1
Vừa được nghỉ học, khi mà các bạn cùng lứa gói ghém hành lý, nôn nao về quê đón Tết thì nhóm tình nguyện các bạn lại động viên nhau rằng: "Năm nay chúng mình phải cố gắng nén lòng ham vui lại hen. Chúng mình về quê ăn Tết muộn một tí xong lại lên Sài Gòn sớm tí để mà còn kịp chia sẻ hạnh phúc đầu xuân với các cụ, các bạn vỉa hè". Ngạc nhiên là khi nghe nói vậy thì nhóm các bạn trẻ ấy đều nhất trí đồng ý và ủng hộ. Thế thì điều gì đã làm cho các bạn có suy nghĩ như vậy?
Trả lời cho câu hỏi đó, Thái Thuận, Chủ nhiệm CLB chia sẻ: "Trước Tết trong lần mình cùng nhóm đi phát cơm từ thiện cho các cụ ở quận Tân Bình (TP.HCM). Khi nhìn thấy mình từ xa đi lại, trên tay cầm những hộp cơm, món quà mừng xuân, biết là tặng cho họ, nên ai cũng mừng. Thấy họ vui, mình cũng mừng nhưng cái mừng chưa được một phút thì mình lại nghẹn ngào khi nghe các cụ hỏi mình, giờ phát quà vậy sau Tết có phát nữa không? Nghe những câu nói thấm tình như thế mà mình cùng các bạn trong nhóm không sao cầm lòng được".
Và khi hỏi các cụ: "Nếu sau Tết mà các con tặng quà vào mùng 6 thì cụ có vui không". Đáp lại lời bé tình nguyện, cụ Tân, quê ở Quảng Ngãi đáp: "Có quà và với tấm chân tình của các cô chú sinh viên tình nguyện là chúng tôi vui rồi. Quý hóa lắm!". Nói rồi cụ nắm chặt tay tình nguyện viên như gửi một lời cảm ơn, một lời chúc phúc đầu năm.
2
Chính vì những lời nói chân thành, xúc động như vậy mà các bạn trong nhóm về đã ngồi lại cùng nhau lên kế hoạch, vận động bà con trong gia đình, bạn bè thân thuộc gom góp tiền để mua quà, bánh mong gửi được chút hương vị những ngày Tết muộn đến cho các cụ. Nhìn thấy các bạn lăng xăng tìm cách vận động, gõ cửa từng nhà hảo tâm, không tiếng than thở nào và cùng vì một lẽ: "Lỡ trót yêu rồi thì phải chịu thôi. Có ai ngờ chỉ một lần làm từ thiện, một lần đến với các cụ mà mình lại yêu và thương đến thế, do vậy nên tụi mình sẽ cố gắng làm gì được cho các cụ thì cố hết sức mà làm", bạn Trâm chia sẻ.
Những trái tim đồng cảm và sự yêu thương của các bạn trong CLB không dừng lại ở việc tặng quà ở Sài Gòn mà còn mở rộng hơn nữa. Phương châm ấy có nghĩa là ngoài thực hiện chương trình ở đây, các bạn trong CLB còn liên kết với các vùng miền để nhân rộng chương trình cho tình thương đồng loại ngày một rộng hơn, lớn hơn để chia sẻ nhiều hơn nữa với những mảnh đời còn khó khăn. Những bước chân, vòng tay của các bạn sẽ lan tỏa như chính cái tên của nhóm – Dấu Chân Việt, sẽ để cho hành trình yêu thương không bao giờ ngừng nghỉ. Trưởng nhóm Thái Thuận cho biết: "Tôi mong và tin rằng Dấu Chân Việt sẽ đi từ Đông đến Tây Nam Bộ, âm thầm đến Tây Nguyên, dần dần ra tới Bắc".
Trong dòng cảm nhận ấy, tôi có cảm nghĩ rằng công việc các bạn đang làm cứ như là dòng nước ngọt đang lặng lẽ chảy về nguồn để rồi những mạch nước ngầm ấy đổ về. "Nó chạm vào trái tim chúng tôi, chạm vào ý thức của chúng tôi, cho chúng tôi biết rằng trong cuộc sống này, đâu đó trên con đường, góc hẻm các con phố, hình ảnh các cụ già, em bé lang thang không nhà, không Tết vẫn còn nhiều, nhiều vô số kể. Và họ cần lắm tình thương của chúng ta. Dù chỉ là sự hỏi thăm, động viên hay một món quà nho nhỏ cũng đủ làm ấm lên cái tình người, làm xua đi cái cô đơn, cái buồn, cái tủi của niềm hạnh phúc cuối đời không trọn vẹn", các thành viên của Dấu Chân Việt tâm niệm.