GNO - Mở đầu buổi giới thiệu bộ chuyện kể âm nhạc “Câu chuyện bên thùng giấy” và “Bầy heo của bà” tại đường sách TP.HCM chiều 25-1, là ca khúc trong tác phẩm do chính tác giả Trần Tấn Sâm thể hiện một cách dung dị, hồn nhiên làm cho mọi người có mặt phải mỉm cười khi nghe những lời thơ, những ca từ đơn giản mà thấm sâu, chạm đến trái tim trẻ thơ của mỗi người.
Tác giả Trần Tấn Sâm hồn nhiên trong từng đoạn thơ, nhạc trong buổi ra mắt
Tác giả Trần Tấn Sâm chia sẻ, bộ chuyện kể âm nhạc là tác phẩm lấy cảm hứng từ việc quan sát con trai đầu lòng, cùng với sự thấu hiểu và đồng cảm sâu sắc quan điểm “Giáo dục là sự hỗ trợ cho cuộc sống của đối tượng giáo dục” - nên từng lời thơ giản dị, từng đoạn nhạc ấm áp tươi vui mà muốn nghe nhạc bạn đọc chỉ cần mở bộ chuyện, mở chức năng Scan QR code trên Facebook, Viber và quét vào chiếc tem QR bên góc phải trang sách, bạn sẽ được thưởng thức một tặng phẩm của hồn nhiên, yêu thương.
Những câu chuyện anh Sâm kể, nhân vật “bé” dẫn dắt chủ động, cùng với sự hỗ trợ kịp thời, đầy tin cậy của người lớn xung quanh.
Nói về việc có những chiếc lá môn, bầy heo ủn ỉn, thùng giấy trong công viên có chứa một con mèo... tác giả chia sẻ: “tất cả những thứ có xung quanh bạn trẻ sẽ thấm vào người bạn trẻ, nó sẽ là những cái gần gũi nhất”. Lá môn, con mèo, con heo cũng vậy, là những thứ gần với mình nhất, nó không phải lá phong đỏ, tuyết trắng…
Theo anh, những thứ ấy không gần mình, nên các “hiện vật” vừa kể mang sự gần gũi với mỗi người, gần với nông thôn, với con người Việt, những giá trị mang tính thiên nhiên, hướng về cội nguồn, hướng về giá trị gia đình sẽ thấm sâu vào người trẻ dễ dàng nhất.
Chị Trần Mai Thúy, vợ anh Sâm chia sẻ thêm lý do anh có ý tưởng về sách: cách đây hơn 2 năm, anh tham gia phương pháp Montessori (Dõi theo con trẻ) ở Hà Nội, thật sự sau khóa học đó bản thân anh hoàn toàn thay đổi. Trước đó chỉ có chị thay đổi do đi học trước nên “ngộ đạo” trước; sau nửa năm thì anh đi học - và cảm thấy được truyền cảm hứng bởi cách hướng dẫn âm nhạc cho trẻ ở giai đoạn đầu đời như vậy.
Mặc dù anh đã hoạt động nghệ thuật, dạy đàn từ rất lâu, thật sự trong quá trình dạy anh không tìm thấy một triết lý trong việc dạy nhạc của mình. “Khi tìm thấy phương pháp Montessori và biết cách tiếp cận với âm nhạc phương pháp này anh được truyền cảm hứng”.
“Trẻ em là một phép màu, trẻ em đến với chúng ta mang đến cho chúng ta một cơ hội để ta trưởng thành trở thành những người lớn cao thượng hơn. Với trẻ em trong 6 năm đầu đời tất cả mọi thứ các em tiếp xúc - là ba là mẹ là mọi thứ hàng ngày như ba nấu cơm, mẹ đọc truyện, bụi môn, cây tre, tất cả mọi thứ xung quanh em.
Đó là những điều tuyệt với nhất với em, đó là cách một em bé nhìn thấy cuộc sống xung quanh, nhìn thấy tất cả mọi thứ đều là một phép mầu”, chị Mai Thúy chia sẻ.
Theo chị, phép mầu không cần là một tấm thảm biết bay, phép mầu không cần phải là một con heo biết nói chuyện, không phải là một cô công chúa biết biến hóa, mà chỉ đơn giản là những thứ tồn tại xung quanh em. “Đối với mỗi em bé, mỗi ngày mới mẻ là một phép mầu”, chị Thúy bộc bạch.
“Câu chuyện bên thùng giấy” và “Bầy heo của bà” còn được đầu tư kỹ lưỡng cho phần tranh vẽ minh họa và phần dịch sang bản tiếng Anh. “Tất cả những gì chúng tôi làm rất nhỏ, từng chút từng chút một, ngồi với nhau để trao đổi với nhau từng câu một, từng chữ một, dịch như vầy mình nghe được nhưng con nít đọc không được, hoặc rất khó hiểu và chúng tôi đổi lại cách dịch khác, sao cho lời đơn giản không hoa mỹ, dễ hát. Chúng tôi ngồi với nhau cho tới khi dùng bản dịch nào có thể hát được, giúp trẻ nhớ được từ vựng và giúp cho trẻ học được ngoại ngữ tốt hơn”, chị Ngô Phương Thảo, Giám đốc Anbooks chia sẻ.
Bộ sách chuyện kể âm nhạc được chuyển ngữ bởi Khánh Linh (ToMaTo Education), Duyên Hải và Mai Mai Hương. Sách do Công ty TNHH Anbooks phát hành. |
Như Danh