Đêm nhạc tưởng niệm tác giả "Từ Đàm quê hương tôi"

GNO - Tối 26-6-2013 (nhằm ngày 19 tháng 5 năm Quý Tỵ) vừa qua, nhân Chung thất trai tuần của cố nhạc sĩ Văn Giảng, Trung tâm Văn hoá Phật giáo Liễu Quán Huế thực hiện chương trình đêm nhạc tưởng niệm với chủ đề: “Từ Đàm quê hương tôi”. Đông đảo chư tôn đức Tăng Ni, quý vị nhân sĩ trí thức, Phật tử đã đến tham dự.

Hinh 11111.jpg

Sau lời phát biểu khai mạc của HT.Thích Hải Ấn, Phó Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế, Trưởng ban điều hành trung tâm, những ca khúc nổi tiếng một thời và đã đi sâu vào lòng người của nhiều thế hệ, như Mừng ngày Đản sanh, Từ Đàm quê hương tôi, Có những hồi chuông, Ai về sông Tương… đã được trình bày trở lại, như một nén hương lòng để tưởng nhớ về cố nhạc sĩ.

Hinh 3.jpg

HT.Thích Hải Ấn nhận lẵng hoa tưởng niệm của Học viện Âm nhạc Huế

Nhạc sĩ Văn Giảng, pháp danh Nguyên Thông, bút danh Thông Đạt – một gương mặt nghệ sĩ Phật tử tiêu biểu có nhiều đóng góp quan trọng đối với dòng tân nhạc Phật giáo Việt Nam cũng như dòng tân nhạc dân tộc kể từ thập niên 40 của thế kỷ trước. Gần trọn cuộc đời gắn bó với đời sống âm nhạc dân tộc, Văn Giảng đã trước tác khá nhiều thể loại, nhiều mảng đề tài, như Thiếu nhi ca, Tình ca, Hùng ca, Đạo ca Tâm ca. Ở bất kỳ thể tài nào ông cũng để lại cho đời cũng như đạo những tác phẩm âm nhạc tuyệt tác, lay động lòng người.

Hinh 5.jpg

Huynh trưởng Lê Thị Ẩn và Cư sĩ Nguyễn Văn Thịnh dẫn chương trình

Trong khoảng thập niên 50 trở về trước, nhạc sĩ Văn Giảng được biết đến là tác giả của những bản Hùng ca – những ca khúc mang âm hưởng sử thi hào hùng, như Thúc Quân, Lục quân Việt Nam, Quân hành ca, Đêm Mê linh..., mà ít ai ngờ rằng Văn Giảng còn sáng tác cả Tình ca. Không những thế, tình ca của Văn Giảng lại trở thành những khúc ca vượt thời gian, được nhiều thế hệ thính giả đón nhận, như Ai về sông Tương, Đôi mắt huyền… Ca từ đượm buồn mà không bi luỵ, và hết sức sâu lắng, với những giai điệu tài hoa, lịch thiệp, kể từ khi vừa ra đời, Ai về sông Tương đã thực sự gây nên một xúc cảm mạnh mẽ, ngỡ ngàng trong giới văn nghệ cũng như công chúng yêu âm nhạc thời bấy giờ.

Hinh 4.jpg

Đông đảo chư tôn đức Tăng Ni, nhân sĩ, trí thức Huế tham dự

“Ai về sông Tương” ra mắt công chúng lần đầu tiên vào năm 1949,  với bút danh là Thông Đạt, do Nhà xuất bản âm nhạc Tân Hoa ấn hành. Thông Đạt là bút danh được ghép bởi Nguyên Thông và Tâm Đạt, đó là pháp danh của ông và người vợ của mình.

Mỗi khi nhắc đến chùa Từ Đàm, và đặc biệt mỗi lần được nghe ca khúc Từ Đàm quê hương tôi, nghe những lời nhắn nhủ “Bóng ai từng đêm đêm về, còn nhớ thuở nào đây câu thề, nguyện hiến mình cho đời”, hẳn trong lòng mỗi người con Phật đều dấy lên những niềm xúc cảm khó tả.

Hinh 6.jpg
Oanh vũ Gia đình Phật tử tham gia chương trình

Cùng với Từ Đàm quê hương tôi là ca khúc Có những hồi chuông – hai tác phẩm âm nhạc được xem như một cặp sinh đôi, ra đời trong một hoàn cảnh hết sức đặc biệt: Sau đêm 20 tháng 8 năm 1963, trong chiến dịch nước lũ mà quân đội của chính quyền Ngô Đình Diệm bố ráp chùa chiền khắp cõi miền Nam nước Việt. Hai ca khúc tuyệt tác này, do Nguyên Thông soạn nhạc, Tâm Đại viết lời, nhưng đến khi hoàn thành và ra mắt công chúng, khó ai có thể phân biệt được đâu là Nguyên Thông, đâu là Tâm Đại, vì đó là kết tinh của chí nguyện và đạo tình của đôi bạn đạo tri âm tri kỷ hết sức đặc biệt này.

Hinh 8.jpg

Kim Nhung thể hiện ca khúc chủ đề "Từ Đàm quê hương tôi"

Trong suốt mùa Pháp nạn lịch sử năm 1963, trong khi mọi người, mọi giới đều xuống đường tranh đấu để đòi quyền bình đẳng tôn giáo, thì Văn Giảng ngày ngày vẫn miệt mài, thầm lặng bên cây đàn piano, trong một căn nhà nhỏ trên đường Ông Ích Khiêm, phía sau cửa Thượng Tứ. Đó là cách tranh đấu của riêng Văn Giảng, và kết quả là Trường ca Hào quang máu lửa ra đời.

Hinh 7.jpg

Phật tử Hoàng Lan trình bày ca khúc “Ai về sông Tương”

Trường ca Hào quang máu lửa gồm 5 chương, ghi lại hầu như toàn bộ những biến cố quan trọng của 6 tháng Pháp nạn năm 1963, từ sự kiện đàn áp tại Đài phát thanh Huế cho đến ngọn lửa Bi Hùng của Bồ tát Thích Quảng Đức bừng lên Đô thành Sài Gòn, mang âm hưởng một bản trường ca sử thi hào hùng, bi tráng.

Nhưng trên hết, Trường ca Hào quang máu lửa không nhằm gợi lại những bi thương, mất mát, mà được thai nghén từ một niềm tin son sắt về Phật tính vốn có trong mỗi con người. Âm hưởng chủ đạo của bản trường ca, vì vậy, nhằm ngợi ca tinh thần đấu tranh Bất bạo động; giai điệu và ca từ được xây dựng từ chất liệu của Bi Trí Dũng, của tinh thần Đại Hùng, Đại Lực, Đại Từ Bi.

Hinh 11.jpg

"Hùng thiêng ca" - lĩnh xướng: các ca sĩ Kim Nhung và Mai Ánh

Trong chương trình hôm nay, 2 trích đoạn của bản trường ca, gồm Chương 1: Vầng trăng năm ấy, và Chương 2: Hướng về Từ Đàm lần đầu tiên chính thức được chuyển soạn và ra mắt khán thính giả trong một đêm nhạc tưởng niệm hết sức ý nghĩa này.

Vầng trăng năm ấy là giai điệu tưởng niệm 8 Thánh Tử Đạo đã ngã xuống tại Đài phát thanh Huế trong đêm Rằm tháng Tư năm Quý Mão - 1963. Vầng trăng như một nhân chứng, hết sức ngỡ ngàng trước cảnh tượng hãi hùng đang diễn ra tại Đài phát thanh Huế. Chính trong đêm ấy, vầng trăng đã tự khoác lên mình 8 chiếc khăn tang, và tự hỏi rằng: Phải chăng trăng đã tàn!

Hinh 15.jpg

Hướng về Từ Đàm là một khúc ca bi hùng, ghi lại khí thế, tinh thần bất khuất, và trên hết, đó là những giai điệu đã làm toát lên được một niềm tin son sắt của Tăng Ni và đồng bào Phật tử Huế trong những tháng ngày Pháp nạn.

Hùng thiêng ca, một ca khúc thuộc thể loại Hùng ca của Văn Giảng, được ra đời trong mùa Pháp nạn lịch sử năm 1963. Tác phẩm được xem là sự đúc kết về phong trào đấu tranh bảo vệ chánh pháp, và cũng là lời tưởng niệm, tri ân đến chư liệt vị Tăng Ni vị pháp thiêu thân, chư Anh linh Thánh Tử Đạo hy sinh vì Đạo pháp và đại nghĩa Dân tộc.

Những năm tháng cuối đời, cố nhạc sĩ Văn Giảng vẫn miệt mài sáng tác âm nhạc, nhưng với những nốt nhạc hỉ nộ ái ố của cuộc đời đã được ông bỏ ra ngoài ngàn dặm,  thay vào đó là những nốt nhạc ngợi ca Đức Phật, ngợi ca giáo pháp của ngài, và chuyên tâm hành trì theo lời Phật dạy, đặc biệt là hành trì pháp môn Tịnh Độ. Trong bài “Một câu A Di Đà” tác giả viết:

Một câu A Di Đà, lòng ta như biển cả
Một câu A Di Đà, lặng gió hết phong ba
Một câu A Di Đà, diệt tan hết hận thù
Một câu A Di Đà, bỗng tiếng nói thương yêu

Chúng ta bắt gặp ca từ đạt đến mức vi diệu trong ca khúc “Đường lên xứ Phật”

Đường lên xứ Phật chẳng xa
Đường lên xứ Phật cũng gần
Nếu thấy lòng mình: bình lặng như không
Nếu thấy lòng mình: trời đẹp trăng trong

Tuy nhiên:

Đường lên xứ Phật cũng xa
Đường lên xứ Phật chẳng gần
Nếu thấy lòng mình: ước vọng mênh mông
Nếu thấy lòng mình: mê mờ tham sân

Hinh 9.jpg

Nhạc sĩ Đặng Ngọc Phú Hòa

Chương trình được khép lại bằng ca khúc “Thắp nén hương lòng” nhạc và lời của Nguyên Phú – Đặng Ngọc Phú Hoà.

Nhạc sĩ Văn Giảng vừa xả báo thân về cõi Phật ngày 09 tháng 5 năm 2013 (nhằm ngày 30-3-Quý Tỵ) tại thành phố Melbourne, bang Victoria, Úc Đại Lợi, hưởng thọ 89 tuổi. Trước lúc qua đời, cố nhạc sĩ có di nguyện lại cho người thân hãy đốt thân tứ đại của mình rồi rải tro xuống biển. Một tuần sau, người vợ thân yêu của ông cũng nhẹ gót theo ông về cõi Phật, đúng như lời ước nguyện của đôi bạn tri âm tri kỷ hằng mong ước lúc còn sinh tiền.

Hinh 16.jpg

Ban lãnh đạo Trung tâm VHPG Liễu Quán và các nghệ sĩ Phật tử chụp ảnh lưu niệm

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.