Dấu ấn Phật giáo trên vùng đất Quảng Trị

Chùa Cam Lộ - Ảnh: Q.T
Chùa Cam Lộ - Ảnh: Q.T
0:00 / 0:00
0:00
GN - Nói đến địa danh Quảng Trị chắc hẳn ai cũng nghĩ ngay đến một địa phương mà từ trong lịch sử sơ khai cho đến hôm nay đã trải qua nhiều biến cố, chịu nhiều thiệt thòi vì chiến tranh và thiên tai.

Trong suốt chiều dài lịch sử đó, Phật giáo đã gắn liền với vùng đất này và để lại nhiều dấu ấn quan trọng.

Từ khi chúa Tiên Nguyễn Hoàng vào Nam lập nghiệp (thế kỷ XV), những bước chân của người Việt trong quá trình Nam tiến cũng ngày càng rầm rộ hơn, và tỏa đi khắp nơi, họ dựng chùa lập miếu, định hình thiết chế văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo đình - chùa - miếu - vũ. Chính điều đó cũng khiến cho Phật giáo Quảng Trị do đó mang đậm nét dân gian, hình thành nên tính cách thuần lương, hiền hậu của người dân ở xứ sở này.

Quảng Trị cũng là vùng đất xuất hiện nhiều cao tăng, thạc đức là các vị Tổ sư khai sáng nhiều ngôi chùa, tổ đình nổi tiếng như tổ đình Từ Hiếu, tổ Đình Hải Đức, tổ đình Vạn Phước ở cố đô Huế, tổ đình Sắc tứ Tịnh Quang (Ái Tử)…

Thời kỳ chống Mỹ, vùng đất Quảng Trị một lần nữa lại chịu thiệt hại nặng nề do chiến tranh gây ra. Phật giáo Quảng Trị cũng chịu chung hoàn cảnh, hầu hết chùa chiền, ngôi thì bị chiến tranh bom đạn tàn phá, cơ sở thì do thiên tai bão lụt làm hư hại. Cũng chính lúc khó khăn đó, Phật giáo Quảng Trị đã để lại một dấu ấn vô cùng đặc sắc, đó là hệ thống tổ chức Gia đình Phật tử hình thành và phát triển rất lớn mạnh. Chính nhờ tâm huyết này mà sau khi hòa bình lập lại, các thế hệ cha ông dẫu còn nhiều khó khăn nhưng cũng tìm mọi cách để phục dựng lại hình ảnh ngôi chùa trên quê hương để làm nơi nương tựa tâm linh cho bà con mà cũng là làm nơi sinh hoạt văn hóa và giáo dục chân-thiện-mỹ cho thanh thiếu đồng niên trong làng quê.

Dù lúc thịnh lúc suy theo sự hưng vong của thời cuộc, nhưng chưa bao giờ Phật giáo phai mờ đi trong lòng của người Quảng Trị, niềm tin chắc thật của người dân vào Tam bảo đã là một nét son được lịch sử ghi nhận qua các thời kỳ. Cũng từ dấu ấn và niềm tin này mà trong khoảng gần hai thập niên trở lại đây, hình bóng Tăng Ni đã xuất hiện ngày mỗi đông trên đất Quảng Trị, GHPGVN tỉnh Quảng Trị cũng ngày càng mạnh mẽ hơn lên. Qua nhiều nhiệm kỳ, từ những nhiệm kỳ đầu chỉ một vài vị Tăng (chưa có Ni), cho đến hôm nay Phật giáo Quảng Trị đã có gần 500 Tăng Ni là trú trì, trú xứ và Tăng chúng. Trong tổ chức Giáo hội, BTS Phật giáo tỉnh và các ban, ngành, Tăng Ni cũng đã tham gia đông đảo, chiếm tỷ lệ trên 80%, những Phật sự trọng đại của Giáo hội cũng đã hoàn thành tốt đẹp.

Hòa thượng Thích Thiện Tấn, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Trị

Hòa thượng Thích Thiện Tấn, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Trị

Trước thềm Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh Quảng Trị lần thứ VII (tổ chức vào ngày 21 - 22-3-2022 tại tổ đình Sắc tứ Tịnh Quang, tiểu khu 3 thị trấn Ái Tử) chia sẻ với báo Giác Ngộ về những thành tựu của Phật giáo tỉnh nhà, Hòa thượng Thích Thiện Tấn, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Trị cho biết: “Trước hết đó là sự đoàn kết rất cao trong đại chúng, Tăng, Ni và các cư sĩ Phật tử tham gia Ban Trị sự và các ban, ngành, trên dưới đề huề, sức mạnh của Tăng đoàn là sức mạnh của sự đoàn kết và tình thương, đây là cơ sở để thành tựu được nhiều Phật sự trọng đại của tỉnh nhà”.

Hòa thượng nêu ví dụ hai sự kiện quan trọng được tổ chức thành tựu viên mãn là Đại giới đàn Chí Khả và Đại lễ Phật đản - Vesak 2019... “Như quý vị đã biết, Quảng Trị là một tỉnh nghèo, Phật giáo Quảng Trị cũng như mới ‘phục hưng’ nhưng kỳ Vesak 2019 đã tổ chức quy mô tại Trung tâm Văn hóa - Thông tin tỉnh, quy tụ được hàng vạn Tăng, tín đồ Phật tử, có nhiều chương trình lớn mà từ trước tới nay chưa có như triển lãm ảnh, văn nghệ chào mừng, và nhất là có gần 100 chiếc xe hoa được thiết kế đẹp để diễu hành tại thành phố Đông Hà và các huyện… Đó là dấu ấn của sự đoàn kết, đó là sức mạnh của Tăng đoàn”, Hòa thượng khẳng định.

Con người sẽ quyết định thành tựu của Phật sự, trước thềm Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh lần thứ VII, chia sẻ với báo Giác Ngộ về một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu là nhân sự dự kiến giới thiệu vào Ban Trị sự sẽ trình đại hội sắp tới, có gì mới so với nhiệm kỳ sắp qua, Hòa thượng Thích Thiện Tấn cho biết: Về nhân sự giới thiệu vào Ban Trị sự nhiệm kỳ 2022-2027 tại tỉnh Quảng Trị không có nhiều thay đổi.

“Bởi vì chúng tôi nhận thấy toàn thể thành viên tham gia Ban Trị sự trong nhiệm kỳ vừa qua đã có sự đồng lòng, trên dưới đồng thuận trong mọi hoạt động Phật sự do đó mà không có nhiều thay đổi. Vấn đề hiệp thương giới thiệu nhân sự vào Ban Trị sự khóa VII cũng diễn ra đúng quy trình và rất thuận lợi.

Trường hợp Hòa thượng Thích Hải Tạng (Phó Trưởng ban Trị sự kiêm Trưởng ban Tăng sự nhiệm kỳ 2017-2022 - PV) xin nghỉ không tham gia Ban Trị sự nữa, đó là sự việc rất đáng tiếc, mặc dầu chúng tôi cũng như Thường trực Ban Trị sự đã nhiều lần tha thiết vận động Hòa thượng ngồi lại, để cùng chúng tôi chăm lo Phật sự tại tỉnh nhà, nhưng Hòa thượng đã nhất định xin nghỉ, chúng tôi cũng đã trình lên Hội đồng Trị sự và đã có chỉ đạo cho chúng tôi hướng giải quyết ổn định. Còn lại vấn đề nhân sự giới thiệu vào nhiệm kỳ này vẫn đã bổ túc đầy đủ, thậm chí còn thêm những vị dự khuyết, chứ không có gì khó khăn, trở ngại”, Hòa thượng thông tin.

Hiện tại, Quảng Trị có 210 cơ sở tự viện, đã chuyển đổi danh xưng từ Niệm Phật đường sang chùa gần 70%.

Số lượng Tăng, Ni đăng ký an cư của năm trước là Tăng 124 vị, Ni 127 vị, số lượng Tăng Ni là Tăng chúng đang theo học tại các học viện và trung cấp Phật học khoảng hơn 200 vị.

Với những con số nêu trên, trải rộng khắp toàn tỉnh từ miền núi đến đồng bằng làng quê, ven biển, nhu cầu trùng tu chùa chiền rất lớn, nhu cầu học tập và nghe pháp của Tăng, tín đồ Phật tử càng lớn hơn, nhưng trong tình hình chung của cả nước, đại dịch Covid -19, đã làm cho nhiều hoạt động Phật sự của Giáo hội cũng những nhu cầu đó gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại.

Bày tỏ tâm tư về hướng hoạt động của Phật giáo tỉnh nhà, vị giáo phẩm đứng đầu GHPGVN tỉnh Quảng Trị cho biết thêm: “Có thể nói Phật giáo Quảng Trị nằm trên một vị trí địa giới trung tâm của cả nước, trước chiến tranh là tỉnh địa đầu giới tuyến, sự tàn phá của chiến tranh rất nặng nề, Giáo hội tỉnh nhà phải làm lại từ đầu, từ kiến tạo nhân sự cho đến xây dựng, phục dựng chùa chiền, nhưng nhờ sự đoàn kết một lòng nên GHPGVN tỉnh Quảng Trị hiện nay về nhân sự cũng như cơ sở cũng không thua kém gì các tỉnh bạn, nhưng chúng tôi nhận thấy, là một tỉnh trong 63 tỉnh thành của cả nước dưới sự lãnh đạo của Trung ương Giáo hội, trước hết Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Trị có kiến nghị Trung ương Giáo hội sát sao, đúng đắn khi có sự kiện nào đó phát sinh thì cần trực tiếp chỉ đạo cho chúng tôi thì công tác Phật sự mới thành tựu tốt đẹp.

Điểm thứ hai, trong nhiệm kỳ này GHPGVN Quảng Trị kiến nghị Trung ương nên chiếu cố, giúp đỡ cho Quảng Trị, là một tỉnh nhỏ, thiếu thốn về mọi bề, nhất là vấn đề hoằng pháp, vấn đề giáo dục, học tập, huấn luyện (nói chung là giáo dục Phật giáo) để tạo tiền đề cho Phật giáo tỉnh nhà trong các nhiệm kỳ sau cũng như tương lai tươi sáng của Phật giáo Quảng Trị.

Điểm thứ ba, hiện nay tại tỉnh Quảng Trị còn 2 huyện chưa có tổ chức Giáo hội cũng như cơ sở tự viện là Đắk Rông và Vĩnh Linh, mặc dầu số lượng Phật tử tại 2 huyện này rất đông đảo, nhưng chúng tôi chưa thành lập được; nhân Đại hội này, chúng tôi kiến nghị Trung ương Giáo hội can thiệp để Phật giáo Quảng Trị có đầy đủ tổ chức Giáo hội trên toàn tỉnh”.

Xin cảm ơn Hòa thượng đã dành thời gian trả lời phỏng vấn của báo Giác Ngộ.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.