Đâu là sự thật của thông tin "Khởi tố sư thầy đánh người"?

GNO - Mấy ngày qua, cộng đồng mạng xã hội xôn xao vì tấm hình và nội dung “Khởi tố sư thầy đánh người nhập viện vì Phật tử cúng lược và dầu gội đầu”.

Bức hình được chia sẻ trên mạng xã hội, với nội dung “Vụ việc xảy ra tại chùa H.H.T - Diên Khánh - Khánh Hòa, sư thầy Thích N.Đ đã ra tay đánh Phật tử cúng vườn (dường - PV) chỉ vì người này cúng lược và dầu gội đầu cho nhà chùa. Thầy trụ trì đã lên tiếng xin lỗi gia đình và người thân của Phật tử trên…”.

zingsuthay.jpg

Thông tin lan truyền khiến nhiều người bức xúc

Nhận được thông tin trên, PV Giác Ngộ đã có trao đổi với TT.Thích Tâm Như, Phó Thường trực BTS GHPGVN H.Diên Khánh (Khánh Hòa), được Thượng tọa cho biết: BTS Phật giáo H.Diên Khánh sau khi nhận được thông tin trên đã tiến hành xác minh nhân thân của người ăn mặc giống tu sĩ Phật giáo trong hình. Bước đầu BTS Phật giáo H.Diên Khánh xác nhận không có vị Tăng sĩ nào có nhân dạng giống người trong ảnh và tên “Thích N.Đ”. Mặt khác, trên địa bàn H.Diên Khánh cũng không có ngôi chùa nào có ký tự viết tắt “chùa H.H.T” như nội dung tin mà bức ảnh và nội dung tin đưa.

TT.Thích Tâm Như cũng cho biết thêm, BTS huyện cũng đã làm việc với Công an H.Diên Khánh để xác minh chiến sĩ Công an trong tấm ảnh. Thượng tá Phạm Xuân Nghị, Phó trưởng Công an H.Diên Khánh, xác nhận với BTS chiến sĩ trong tấm hình không phải là người của lực lượng Công an H.Diên Khánh và đơn vị cũng không có ai có khuôn mặt giống với chiến sĩ này.

PV tìm kiếm thông tin trên trang Zing.vn thì không thấy có bản tin có nội dung như trên được đăng từ trang điện tử này. Qua đó, có thể đánh giá đây là bức ảnh và nội dung tin được cắt ghép với nội dung không đúng sự thật; không loại trừ đây là bức ảnh được tạo ra với ác ý.

Trong thời đại phát triển công nghệ, nhất là lĩnh vực truyền thông đại chúng, bên cạnh những tin tức chính xác và khách quan đến bạn đọc, thì cũng có vô số những tin - ảnh không đúng sự thật, tin giả (fake news) ác ý và gây phương hại cho nhiều cá nhân, tổ chức, trong đó có đạo Phật. Vì thế người tiếp nhận thông tin cần tỉnh táo khi đọc và chia sẻ tin tức qua các ứng dụng mạng xã hội.

P.Đăng

Bạn có like, share có trách nhiệm?

Like, share có trách nhiệm là vấn đề được đặt ra trước tình trạng tin giả, tin sai sự thật nhưng cộng đồng không hề có ý thức kiểm tra đã vội nhấn nút quan tâm, chia sẻ, góp phần làm cho cái xấu, cái không thật được lan tỏa, có thể gây hậu quả nghiêm trọng, đánh mất niềm tin vào cuộc sống.

Theo khảo sát của Chương trình nghiên cứu Internet và xã hội (VPIS), các trường hợp phát ngôn gây thù ghét của người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam thể hiện tập trung: nói xấu, phỉ báng (61,7%), vu khống, bịa đặt thông tin (46,6%), kỳ thị dân tộc (hơn 37%), kỳ thị giới tính (hơn 29%), kỳ thị khuyết tật (21,7%), kỳ thị tôn giáo (hơn 15%).

Bạn đọc có suy nghĩ gì về những thông tin không thật hay chỉ là một phần nhỏ sự thật được khai thác trên mạng xã hội, một số báo hiện nay? Chia sẻ và góc nhìn trao đổi có thể gửi về: onlinegiacngo@gmail.com.

GNO

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.