Đầu xuân về hội chùa Vua

Giác Ngộ - Hàng năm cứ đến mồng 6 Tết, các kỳ thủ cờ tướng khắp nơi và ở những nước láng giềng cùng khách thập phương lại nô nức đến Lễ hội Chùa Vua tham dự giải Cờ tướng đầu xuân.

Mặc dù phần thưởng cho người vô địch xưa chỉ là những phiến oản, ngày nay khấm khá hơn cũng chỉ 1 triệu đồng, nhưng đã hơn 500 năm nay và cho đến tận bây giờ, vô địch cờ tướng Lễ hội Chùa Vua vẫn là danh hiệu danh giá nhất mà mỗi danh thủ cờ tướng đất Bắc Kỳ đều khao khát giành được.

chauvua.gif

Tam quan chùa Vua

Ngôi cổ tự thờ Đế Thích

Chùa Vua là tên gọi chung của quần thể kiến trúc bao gồm Thượng điện Hưng Khánh, Điện Đế Thích, Đền thờ Trần Hưng Đạo tọa lạc ở phố Thịnh Yên, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Đi qua cổng tam quan với gác chuông rất đẹp là tới ngay khoảng sân rộng lát bằng đá xanh, đây cũng chính là một bàn cờ tướng khổng lồ được kẻ bằng vôi. Ngày thường, những vị trí đặt quân trên bàn cờ được đặt các chậu cảnh. Trên thân chậu cũng ghi tên quân với tướng, sĩ, tượng, xe, pháo, mã…Đi qua sân đánh cờ là đến thẳng một tòa kiến trúc cổ, trên cửa có 3 chữ "Thiên Đế Điện", đây là điện thờ Đế Thích. Thẳng hàng về phía bên trái điện là Thượng điện chùa cũng có kiến trúc tương tự. Ni sư Thích Đàm Định, trụ trì chùa Vua cho chúng tôi biết, xưa kia nơi đây thuộc địa phận làng Thịnh Yên, tổng Hậu Nghiêm, huyện Thọ Xương.

Chùa được khởi dựng vào thời Lý mang tên Hưng Khánh tự cùng với điện thờ Đế Thích trở thành một trong Tứ Quán của kinh thành Thăng Long. Theo sách nhà Phật và thần thoại Ấn Độ, Đế Thích chính là thần Indra của đạo Bà La Môn, được coi là vua của các vị thần. Tín ngưỡng Phật giáo đã đưa Indra Đế Thích vào điện thờ cùng với thần Brama (Phạm Thiên). Hai vị này được coi là hai vị vua thần bảo vệ Phật pháp cho nên trong các chùa Việt Nam, đặc biệt là ở miền Bắc hiện nay thường có tượng Đế Thích và Phạm Thiên đặt hai bên tượng Đức Thích Ca Sơ sinh Cửu long phún thủy.

Sách Lĩnh ngoại đại đáp của Chu Khứ Phi đời Tống và cuốn An Nam chí lược của Lê Thực chép: "Vua nhà Lý cùng các bầy tôi thường đi lễ chùa Hưng Khánh và đền Đế Thích vào ngày ba mươi tháng Chạp hàng năm. Đến thời Lê Sơ (1428 - 1527), triều đình xây cung Thừa Lương xung quanh chùa Hưng Khánh, phía trước chùa có hồ bán nguyệt nước trong mát, cây cối xanh tươi. Hàng năm, vua Lê, hoàng tử và các đại thần trước khi đến Đàn Nam Giao để tế trời đất, bao giờ cũng phải đến chùa Hưng Khánh cầu quốc thái dân an. Từ đó, dân gian gọi đây là chùa Vua và truyền nhau câu: "Muốn sống lâu, cầu Đế Thích". Từ xa xưa, dân gian nước ta coi Đế Thích là vị thần có khả năng cải tử hoàn sinh và người đánh cờ giỏi nhất cả cõi người, cõi trời.

Vũ Phương Đề đỗ tiến sĩ năm 1736, đã chép trong sách Công Dư Tiệp Ký chuyện Hồn Trương Ba, da hàng thịt kể về sự linh dị của Đế Thích. Truyện rằng, Trương Ba rất mê đánh cờ, mỗi khi đẩy được đối phương vào nước cờ bí, là anh ta lại lên mặt tự đắc nói: "thế cờ này thì đến Đế Thích cũng bó tay". Bởi vậy, Đế Thích xuống hạ giới đánh cờ với Trương Ba và trở thành đôi bạn cờ thân thiết. Đến khi Trương Ba chết, Đế Thích đã hóa phép cho Trương Ba sống lại trong cơ thể một anh hàng thịt. Tương truyền, vì ngưỡng vọng Đế Thích, một vị hoàng tử nhà Lê mê cờ đã chọn chùa Vua làm trung tâm đấu cờ tướng của kinh đô Thăng Long. Từ đó mà thành tục lệ giữ gìn đến ngày nay, mỗi khi xuân về, dân làng Thịnh Yên lại mở hội đánh cờ tại chùa.

Đến thế kỷ 19, một võ tướng của Hoàng Hoa Thám là cụ Hoàng Đình Điều, sau khi chống Pháp không thành, đã tìm đến chùa Vua quy y xuất gia, rồi làm trụ trì chùa, sau này được Nhà nước ta tặng bằng khen có công với nước. Cũng chính ở chùa này, ông Nguyễn Phong Sắc, Xứ ủy Bắc Kỳ thường đi về ẩn náu trong những ngày trước cách mạng, cất giấu tài liệu dưới bệ tượng Đế Thích.

Những ngày toàn quốc kháng chiến, chùa Vua là nơi chứa quân trang quân dụng và lương thực của quân đội ta, bởi vậy năm 1947 giặc Pháp đã đốt phá chùa. Ngày 10-4-1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm chùa, Người căn dặn: "Bà con trông nom bảo quản di tích chùa Vua cho chu đáo cẩn thận".

Ngày nay, chùa Vua còn lưu giữ được nhiều di vật quý giá bao gồm 14 pho tượng Phật và tượng Đế Thích cổ chế tác rất đẹp làm bằng gỗ hoàng đàn; hai đỉnh đồng thời Nguyễn, một quả chuông nhỏ thời Cảnh Thịnh, hai quả chuông to và hai chóe lớn cao chừng 1,6m đều được đúc từ thời Lê. Trong đó, pho tượng Đế Thích bằng gỗ cao 1,6m được tạo tác trong hình hài một ông vua ngự trên ngai vàng, đầu đội mũ miện, mặc áo cổn. Chùa Vua được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1992.

giao.gif

Cứ khi Tết đến xuân về, dân làng và những người ưa chuộng
môn cờ tướng lại đến đây dâng hương, đấu cờ trong chùa
để thi tài, thưởng xuân

Tưng bừng hội đấu cờ tướng

Truyền thống đấu cờ tướng đã ăn sâu vào tâm thức của dân làng Thịnh Yên tới mức ngay cả những năm chiến tranh loạn lạc, chùa bị phá hư hỏng nặng, hội không mở được song dân làng vẫn không quên lệ đấu cờ. Cứ khi Tết đến xuân về, dân làng và những người ưa chuộng môn cờ tướng lại đến đây dâng hương, đấu cờ trong chùa để thi tài, thưởng xuân.

Từ năm 1993 trở đi, Lễ hội Chùa Vua mở trở lại, tổ chức từ mồng 6 đến mồng 9 tháng Giêng âm lịch hàng năm, với tục lệ thi đấu cờ tướng, thu hút nhiều danh thủ nổi tiếng ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc.

Những người đoạt giải nhất tại hội thi cờ chùa Vua thường là những tên tuổi lừng danh của làng cờ Việt Nam như cụ Hứa Tiến (từng là kiện tướng cờ châu Mỹ), rồi các danh thủ cờ Cường, Phác - những kiện tướng của làng cờ tướng Việt Nam. Nguyễn Vũ Quân - kỳ thủ từng 2 lần vô địch cờ tướng Việt Nam năm 2004-2005 và Huy chương đồng thế giới cũng đã 2 năm liền giành giải nhất tại Lễ hội Chùa Vua. Kỳ thủ từ các nước láng giềng như Trung Quốc, Lào, Campuchia… cũng tìm sang thi đấu trong hội chùa Vua, càng cho thấy sự danh giá của giải vô địch cờ tướng chùa Vua.

Trước đây, Lễ hội Chùa Vua do các bô lão trong làng Thịnh Yên đứng ra tổ chức, nhưng từ năm 2009, Trung tâm TDTT quận Hai Bà Trưng là đơn vị đứng ra tổ chức giải và đưa các thể lệ thi đấu vào quy củ. Lễ hội bắt đầu từ 8 giờ sáng mồng 6 Tết bằng nghi thức mở cửa đền, nhà chùa cùng những người tham gia đóng vai các quân cờ và các kỳ thủ vào lễ Phật ở Tam bảo Thượng điện trước, rồi sang lễ Đế Thích ở đền. Sau cuộc tế lễ là tới hội cờ: cờ tướng, cờ người, chọi gà, múa sư tử cùng các trò chơi khác. Cứ 5 năm một lần thì có lễ rước Đế Thích từ đền ra khu triển lãm Vân Hồ rồi lại rước về, đoàn rước có bát bửu, đoàn người đóng quân cờ, múa sinh tiền, múa sư tử…

Ni sư Thích Đàm Định cho biết, nhà chùa tiếp bá tánh đến đăng ký danh sách tham gia từ tháng Chạp cho đến hết mồng 5 tháng Giêng âm lịch. Những năm gần đây, năm nào cũng có hàng trăm người xin thi đấu, vì vậy ở vòng loại được tổ chức vào ngày mồng 6 tháng Giêng thì chưa tổ chức thi đấu ở bàn cờ lớn trên sân, mà chia các kỳ thủ ra từng đôi đấu trên những bàn cờ gỗ nhỏ để chọn ra 80 người vào đấu vòng nhất thắng. Nhất thắng thi đấu theo hệ Thụy Sĩ để lấy 8 người xếp hạng đầu vào vòng nhị thắng. Nhị thắng thi đấu loại trực tiếp theo thể thức tứ kết, bán kết để chọn 2 người đấu chung kết, còn gọi là vòng tam thắng.

Theo lệ chùa Vua, ai đoạt giải nhất cờ tướng 3 năm liền sẽ được khắc họ tên, lưu danh trên bia đá giữa sân chùa. Trong thời chiến tranh chống Pháp, nhà bia trước kia đã bị phá hỏng nên tấm bia khắc ghi tên các kỳ thủ xưa đã không còn. Tấm bia hiện nay đã có 3 người được khắc ghi tên: Lê Huy Vệ, Nguyễn Tấn Thọ, Đào Cao Khoa.

Từ trên lầu chuông của tam quan nhìn xuống, du khách được sống trong bừng bừng khí thế mỗi cuộc cờ: Xe pháo qua hà giữa tiết xuân/ Cần chi phong tướng mới cầm quân/ Thoắt mang ngựa đến tan thành cổ/ Bỗng vẫy voi ra giấu mẹo thần… (thơ Kim Giao tặng Lễ hội Chùa Vua).

Đóng vai những quân cờ là những cô gái xinh đẹp, trang phục lộng lẫy; riêng vai tướng thì mô phỏng lệ bộ của quân bài tướng. Vì quân cờ toàn tuyển các cô gái nhan sắc nên các chàng trai bên ngoài vừa mê mải xem các nước đi, thế cờ của người chơi, vừa lại mải ngắm các quân cờ. Hai người đấu cờ đi đi lại lại, ngắm nghía tính toán từng nước cờ, khi họ đi quân nào thì quân cờ ấy tiến theo yêu cầu. Quân cờ nào bị đối phương "ăn" thì ra khỏi bàn cờ. Mỗi nước đi được giới hạn thời gian không quá hai phút, nếu thấy kỳ thủ nào nghĩ lâu, thì thằng bé giám cờ sẽ đánh trống rót vào tai buộc anh ta phải đi cờ nhanh. Ấy vậy mà có năm, trận chung kết căng thẳng kéo dài đến tận 11 giờ đêm mồng 9 mà vẫn chưa phân thắng bại, Ban tổ chức đành phải bốc thăm xác định người vô địch để bế mạc hội cờ.

Khách thập phương đến xem hội lúc nào cũng đông nghịt, đứng vòng trong vòng ngoài, vừa xem vừa bình phẩm về các "quân cờ", vừa đánh giá nước đi của đấu thủ mà hồi hộp mong đợi kết quả của trận đấu. Có những chàng trai láu lỉnh tiến sát vào bàn cờ, phía quân cờ mình thích để trêu đùa các quân cờ. Không khí vừa ồn ào sôi nổi, vừa căng thẳng, trí tuệ. Người xem cờ mê mải say sưa, có nhiều người đang xem thì vợ con, anh em ra gọi về ăn cơm, nhưng họ không chịu về. Nhiều người chỉ cầm một chiếc bánh mì mà xem hội từ sáng sớm đến tận chiều tối, không chịu rời sân cờ. Tàn hội cờ, du khách vẫn lưu luyến chưa muốn rời những huyền vi, ảo diệu của các thế cờ trong cuộc thi mỗi năm.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.