Dạy con nên người

GN - Nuôi dạy con cái ngoài trách nhiệm quan trọng của cha mẹ là cả một nghệ thuật trồng người. Dĩ nhiên các bậc cha mẹ đều thương con nhưng lại có cách dạy dỗ khác nhau. Có những cách dạy phù hợp đưa đến kết quả tốt, ngược lại có những cách dạy không phù hợp nên chẳng những không có kết quả tốt mà còn sinh ra oán hận.

Giúp con mình tự giác, tự nguyện học tập trau dồi tri thức, đạo đức và rèn luyện các kỹ năng sống để từng bước hướng đến tự lập là khuynh hướng giáo dục con trẻ hiện nay. Trong đó, xây dựng một hình mẫu lý tưởng để nương theo thần tượng là điều khá phổ biến. Thời Đức Phật, Ngài đã từng đề xuất thiết lập thần tượng cho hàng đệ tử là các bậc phạm hạnh, trí tuệ và từ bi.

a daycon.jpg
Dạy con những điều thiện lành ngay từ bé - Ảnh  minh họa

“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

Ví như người mẹ hết lòng tin tưởng đứa con trai duy nhất, thường nghĩ rằng: Làm sao để dạy dỗ cho nó thành người?

Bấy giờ các Tỳ-kheo bạch Thế Tôn: Bạch Thế Tôn, chúng con không hiểu nghĩa này. Đức Thế Tôn là căn bản của các pháp. Như Lai chỉ bày điều gì, không ai không nhận lãnh. Cúi mong Thế Tôn nói pháp sâu xa này cho các Tỳ-kheo, chúng con nghe xong xin vâng làm.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: Hãy lắng nghe, lắng nghe và khéo suy nghĩ! Ta sẽ vì các Thầy mà phân biệt nghĩa này.

Các Tỳ-kheo đáp: Xin vâng, Thế Tôn.

Bấy giờ các Tỳ-kheo vâng lời dạy rồi, Thế Tôn bảo rằng: Như Ưu-bà-di kia hết lòng tin tưởng sẽ dạy dỗ các con thế này: ‘Nay con nếu ở tại gia nên như trưởng giả Chất-đa và đồng tử Tượng. Vì sao thế? Vì đây là mẫu mực, đây là hạn lượng. Đệ tử được ấn chứng của Thế Tôn là trưởng giả Chất-đa và đồng tử Tượng. Nếu ý con trẻ muốn cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, xuất gia học đạo thì nên như Tỳ-kheo Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên. Vì sao thế? Vì đây là mẫu mực, đây là hạn lượng’. Nghĩa là Tỳ-kheo Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên thích học Chánh pháp, chẳng làm nghiệp tà, dấy khởi phi pháp. Nếu các thầy sanh tưởng nhiễm trước, liền sẽ đọa vào ba đường ác. Phải khéo nhớ chuyên tâm, người chưa đắc cố gắng chứng đắc, người chưa đạt hãy đạt, người chưa chứng nay nên thọ chứng. Sở dĩ như thế, vì này các Tỳ-kheo, sức nặng của tín thí thực chẳng thể tiêu, khiến cho người ta không đến được đạo. Thế nên, các Tỳ-kheo, chớ sanh ý nhiễm trước, nếu đã sanh thì nên diệt ngay. Như vậy, các Tỳ-kheo hãy học điều này!

Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”.

(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập I, phẩm 9. Một đứa con,
VNCPHVN ấn hành, 1997, tr.93)

Theo Đức Phật, nếu là cư sĩ thì cần phấn đấu để trở thành bậc thức giả, trưởng giả tức vừa có tri thức, thành đạt trong cuộc sống lại vừa có tâm giúp đỡ cộng đồng, xây dựng xã hội và đất nước ngày càng giàu mạnh như trưởng giả Chất-đa có trí tuệ bậc nhất, đồng tử Tượng (Hatthaka người Alavi) là bậc nhất về hạnh tứ nhiếp (bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự). Nếu phát tâm xuất gia thì phải phấn đấu để trở thành các bậc thánh hiền Tăng, phát huy trí tuệ và từ bi để hoằng dương Phật pháp, lợi ích chúng sinh như các Tôn giả Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên thượng thủ đệ nhất về trí tuệ và thần thông.

Tùy theo sở thích (tập nghiệp) cá nhân, ảnh hưởng từ gia đình, học đường và xã hội mà mỗi người có một thần tượng với các đặc điểm khác biệt nhau. Mẫu thần tượng theo quan điểm Phật giáo là những người thành tựu từ bi và trí tuệ. Đức Phật gọi những vị này là mẫu mực trong tứ chúng, là đệ tử được ấn chứng của Thế Tôn. Nên hậu thế chúng ta cần nương theo các thần tượng (Trưởng giả Chất-đa và đồng tử Tượng; Tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên) để tinh tấn tu học sao cho nên người, sống tốt đạo đẹp đời. Chọn đúng thần tượng cũng là cách giúp mình cũng như con cái đi đến thành công trong cuộc sống.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.