GN - Không biết có từ bao giờ, do đâu - thông thường người ta đều nghĩ, những việc gì làm đầu năm, xảy ra cho mình đầu năm, đều có thể sẽ ảnh hưởng cho mình (và gia đình) suốt năm ấy! Chẳng hạn, đầu năm đi chợ quý bà “cữ” không mua khổ qua, dưa leo, chanh ớt, bí bầu; tóm lại là các món có ý nghĩa “không tốt”; trái lại tìm mua đu đủ, dừa xiêm, mãng cầu, cá thu… (kiêng cữ cho qua khỏi những ngày “mồng” hay qua rằm, càng tốt).
Ảnh minh họa
Lúc nhỏ, mồng 6, đến thăm gia đình người chị, bà ấy cho tôi một cây bánh tét, tôi mừng quá mang bánh về nhà, bị rầy: “Trời ơi! Đầu năm sao đem bánh tét về nhà vậy?”. Tuy biết những định kiến như vậy là không chuẩn xác, mê tín, nhưng, nếu tránh được, thì cũng đỡ đi sự “phiền hà” đầu năm không đáng có!
Năm nay, sáng mồng 8 Tết, tôi đã nhận được hai tập sách tặng của anh Nguyên Cẩn từ Sài Gòn: “Đối thoại với hư không” (Tập thơ - Nhà XB TN/ quý 4-2013) và “Cà phê không đường” (Tập 2 - Tản văn/ Nhà XB TN/quý 1-2014).
Tôi rất vui, vì nghĩ rằng, suốt đời mình “yêu” sách, mà đầu năm nhận được “món” mình yêu - thì còn gì hoan hỷ hơn? Năm tới đây, chắc là mình “yêu” cái gì, sẽ được “tặng” cái đó chăng?
Người xưa cũng đã nói “Thư trung hữu nữ nhan như ngọc” (trong sách có người con gái mặt đẹp như ngọc) - năm mới, đã nhận được hai “mỹ nhân”, thì còn gì hạnh phúc hơn? (Lý Diên Niên có “Giai nhân ca”: “…Ninh bất tri, khuynh quốc dữ khuynh thành/ Giai nhân nan tái đắc!” - Không màng thành ngã quách nghiêng/ Chỉ e khó gặp nàng tiên hai lần - cơ mà!).
Hai tập sách - hai tác phẩm mới được xuất bản của Nguyên Cẩn, đúng là hai “giai nhân” có nét đẹp đài các, thâm trầm, và quyến rũ! Tập “Nói với hư không” (gồm 40 bài thơ/ dày 154 trang) được Thiện Tri Thức trình bày bìa, các họa sĩ Đinh Cường, Thân Trọng Minh, Rừng, Nguyễn Đình Thuần góp phần điểm tô cho “dung nhan” người đẹp thêm mặn mà, hấp dẫn!
Tôi ngẫu nhiên lật một bài trang 106, trong 40 bài thơ: Đúng là mùa xuân còn, trong bài thơ vừa hiện ra “Xuân còn mẹ”:
“Xuân này con vẫn cầm tay mẹ
Mong manh như ngọn gió qua nhà
Thều thào mẹ bảo hình như Tết
Đang về khoe sắc giữa ngàn hoa
Mẹ dẫu mơ hồ nhưng cũng biết
Cháu con họp mặt vẫn đông vui
Lũ trẻ lao xao giờ khai tiệc
Móm mém cười xong mẹ ngậm ngùi
Còn thằng anh lớn sao chẳng thấy
Nó ở chân mây hay cuối trời?
Đã vắng hai mùa không trở lại
Đêm mẹ nằm vẫn gọi: “con ơi!”
Mẹ có mơ màng hay lãng đãng
Làm sao quên được bóng hình xưa
Thời gian quanh quẩn bên giường hẹp
Mẹ đã không còn biết nắng mưa
Vậy đó xuân này còn có mẹ
Ngự giữa tin yêu giữa cuộc đời
Cho chúng con quay về nương náu
Bên trời thôi vọng tiếng chim côi
Và thấy mùa đi xanh trong lá
Chỗ mẹ nằm chim nhỏ hát ca…”.
Và một bài ngẫu nhiên khác (trang 30): “Đêm nào…?” - Kính tặng Trung Niên thi sĩ:
“Đêm nào hoa sinh?
Người về thảng hoặc,
Con sông vô tình,
Cuốn chiều xa lắc.
Đêm nào không trăng?
Người soi bóng mộng,
Tìm cõi vĩnh hằng,
Cuối trời mê vọng.
Đêm nào không ta?
Người đi qua dó,
Ngỡ ngày hôm qua,
Tan vào trong gió
Đêm nào mai sau…
Diệu hoa lầu các,
Trăng còn nguyên mầu,
Lòng nay chẳng khác.
Không đến không đi,
Không tàn không nở,
Được gì, mất gì?
Không tìm cũng rõ.
Trong cõi vô minh,
Người ngồi thổi tắt
Ngọn nến vô tình,
Giữa hồn hiu hắt.
Đêm nào hoa sinh,
Người về một độ,
Rõ ngàn điêu linh,
Giật mình liễu ngộ.
Đêm nào, đêm nào?
Người về thảng hoặc…”.
Tôi rất yêu quý thơ (từ thuở nào cho đến bây giờ) - nhưng, hiếm khi tìm được những bài thơ hay trọn vẹn, nhất là khó tìm được cả một tập thơ hay như thế. Có người nói, thơ (văn) cũng giống như những “thực đơn” trên bàn tiệc, tùy “tạng” người ưa thích! Có lẽ cái “tạng” của tôi không ưa các “món” cầu kỳ quá, xào chiên công phu quá, hay thêm nhiều gia vị, màu sắc Đông Tây cho nó có vẻ “sang trọng” mà lúc bỏ vào miệng thì nuốt không trôi (nếu gắng nuốt, cũng sẽ khó tiêu hóa được)?! Lại cũng chẳng mấy “ưa” món “ăn nhanh” lạt lẽo, vô vị, lặp đi lặp lai - nhàm chán!
Thơ Nguyên Cẩn không màu mè, nắn nót, mà luôn tươi mới, hồn nhiên tuôn chảy như những dòng suối - nhưng trong cái trong sáng, chơn phác tưởng giản dị ấy, là sự hòa quyện rất tinh tế giữa cảm xúc dạt dào và trí tuệ sâu lắng đã bao khi! Câu nào “chắc” câu ấy; bài nào “chắc” bài ấy! Nó là sự kết tụ của một sự “thực chứng” lâu dài từ đời sống nhiêu khê, khổ đau, và hư huyễn quanh ta! Nó toát lên hương sắc của một đóa vô ưu giữa đời thường, như niềm hiến dâng vô cầu của tấm chân tình rộng mở; như tia sáng tinh khiết lóe lên giữa bóng tối của sự vô minh, điên đảo, trầm luân! Và sau cùng, nó đem lại cho người đọc nhiều “dấu hỏi và dấu lặng” thao thức, khôn nguôi!
Nhìn lại, dòng thi ca VN trong nhiều thập niên (từ thời gọi là “tiền chiến” cho đến nay), người đọc cảm nhận rằng đó là một nền thi ca luôn chuộng cảm xúc, nhiều hơn là trí tuệ. Điều này cũng cho biết, một số nhà thơ thường dễ dãi với cảm xúc thoáng qua, mà ít quan tâm đến chiều sâu tư tưởng cần có trong một tác phẩm - dù là chỉ 4 câu! Sự hạn chế tầm nhìn, nhận thức, cùng sự ồ ạt xuất bản thiên về số lượng, đã làm thi ca VN khó vươn đến đỉnh cao của một tác phẩm có tầm vóc lớn hơn!
Trong khi ấy, có một số nhà thơ - đã gắng công “làm mới” thơ bằng lý trí, lý luận, nhưng tiếc thay, đó là những dòng chữ vô hồn, gập ghềnh lên xuống khô khốc, chắp vá từ những mớ kiến thức đã quá cũ của các nền thi ca phương Tây, như một hiện tượng “dồn nén” ngắn ngủi! Chiếc áo vay mượn kiểu cách không trải qua “đo đạc” tầm vóc, không vừa vặn với con người VN thuần hậu, sâu lắng và không ưa đỏm dáng!
Cả hai “dòng” thơ này - không mấy được người đọc đồng cảm và đồng tình! Người đọc đòi hỏi, cần có sự dung hợp mầu nhiệm giữa con tim và khối óc; để có một tác phẩm đúng ý nghĩa - vừa phơi phới cảm xúc tinh khôi, vừa lắng sâu tư tưởng sáng tạo; để có thể chuyển hóa tâm hồn và đời sống, ngày một trong trẻo, tươi sáng và an lạc hơn!
Đầu năm mới, “gặp” được hai người đẹp - thật hân hạnh!