Được báo chí ca ngợi là ngôi chùa lưu giữ nhiều kỷ lục nhất của miền Bắc, chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình thu hút hàng vạn du khách đến thăm quan không chỉ bởi cảnh sắc tuyệt đẹp mà còn cả những điều thú vị đằng sau những nét kiến trúc đậm chất văn hoá phương Đông.
Lễ hội chùa Bái Đính, thuộc huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, là một lễ hội xuân diễn ra từ ngày mùng 6 tết đến hết tháng 3, khởi đầu cho những lễ hội hành hương về vùng đất cố đô Hoa Lư tỉnh Ninh Bình. Đây là một lễ hội lớn ở miền Bắc và là một lễ hội truyền thống điển hình của người Việt Nam, sở dĩ bởi chùa Bái Đính là một trong những di sản văn hoá quốc gia có giá trị về mặt lịch sử, tâm linh và danh thắng.
Lễ hội chùa Bái Đính khai hội vào ngày mồng sáu tháng giêng và kéo dài trong suốt mùa xuân. Quần thể chùa Bái Đính hiện có diện tích 539 ha bao gồm 27 ha khu chùa Bái Đính cổ, 80 ha khu chùa Bái Đính mới, khu công viên văn hoá và học viện phật giáo, khu đón tiếp và công viên cảnh quan, đường giao thông và bãi đố xe, khu hồ Đàm thị, hồ phóng sinh...
Là một trong số những ngôi chùa nhận được rất nhiều ưu ái và được báo giới hết lời ca tụng là: “Hạ Long trên cạn” và ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á, Ngôi chùa sở hữu nhiều kỷ lục nhất Việt Nam… Chính vì thế nên ngay cả khi đang xây dựng, chùa Bái Đính đã thu hút rất đông du khách về tham quan, chiêm bái.
Các kỷ lục của chùa Bái Đính
- Tượng Phật bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á: Tượng Phật Tổ 100 tấn trong điện Pháp Chủ.
- Chuông đồng lớn nhất Việt Nam: Đại hồng chung nặng 36 tấn trong Tháp Chuông.
- Khu chùa rộng nhất Việt Nam: tổng 539 ha (riêng chùa cổ 27 ha, chùa mới 80 ha).
- Khu chùa có nhiều tượng La Hán nhất Việt Nam: 500 vị bằng đá xanh cao khoảng 2 mét.
- Khu chùa có giếng ngọc lớn nhất Việt Nam.
- Khu chùa có số cây bồ đề nhiều nhất Việt Nam: 100 cây bồ đề được chiết từ cây Bồ đề Ấn Độ.
Ngoài sáu kỷ lục mà chùa đang nắm giữ, kiến trúc cũng là một trong những điểm đưa Bái Đính trở thành ngôi chùa độc đáo nhất Việt Nam. Kiến trúc chùa nổi bật với những hình khối lớn, hoành tráng mang đậm dấu ấn kiến trúc Việt Nam, sử dụng nguyên vật liệu chính ở địa phương (đá xanh Ninh Bình, gỗ tứ thiết), ngói men Bát Tràng màu nâu sẫm... Điều khác biệt nhất ở kiến trúc chùa Bái Đính thể hiện ở vòm mái màu nâu sẫm cong vút hình đuôi chim phượng, nó không giống với nét thẳng thô của chùa Trung Quốc. Các chi tiết trang trí kiến trúc chùa cũng mang đậm dấu ấn của các làng nghề truyền thống nổi tiếng ở Việt Nam.
Tương truyền rằng, năm xưa khi vãn cảnh và vô cùng thán phục trước cảnh sắc tuyệt đẹp nơi đây, vua Lê Thánh Tông đã tạc một bài thơ tứ tuyệt chữ Hán được dịch như sau: Đính Sơn danh tiếng thực cao xa/ Che chở kinh thành tự thuở xưa/ Nhân kiệt, địa linh nên vượng khí/ Núi thiêng cảnh đẹp vững sơn hà.