Bài trên Báo Giác Ngộ số 1255 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn |
Phật giáo Champa xuất hiện sớm từ những thế kỷ đầu Tây lịch, thông qua các hiện vật được phát hiện, như hiện vật mảnh thân tượng Phật được phát hiện ở Quảng Khê có niên đại được cho vào khoảng thế kỷ IV-VI; hay qua nguồn sử liệu Trung Hoa, với những ghi chép về Phật giáo Champa khoảng thế kỷ VII bởi Thiền sư Nghĩa Tịnh (I-Tsing).
Đời nhà Tùy, vào năm 605, vua Tùy sai tướng Lưu Phương sang đánh Lâm Ấp và lấy đi nhiều của cải châu báu, trong đó bao gồm 1.350 pho kinh Phật; trong nguồn sử liệu Đại Việt (Đại Việt sử ký toàn thư), với sự kiện vua Lê Đại Hành trong cuộc bình Chiêm tiến đánh Parameśvaravarmman và đã mang về nước nhà sư Thiên Trúc đang hành đạo tại Champa; tư liệu bi ký Võ Cạnh (C.40) được phát hiện ở làng Võ Cạnh, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, được cho có niên đại cuối thế kỷ II đầu thế kỷ III (niên đại của nó vẫn còn là vấn đề đang còn tranh luận, có thể rơi vào khoảng cuối thế kỷ IV đầu thế kỷ V) là một bằng chứng về mặt văn tự ghi chép đề cập đến sự hiện diện của Phật giáo từ sớm ở Champa, hay Phật viện Đồng Dương được xem như là một trung tâm Phật giáo có quy mô lớn nhất Đông Nam Á thời bấy giờ.
Trước thế kỷ XI, khu vực miền Trung từng là vùng đất thuộc vương quốc Champa, là địa bàn cư trú của người Chăm và các nhóm dân tộc khác, để lại dấu ấn văn hóa đặc sắc, với các công trình kiến trúc đền tháp, lũy thành, và nhiều hiện vật điêu khắc bằng đá sa thạch, đồng, hay bi ký,… Đặc biệt, số lượng hiện vật về Phật giáo chiếm đa số đã được các nhà nghiên cứu, khảo cổ phát hiện và công bố từ những năm đầu thế kỷ XX đến nay đã minh chứng cho sự hiện diện một nền Phật giáo đã phát triển mạnh mẽ và song song với Bà-la-môn giáo ở vùng đất này.
Trước thế kỷ XI, vùng Quảng Bình vốn thuộc thành Indrapura, Bắc Champa, là nơi thường xuyên xảy ra các cuộc giao tranh giữa Champa với Trung Hoa, Champa với Đại Việt. Kể từ năm 1069, giai đoạn nhà Lý, vua Lý Thánh Tông đem quân chinh phạt Champa với lý do nước Champa bỏ thông hiếu bang giao, trong lần Nam chinh này của nhà Lý, vua Champa là Rudravarman III (sử Việt gọi là Chế Củ) thất bại và xin hàng trong cuộc chiến với nhà Lý, bị bắt đem về Thăng Long. Để chuộc mạng, Rudravarman III đã xin dâng 3 châu bao gồm Địa Lý, Ma Linh, Bố Chính thuộc phía Bắc Champa cho nhà Lý, kể từ đó vùng đất 3 châu này thuộc về Đại Việt (vùng đất từ dãy Hoành Sơn đến dãy Bạch Mã tương ứng với Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế ngày nay).
Về di tích và di vật
Trong những địa điểm di tích đã được các nhà nghiên cứu, khảo cổ đã phát hiện ra, phải kể đến các điểm di tích đền-tháp quan trọng liên quan đến Phật giáo Champa, đó là di tích Đại Hữu và Mỹ Đức và hang Phong Nha Kẻ Bàng (PNKB).
Văn khắc Đại Hữu, Quảng Bình |
Di tích Đại Hữu
Là di tích đền-tháp bằng gạch, thuộc thôn Đại Hữu, xã An Ninh, huyện Quảng Ninh hiện nay. Di tích này lần đầu tiên được khai quật vào năm 1918, do P. Henri de Pirey chủ trì, gồm nhiều hiện vật thu được mang dấu ấn Champa ảnh hưởng Ấn Độ giáo, trong đó phải kể đến các hiện vật có giá trị về Phật giáo như tượng Buddha (Phật) bằng đồng, các tượng bằng đồng mô tả hình tượng của Avalokiteśvara (Quan Thế Âm Bồ-tát), tượng Prajnaparamita (Trí Độ/Trí Huệ. Bát-nhã) bằng đá,... và các hiện vật quý giá khác, bao gồm một bi ký có niên đại 898-908 saka (thế kỷ IX-X) thời vua Jaya Siṅhavarmma, ghi chép về việc xây dựng và cúng hiến cho Ratna-Lokeśvara.
Di tích Mỹ Đức
Cũng như di tích Đại Hữu, di tích Mỹ Đức cũng là di tích đền-tháp với bố cục với 3 kalan (tháp chính) nằm thẳng trục Bắc-Nam với nhau, nay thuộc thôn Mỹ Đức, xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy. Di tích Mỹ Đức cũng chính Linh mục P. Henri de Pirey chủ trì khai quật đầu tiên những năm 1921-1922, cuộc khai quật đã thu được nhiều hiện vật Phật giáo như tượng Bồ-tát Prajnaparamita (Trí Độ/Trí Huệ. Bát-nhã) bằng đá sa thạch, các tượng bằng đá mô tả hình tượng của Avalokiteśvara (Quan Thế Âm Bồ-tát), tượng Padmapani (Bồ-tát Liên Hoa), tượng Phật bằng đồng, cùng nhiều hiện vật khác liên quan đến Phật giáo Champa, bao gồm cả mảnh vỡ bi ký có thuật ngữ Phật giáo: Jagadhura và Abhayada. Với những hiện vật được phát hiện có sự tương đồng về tiếu tượng học so với di tích đền-tháp Đại Hữu, có thể phỏng đoán niên đại của di tích Mỹ Đức rơi vào khoảng thế kỷ IX-X như di tích Đại Hữu.
Tượng Avalokiteśvara tại Bảo tàng Guimet, Paris |
Do thời cuộc, cả hai di tích đền-tháp Đại Hữu và Mỹ Đức nay chỉ còn là những phế tích, các hiện vật khai quật ở nơi đây đã thất lạc và chỉ còn rải rác ở các bảo tàng trong và ngoài nước. Tuy nhiên, với những hiện vật liên quan đến Phật giáo được mô tả tại hai di tích đền-tháp này cũng cho chúng ta thấy sự hiện diện Phật giáo Champa thật sự rõ nét, phát triển đồng thời với Bà-la-môn giáo Champa.
Vào khoảng cuối thế kỷ XIX, các học giả người Pháp có công đầu trong việc khám phá này là các Linh mục Cadière,Linh mục L. De. Lajonquiàre, và có những ghi chép về động Phong Nha Kẻ Bàng, với những hiện vật thể hiện dấu ấn tầng văn hóa Champa hiện diện bên trong hang động, đặc biệt số lượng lớn các hiện vật liên quan đến Phật giáo Champa, với 35 hình ảnh Phật giáo Đại thừa bằng đất nung có kích thước nhỏ với các chủ đề được thể hiện như: Phật ngồi trên đài sen, tòa tháp có các lọng ô trên đỉnh, Bồ-tát Liên Hoa Pamapani, Quán Thế Âm Bồ-tát Avalokiteśvara (L.Finot,BEFEO, 1901), cùng hệ thống văn khắc bằng chữ Phạn-Cham cổ trong hang có niên đại khoảng thế kỷ IX-X.
Ngoài hai di tích đền-tháp tiêu biểu Đại Hữu và Mỹ Đức, với những hiện vật có liên quan đến sự hiện diện Phật giáo, thì động Phong Nha Kẻ Bàng, ngoài là một kỳ quan thiên nhiên thế giới cũng là nơi lưu dấu tầng văn hóa Champa, trong đó còn có những hiện vật về Phật giáo Champa, đặc biệt là hệ thống văn khắc Champa cổ ghi chép đến việc thành lập hang động Phật giáo có niên đại 940-960 śaka.
Cùng với những hiện vật liên quan đến Phật giáo, thì ở Quảng Bình, một số bi kí (văn khắc) Champa được phát hiện cũng đóng góp về mặt văn tự mô tả đến hệ thống Phật giáo. Một số bi ký đã được các nhà nghiên cứu đọc giải mã, ví dụ như bi ký phát hiện ở hai di tích đền-tháp Đại Hữu, Mỹ Đức, bi ký Ròn,…thì văn khắc trong hang bi ký ở động PNKB, cho đến nay vẫn chưa có một công bố cụ thể nào về việc đọc giải mã hệ thống văn khắc này. Qua bài này, chúng tôi muốn thử đọc một phần (02) nội dung văn khắc này, nhằm giới thiệu và đóng góp vài thông tin thú vị liên quan đến Phật giáo Champa ở Quảng Bình thông qua hệ thống văn khắc trong động Phong Nha Kẻ Bàng.
Về nội dung các văn khắc (minh văn) được đề cập
Ghi chú:
Đối với hình ảnh sử dụng cho bản đọc - dịch đối với văn khắc trong động PNKB này được lấy từ nguồn internet đã được phổ biến rộng rãi. Bản gõ chữ số hóa nhằm bổ sung rõ hơn về nội dung đọc được chúng tôi sử dụng bộ font riêng để thực hiện.
Vì, văn khắc trong động PNKB vẫn chưa được đánh số hiệu trên hệ thống thống kê trong văn khắc Champa, nên tạm đặt tên văn khắc theo tên địa danh, nơi phát hiện ra văn khắc.
… : là nội dung minh văn không đọc được do văn khắc đã bị hư hại, bị mờ.
• : là dấu Virāma, thanh ngang đặt trên đầu ký tự phụ âm kết.
(…): Nội dung đặt trong dấu () thể hiện lối đọc giả định, hay phục hồi.
Văn khắc Phong Nha, Quảng Bình |
1. Minh văn trong động Phong Nha Kẻ Bàng, thuộc làng Phong Nha, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch.
- Về chữ Chăm cổ được khắc trong động Phong Nha Kẻ Bàng - Quảng Bình (01).
Tạm đọc:
(1) niy• kāla pu cīy yām̃ duvā
(2) kā yāṅ• pu śākyāmūniḥ
(3) kāla raja yām̃ po kū
(4) śrī garama
(5) pūjāvīla
(6) śakaraja 940
Tạm dịch:
(1) nơi đây vị hoàng tử xin gửi lời nguyện cầu đến
(2) vị thần chủ Śākyāmūniḥ
(3) [đã được] đức vua YPK
(4) Śrī Garama
(6) [lập] hang thờ
(7) vào năm 940 Śaka
Diễn giải: Dòng văn khắc trong động Phong Nha-Kẻ Bàng ghi lại sự kiện, một vị hoàng tử đã cử hành nghi lễ đối với vị thần chủ Thích Ca Mâu Ni, mà cha của Ngài là đức vua YPK Śrī Garama đã lập hang thờ này vào năm 940 śaka.
Dựa vào câu văn được khắc trong hang, có thể thấy nơi đây vốn là hang thờ hệ phái Phật giáo Champa trước và sau thế kỷ XI.
Về văn khắc Champa được khắc trong hang Phong Nha Kẻ Bàng (2)
Cùng với văn khắc (1) trước đó, văn khắc này được khắc/viết bằng ngôn ngữ Sanskrit và Chăm cổ, văn khắc này gồm 4 dòng.
Tạm đọc:
(1) niy•kāla puliy•mahāmakā
(2) senāpati disaiṅ•vā śāmlayāṅā pū po
(3) śāśu 960
(4) valānāñta
Tạm dịch:
(1) Đây, tại thời điểm này, [từ] ngôi làng Makā vĩ đại
(2) vị đứng đầu [của hệ thống] kiến thức thiêng liêng đã chuyển hóa P.P
(3) vào năm [trị vì] 960
(4) trong hang tu này
Diễn giải: Vào năm mà vị vua đang trị vì 960 [śaka], một vị đứng đầu hệ thống trí tuệ thiêng liêng [minh triết thiêng liêng] đến từ làng Makā vĩ đại, đã thực hiện sự chuyển hóa tối cao của mình bằng thiền định trong hang tu này.
2. Văn khắc Đại Hữu, mang ký hiệu C.171 phát hiện tại di tích Đại Hữu, văn khắc gồm 3 dòng được khắc bên trên mảnh vỡ của “vòi” Yoni. Bản đọc-dịch đã được Louis Finot và Victor Goloubew công bố trên BEFEO XXV (1925) trang 472-474. Nội dung minh văn ghi chép lại về việc vị vua Jaya Siṅhavarmmadeva đã xây dựng ngồi đền tháp và cúng hiến bức tượng bằng bạc cùng nhiều lễ vật quý khác cho Ratna-Lokeśvara bởi trí huệ và lòng từ bi của Ngài tại vùng đất có tên Vṛddha Ratnapura.
3. Văn khắc Mỹ Đức, mang ký hiệu C.172, được phát hiện tại di tích đền-tháp Mỹ Đức. Bản đọc-dịch đã được Louis Finot và Victor Goloubew công bố trên BEFEO XXV (1925) trang 474-475. Mảnh văn khắc chỉ còn lại hai dòng, trên đó có ghi hai thuật ngữ liên quan đến Phật giáo là “jagadguru” (người thầy của thế gian) và “abhayada” (người ban sự vô uý). Tuy rằng mảnh minh văn còn lại chỉ hai dòng, nhưng đã bổ sung yếu tố Phật giáo thông qua minh văn của quần thể đền-tháp Mỹ Đức.
4. Bi ký Ròn, mang ký hiệu C.150 được Charles-B. Maybon phát hiện vào đầu thế kỷ XX gần cửa Ròn, thuộc huyện Quảng Trạch. Minh văn gồm bốn dòng khắc bằng ngôn ngữ Chăm cổ trên một rầm cửa bằng đá granite, đề cập đến việc cúng dường đất đai của một vị vua (tên của vị vua đã không còn đọc được) dành cho Bồ-tát Dāmaresvara (làm chủ các Pháp: thân-khẩu-ý), nội dung văn khắc đã được Édouard Huber giới thiệu trong BEFEO XI (1911), trang 267, và Majumdar, trang 225-226.
Tạm đọc:
namaḥ tasmai bhāgavate śrī ḍāmareśvarāya tilvit-kṣetraṃ pār-ksetrani tradvaḥ ...
(2) ... kṣetraṃ etat sarvvaṃ vrah vihāradravyaṃ dvīśatamāṇaṃ pañcāśadadhikaṃ śrī...
(3) rājena ... bhaktimatā dattam iti / ye rakṣanti ...
(4) ... ye nāśayanti...
Tạm dịch:
Xin kính lễ đến thần Śrī Ḍāmareśvara, các cánh đồng Tilvit, Pār, Ttradvaḥ… cánh đồng …, tất cả những vùng đất này thuộc về tu viện với 2.500 đơn vị được [vị vua] Śrī … ban tặng với sự thành tâm.
Những ai gìn giữ…, những ai phá hủy…
Bi ký Ròn, Quảng Bình |
Trong số hơn 200 văn khắc Champa được phát hiện, thì số lượng văn khắc liên quan đến Phật giáo chiếm con số khiêm tốn chỉ khoảng 8 văn khắc phân bố rải rác đều khắp Champa, trong đó văn khắc phát hiện tại Quảng Bình chiếm 4 văn khắc, niên đại tập trung khoảng thế kỷ IX-X. Tuy rằng, số lượng bi ký được phát hiện ở Quảng Bình cho đến nay còn ít. Nội dung đa phần ngợi ca, tôn kính Phật Thích Ca Mâu Ni (Śākyāmūniḥ), ca ngợi lòng từ bi, trí huệ của Quán Thế Âm Bồ-tát (Avalokiteśvara), của Ratna-Lokeśvara,... những nội dung này đã bổ sung những cơ sở giá trị về mặt văn khắc sớm đồng thời cùng với những di tích và hiện vật liên quan đến Phật giáo Champa, minh chứng cho một trung tâm Phật giáo có giá trị đứng sau Phật viện Đồng Dương, với hai dòng Phật giáo chính là dòng Nam truyền và dòng Bắc truyền, mà hệ Kim cương thừa (Vajrayāna). Dấu ấn Phật giáo Champa ở Quảng Bình là một minh chứng cho con đường du nhập và lan truyền Phật giáo qua các nước Đông Nam Á sớm thông qua con đường trực tiếp Nam truyền và gián tiếp Bắc truyền (Kim cương thừa) từ ngả Trung Hoa.