Từ Chùa Đồng, nơi đỉnh thiêng Yên Tử, du khách có thể ngắm nhìn khung cảnh hùng vĩ của Yên tử, thưởng ngoạn núi non điệp trùng của dãy Đông Triều và phóng xa tầm mắt tới những hòn đảo nhấp nhô của vịnh Hạ Long.
Yên Tử gắn liền với cuộc đời sự nghiệp của Vua Trần Nhân Tông. Xuất gia về Yên Tử tu hành (1299), Ông lấy pháp hiệu Trúc Lâm Đại Đầu Đà và sáng lập ra dòng Thiền Phái Trúc Lâm. Với tinh thần nhập thế và yêu nước, giáo lý Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử trở thành nền tảng tư tưởng dựng nước và giữ nước thời Trần, có ảnh hưởng sâu sắc đến Phật giáo Việt Nam sau này.
Trong nhiều năm qua, Yên Tử là địa danh luôn được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành quan tâm đầu tư. Cùng với sự phát tâm công đức của các tổ chức, cá nhân, các Tăng, Ni, phật tử trong và ngoài nước, nhiều công trình Chùa, Am, Tháp, đường xá… đã và đang tiếp tục được trùng tu tôn tạo nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử danh thắng vốn có của Yên Tử.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại Yên Tử hai năm trở lại đây, công tác phục vụ Lễ hội xuân đã được Ban tổ chức chuẩn bị từ sớm và khá chu đáo, từ công tác bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, dịch vụ trông giữ xe, đến việc bố trí các khu vệ sinh công cộng, dịch vụ ăn uống, cáp treo... đều có sự qui củ hơn, thuận tiện cho du khách thập phương khi hành hương về Yên tử du xuân.
Một số hình ảnh về Yên Tử:
Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực trong công tác chuẩn bị và phục vụ Lễ hội như trên, vẫn còn những hình ảnh chưa đẹp khiến du khách thập phương không khỏi phiền lòng, đặc biệt là tình trạng còn một số điểm bán hàng, dịch vụ kinh doanh tư nhân lợi dụng mùa lễ hội để tăng giá.