt nhìn xung quanh trời đất một vòng. Trước mắt hắn, những cánh lá cao su non dường như xanh mướt hơn, mỡ màng hơn hôm qua. Và ngoài kia, con đường đất đỏ trước nhà hắn mới hôm qua còn phủ một lớp bụi đất dày cả nửa gang tay thì giờ đây đã trở nên sạch bóng. Cơn mưa đêm qua đã gội sạch nó, làm lộ lên những viên sỏi nhỏ trên mặt đường trông như những đốm màu nâu nhạt điểm trang cho dải lụa mềm đỏ, uốn lượn quanh co.
*
Đêm nay đã là buổi cạo đầu tiên của mùa cạo mới. Hắn chủ động đi làm sớm hơn so với thói quen giờ giấc của những mùa cạo trước. Trăng sáng vằng vặc nên hắn có thể chạy xe trên những lối mòn ngoằn ngoèo trong những lô cao su một cách dễ dàng. Những lùm cây bụi hai bên, lá rũ xuống, trên mặt lá đọng những hạt nhỏ sương khuya chi chít. Chúng khúc xạ ánh trăng, hắt lại mắt hắn tạo ra một hình ảnh lạ đến ngỡ ngàng. Những lùm lá ấy trông như được làm bằng giấy bạc, thi thoảng lại đong đưa óng ánh. Chúng chạy dài hun hút tạo thành hai hàng cây dạ quang hai bên vệ đường. “Đẹp quá! Nhưng giờ thì ta đã hiểu tại sao tóc mẹ và tóc bà ta lại bạc nhiều đến thế” - có một nỗi niềm thương cảm, pha lẫn một chút xót xa dâng lên trong lòng hắn.
Do làm sớm nên hắn có thể thư thả cạo, không phải vừa cạo vừa chạy, mệt bở hơi tai như trước. “Vẫn còn dư thời gian”, hắn lấy điện thoại ra xem giờ rồi tự nhủ. Tắt cây đèn cạo đội đầu, hắn dựa lưng vào một gốc cây cao su lớn gần cuối hàng ngồi nghỉ mệt. Ánh trăng lọt qua những kẽ lá tạo thành những lọn sáng từ trên cao rọi xuống, tấm thảm lá khô lót lòng rừng đêm loang lổ những vệt sáng trông như một tấm da báo đốm. Hắn có thể thấy những làn hơi nóng từ lòng đất cuộn vòng theo những lọn trăng bay bay lên cao. “Có khác gì dàn ánh sáng sân khấu ca nhạc đâu nhỉ?”, trong đầu hắn chợt nảy ra một liên tưởng ngộ nghĩnh.
Có những đốm sáng lân tinh lập lòe xuất hiện. “Đom đóm. Ừ nhỉ! Biết đâu kiếp trước mình cũng là một con đom đóm nào đó không chừng? Cho nên kiếp này mới phải đội đèn soi đêm như vầy nè”. Hắn cười thầm vui vẻ.
“Tiếng gì vậy nhỉ?”. Hắn nghe dưới thảm lá khô gần chỗ hắn ngồi có những tiếng rỉ rả vang lên liên hồi. “Mưa phùn rắc hạt sao? Không! Trời đang sáng trăng kia mà”. Tò mò, một tay hắn rọi đèn, một tay vạch lớp lá kiểm tra. Mưa đã tạo ra sự ẩm ướt và lớp lá cao su khô rụng mùa trước đã bắt đầu mục rữa. “Mối đất ư!”. Những con mối đất nhỏ, tròn múp như hạt gạo nếp ngồn ngộn hiện ra trên những phiến lá khô.
Hắn có lạ gì mối đâu, ở chỗ nào có gỗ mục, có lá mục là có mối. Thậm chí cái giường gỗ lâu năm của hắn còn bị mối gặm kia mà. Nhưng hôm nay thì hắn vô cùng ngạc nhiên. Bấy lâu hắn vẫn nghĩ, loài mối dùng răng của chúng mà gặm từ từ, từng chút một gỗ, lá hay bất cứ cái gì có thể nhưng hóa ra không phải vậy.
Chúng không gặm mà là bổ, bổ như cái cách của con bổ củi, bổ vào lớp vỏ cây bạch đàn mà hắn đã từng bắt gặp. Hắn ngẩn ngơ nhìn lũ mối dùng những cặp răng đen bóng lưỡng, chìa ra như những cặp búa nhọn, chạy đi chạy lại trên phiến lá, bổ liên hồi chỗ này một chút, rồi lại bổ liên hồi chỗ kia một chút. Chúng bổ nhanh đến nỗi, cái đầu bé xíu cứ ngẩng lên, bổ xuống, tạo thành một vệt mờ như cây kim của cái máy may đạp chân đang làm việc. Chỉ khác là cây kim máy may thì có chỉ, còn những cái răng mối thì không. Cho nên chỉ trong chốc lát, phiến lá đã loang lổ những vết xăm, trổ, thoạt trông như vẽ bùa. Phải chăng, mỗi một cái bổ cực nhanh đó của loài mối đất chính là một “sát-na vô thường” mà nhà Phật đã nói đến. Mỗi khi chúng bổ, phiến lá cũng rung lên tạo ra một thứ âm thanh nghe “rè rè... rè rè”.
Một con, hai con rồi vô số con đều bổ, cả lòng rừng trở thành một dàn giao hưởng của duy nhất một loại nhạc cụ, chúng cộng hưởng, khuếch đại cái âm thanh “rè rè” ấy thành ra nghe như tiếng mưa phùn rắc hạt là vậy. Và phải chăng đó chính là thứ âm thanh của những “sát-na vô thường”? “Cái gì sẽ còn lại với thời gian?”, hắn bất giác thốt lên. Nhưng rồi hắn lại chợt nghĩ: “Không có loài nào là vô cớ sinh ra cả. Loài mối kia ngỡ như chỉ có hại nhưng nếu không có chúng thì lá cây rụng xuống bao mùa từ vô thỉ đến giờ sẽ cao ngút đến chừng nào? Sẽ ngập ngụa hết cả thế gian và những cái cây cũng sẽ bị hủy diệt sự sống từ chính lá rụng của nó. Con người cũng như thế mà thôi”.
Từ trong sâu thẳm lòng rừng, có tiếng một con chim cú nào đó rúc lên nghe như một hồi chuông, dư âm của nó cứ ngân vang mãi trong lòng hắn. Nếu như trước đây, hắn cứ rờn rợn môi khi nghe tiếng chim cú đêm thì giờ đây hắn lại cảm thấy thân quen vô cùng. “Phải chăng?”… Hắn chợt cảm thấy nhẹ nhõm trong lòng.
Hắn ngước mắt nhìn lên, chênh chếch về phía đầu hàng bên kia, nơi hắn đã cạo qua. Vô tình hay hữu ý, mắt hắn tìm đến đúng cái khe lá hở rộng nhất của tán rừng. Trên cao kia, vành trăng tròn vành vạnh và sáng như chưa từng sáng đến thế. Hắn mở điện thoại ra xem giờ để tiếp tục công việc của mình, vô tình tay hắn bấm vào mục “Xem lịch”. Hắn ồ lên: “Hôm nay là ngày Phật đản!”.