Để mùa Xuân trọn vẹn...

Những niềm vui chưa trọn

Trong không khí ấm áp những ngày cuối năm, người ta chào đón sự trở về của mùa Xuân như chào đón những người thân xa quê trở về. Thế nhưng còn đó những trăn trở khi nhìn lại một năm đã qua với những câu hỏi mà chưa có lời đáp lại.

XCD.jpg

Nhìn chung quanh, câu chuyện về quả đất đang tăng nhiệt, băng ở hai cực của địa cầu đang tan nhanh đe dọa sự thịnh vượng chung và sự an toàn của nhân loại. Còn nữa, hiệu ứng nhà kính và khí thải vẫn chưa có dấu hiệu khả quan khi các nước lớn và giàu có chỉ mới cam kết chứ chưa đi vào hành động. Dù sao, Hội nghị Copenhagen cũng ít nhiều mở ra hy vọng.

Trong nước thì bộn bề những lo toan về tỷ giá, về giá vàng, giá bất động sản, giá lương thực, giá thuốc Tây chỉ có tăng mà không hề giảm, khiến người ta không còn tâm sức nào mà nhớ đến biến đổi khí hậu hay trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp nữa. Thế nên các con kênh, lưu vực sông đang bị đầu độc, xâm hại phũ phàng. Cụ thể là những con sông đang chết dần bên cạnh chúng ta như sông Thị Vải, sông Đồng Nai, kênh Ba Bò,… Chưa kể đến hàng loạt con sông và cánh rừng bị bức tử để làm thủy điện, chỉ tính riêng Quảng Nam đã có 50 nhà máy thủy điện(!). Còn bao nhiêu dự án đã, đang thực hiện mà không tính đến lợi ích dân sinh hoặc chưa làm nhưng “treo” trên đầu dân chúng? Liệu các bài báo nêu lên những thực trạng trên có làm cho những nhà hoạch định chính sách xem lại chủ trương “lấy dân làm gốc” chăng?

doinguoi-1.jpg

Đi tìm mùa Xuân

Khoảng cách hai mùa Đông - Xuân phải chăng cũng là khoảng cách lời nói và việc làm của chúng ta. Chúng ta ý thức hạnh phúc của mình chỉ có được khi lương tâm thanh thản và hành động vì mục đích lợi tha. Thế nhưng tiếc thay, trong bối cảnh luật pháp còn nhiều bất cập, người thực thi luật pháp có nơi có lúc chưa nghiêm nên có những kẻ “lách” luật hay "bất chấp luật pháp" chỉ vì động cơ đen tối là tư lợi. Bao nhiêu bài báo viết về tình trạng thiếu vệ sinh hay thực phẩm “nhiễm độc” đang lan tràn trên các sạp chợ, trong các bếp ăn tập thể, thậm chí cả trong nhà hàng… Chúng ta đang rao giảng về những triết thuyết vị nhân sinh “này đây là chủ nghĩa duy thần, này đây là chủ nghĩa duy vật, này đây là khoa học, này đây là tôn giáo, giữa chợ đời thứ nào cũng phong gói với những nhãn hiệu đẹp đẽ do những bộ óc và bàn tay tham, sân, si...” (Thích Trí Quang - Tâm ảnh lục).

Giữa lý thuyết được rao giảng và hiện thực, chúng ta thấy một khoảng cách thật gần mà thật xa, tưởng như vô tận. Vì sao? Vì chúng ta đã vô tình hay cố ý khi chạy theo quyền lợi bất chấp thủ đoạn, đã biến ánh sáng thành bóng tối, đã biến những mỹ từ trong lời nói của mình thành những khẩu hiệu rỗng. Do đó mà “con người ấy chỉ tự gây khổ cho nhau để rồi chung nhau chịu cái khổ ấy. Thế nên sự sống mới bị giết chết một cách phũ phàng, sự yên ổn, nếu có, cũng bị công nhiên xâm phạm tàn nhẫn” (Thích Trí Quang - sđd).

Chúng ta có ngạc nhiên không khi số vụ bạo lực trong gia đình, học đường, chưa kể trong xã hội gia tăng đáng quan ngại. Kẻ sát nhân ngày càng trẻ hơn, thủ đoạn tàn nhẫn hơn: Con giết cha rồi chặt làm nhiều khúc, chồng xả thây vợ, giết vì ghen tuông, giết vì “khó ưa (?) cái nhìn của nhau”,…

Một con người có nhân cách và phẩm giá là những gì mà chúng ta hoài mong xây dựng. Con người ấy sẽ tự kỷ luật mình trong những điều răn mà bất cứ một tổ chức nào cũng có, dù đó là đảng phái chính trị hay tổ chức tôn giáo. Phật giáo gọi đó là giới, giữ 5 giới - không trộm cướp, sát hại, tà dâm, rượu chè, dối trá - được thế chúng ta cũng đã là một công dân gương mẫu mà từ lâu chúng ta gọi đó là “con người mới”. Bởi nếu không giữ “giới”, con người sẽ phóng túng trong hành động, tàn bạo trong thủ đoạn, gian dối trong đối nhân xử thế, chiếm đoạt tính mệnh và tài sản người khác hoặc của Nhà nước (tham nhũng). Con người mà đến thế thì theo Đức Phật, không còn gì là tàm quý, mà đã không còn tàm quý để mà tự thẹn, tự giác, tự tiến bộ thì con người ấy không khác gì cầm thú cả(!). “Gia đình cũng như xã hội có những con người ấy chỉ có một màu sắc thoái hóa đầy diệt vong” (Thích Trí Quang - sđd).

doinguoi-2.jpg

Hãy tạo nên ý nghĩa mùa Xuân

Mùa Xuân là dịp để ôn cố tri tân, soi rọi lòng mình, nghĩ đến những gì mình đã làm trong năm qua, tưởng nhớ đến ông bà, tổ tiên, đến những ân phước mà mình đang thụ hưởng từ thành quả, từ mồ hôi và cả nước mắt của bao nông dân dãi dầu mưa nắng, bao công nhân trên các công trường, bao chiến sĩ nơi địa đầu Tổ quốc, nơi những hòn đảo giữa biển khơi canh giữ cho quê nhà. Nhận thức như thế cho ta thêm trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội, phải tự nhủ sống sao cho xứng đáng với 3 chữ “Công dân Việt”. Mọi hành vi xuất phát từ si mê, hay lòng tham không giới hạn đều là tội lỗi, đi ngược lại lý tưởng, dù đó là lý tưởng cách mạng hay là nguyên lý Chánh pháp mà người Phật tử luôn tâm niệm. Hãy nhớ rằng giá trị đời sống luôn phải rộng hơn bản ngã và xa hơn tư lợi. Hạnh phúc tìm thấy trong mùa Xuân chỉ thật sự có ý nghĩa khi được xây dựng trên những điều kiện bền vững, bắt đầu từ lòng người thực sự chung tay xây dựng; nếu không thì chỉ như những cánh mai nở rộ vài ngày và tàn phai sau đó mà thôi!

Hãy cùng nhau đón chào một mùa Xuân với ước mơ vĩnh cửu!  

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.