GN - Mới đã qua nửa tháng 3. Thời gian trôi nhanh dữ, để người ta dừng lại, nhìn tới nhìn lui, thấy sao “cái tuổi nó đuổi xuân qua”.
Câu nói của nhân vật Đào trong “Mùa lạc” của Nguyễn Khải sẽ trở thành điệp khúc cho những ai đang bước qua tuổi hăm mấy, sát ba mươi, rồi ba mươi mấy tới bốn mươi.
Cuộc sống là dòng trôi không ngừng nghỉ, dẫu ta có muốn níu cũng không được. Thế nên, nhà thiền khuyên ta “an trú trong hiện tại” - đó là cách sống thông minh đưa tới hạnh phúc.
Bình tĩnh sống - Ảnh minh họa
Bình tĩnh sống! Ba chữ ngắn ngủn ấy hàm chứa một triết lý không đơn giản để thực hiện, nhất là khi thói quen đi như ma đuổi trong ta được lặp lại từ rất lâu rồi - vô lượng vô thỉ kiếp trước.
Chính vì thế, ta có thói quen sợ hãi, vì càng chạy càng như thấy một bóng đen chạy theo mình, sát bên mình, tấn công mình. Những nỗi lo lắng người ta hại mình hay ai đó hết thương mình cũng là một kiểu ma ám, nội ma ở trong mình - khiến ta mất hạnh phúc - vì ta không-dám-tin lòng tốt hay sự thủy chung còn hiện diện, hoặc sẽ đến với mình.
Tháng 3 về là dịp để ngắm phố, để có thể uống ly cà-phê nhỏ bên góc quán quen, nhìn những cơn mưa bất chợt và thôi hoang mang về tương lai. Hãy bình tĩnh sống! Bởi mọi thứ đều có nhân duyên cả. Bình tĩnh sống cũng chính là thông điệp sống vui trong hiện tại.
Và điều quan trọng là chúng ta ngồi im, cho thiệt im từ thân tới tâm để có thể nghe được hơi thở mình rõ ràng nhất, nhận diện đầy đủ nhất về những gì đã qua, đang đến, sẽ đến với một tâm thế bình an.
Đó là một biểu hiện của định. Khi ấy ta sẽ thấy mọi thứ “không sao đâu”, rồi lại bình tĩnh mà sống thôi...
Tháng 3, nhớ thật an nhiên. Yên trong lòng thì từ từ sẽ an dẫu cảnh có thể còn đôi chút xáo trộn, chưa như ý. Thực ra, khi lòng chưa yên, còn lao xao, mong cầu, mong chờ... thì sẽ khó an, thế nên thi sĩ mới viết: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” đấy thôi!
L.Đ.L