GNO - Chính quyền bang Maharashtra đã đề xuất xây dựng một đạo luật riêng cho các cuộc hôn nhân trong cộng đồng Phật giáo, dự thảo này sẽ được hoàn thành vào cuối tháng này, một quan chức cấp cao cho biết hôm 6-5.
"Cộng đồng Phật giáo đã yêu cầu một luật riêng cho các cuộc hôn nhân của họ từ thời Tiến sĩ Babasaheb Ambedkar quy y Phật giáo ở Nagpur vào năm 1957", một quan chức của Bộ Tư pháp Xã hội nói.
Hôn nhân của người Công giáo, Do Thái, Bái hỏa giáo và người Hồi giáo đã được bảo trợ theo Luật Hôn nhân Hindu, nhưng Phật tử lại không được luật này bảo trợ, ông nói thêm. "Đề xuất cho một đạo luật hôn nhân Phật giáo riêng biệt lần đầu tiên được đưa ra bởi cựu bộ trưởng nội các tiểu bang Nitin Raut trong năm 2007.
Việc này xảy đến sau khi một tòa án Nagpur xem cuộc hôn nhân của một cặp vợ chồng Phật giáo là không hợp lệ vì đã được cử hành theo nghi thức Phật giáo và không có đạo luật hôn nhân cụ thể nào cho cộng đồng này", quan chức trên nói thêm.
Căn cứ vào đề nghị của Raut, một ủy ban gồm các thư ký chính của các phòng ban khác nhau, bao gồm cả Phụ nữ và Phúc lợi Trẻ em, Luật và Tư pháp, Tư pháp Xã hội cũng như các Ủy viên Phúc lợi Xã hội và Chủ tịch Ủy ban SC/ST đã được thành lập trong cùng năm đó".
Chủ tịch Ủy ban SC/ST (C L Thool) tìm thấy một vài điều không nhất quán trong đề xuất của Raut, sau đó một kế hoạch mới đã được thực hiện. Đề xuất này đã được thảo luận bởi ủy ban trong 2 ngày và một cuộc họp khác sẽ được tổ chức vào ngày 7-5", quan chức trên cho biết.
Đề xuất này sau đó sẽ được hoàn thành bởi ủy ban và sẽ được đưa ra trước công chúng trên trang web của Bộ Tư pháp Xã hội để lấy ý kiến, ông nói thêm. Sau một thời gian chỉ định, các góp ý hay phản đối sẽ được ủy ban thảo luận và dự luật này sau đó sẽ được đệ trình trước cơ quan lập pháp nhà nước.
Văn Công Hưng (Theo The New Indian Express)