Thêm 5 di sản Phật giáo là bảo vật quốc gia

Thêm 5 di sản Phật giáo là bảo vật quốc gia
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Ngày 18-1-2024 vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 73/QĐ-TTg công nhận 29 bảo vật quốc gia đợt 12. Trong đó, Phật giáo có 5 hiện vật nằm trong danh sách được công nhận bảo vật quốc gia lần này.

Bộ tượng Tam thế Phật chùa Côn Sơn

Chùa Côn Sơn (còn gọi là chùa Hun), tọa lạc tại xã Cộng Hòa, H.Chí Linh, tỉnh Hải Dương, được khởi dựng vào thời Trần do Tổ Huyền Quang trụ trì, là một trong những điểm nhấn đặc biệt của những ngôi chùa thuộc Phật phái Trúc Lâm.

Trên cùng của tòa Tam bảo của chùa Côn Sơn có hai hàng tượng Phật độc đáo, gồm bộ Tam thế Phật và bộ Di-đà Tam tôn. Do kích thước quá lớn (cao tới 2,9m, Pho tượng giữa của bộ Di-đà Tam tôn được chuyển bài trí lên lớp trên cùng, ngồi giữa hai pho Tam thế tạo sự khác biệt so với các ngôi chùa khác. Trong khi pho giữa của bộ Tam thế thì chuyển xuống hàng dưới.

Các pho Tam thế ngồi tự nhiên theo cách kiết-già hàng ma, kích thước cao 120cm.

Bộ tượng Tam thế Phật chùa Côn Sơn với tạo hình độc đáo, kế thừa phong cách tạo tượng từ thời Lý
Bộ tượng Tam thế Phật chùa Côn Sơn với tạo hình độc đáo, kế thừa phong cách tạo tượng từ thời Lý

Tam thế Phật tại chùa Côn Sơn là bộ tượng có phong cách riêng rất đặc biệt, khác hẳn phong cách của các tượng khác trong chùa, đồng thời cũng là những tượng có niên đại xưa nhất của chùa này.

Các tượng thuộc bộ Tam thế Phật chùa Côn Sơn đều có gương mặt tự nhiên, chưa bị cường điệu để gắn với nhiều chi tiết cao quý do người thời sau thường áp đặt. Trên đỉnh đầu tượng nổi lên huyệt đạo, với một hình tròn bẹt ở phía trên nhục kháo. Đặc biệt, áo cà-sa như chỉ có một lớp, và còn bó sát người như kế thừa từ phong cách nhà Lý (có ảnh hưởng từ dòng nghệ thuật miền Bắc Ấn Độ), với các chi tiết nổi bật như tạo thành hõm rõ rệt ở giữa cánh tay và thân, đồng thời các nếp áo còn ít, không quá nhiều như ở tượng từ thế kỷ XVII về sau.

Điểm đặc biệt trong bộ tượng Tam thế Phật chùa Côn Sơn, là các tượng được thể hiện hở vai phải. Cách thức tạc trang phục kiểu này rất giống với phong cách tượng Phật Nam tông (phổ biến ở các chùa Khmer Nam Bộ, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar), và rất hiếm gặp trong các ngôi chùa ở miền Bắc ngày nay.

Cổ tay phải để trần được đeo vòng anh lạc (vòng đeo cổ) được thao diễn bằng hình thức chạm nổi trên ngực tượng theo phong cách thời Mạc. Các tượng chỉ lộ một bàn chân phải, cách thể hiện này thường được tạc khi xã hội đang gặp nhiều trắc trở, hoặc khi đang có chiến tranh, loạn lạc; khác với tư thế ngồi kiết tường chỉ lộ bàn chân trái thường được tạc lúc đó xã hội thanh bình. Tay tượng kết ấn tam muội cũng gọi là ấn “giới định” hoặc “pháp giới định”.

Đài sen các tượng ngồi có 5 lớp cánh (ba lớp chính ngửa lên cùng một lớp phụ, còn lớp dưới cùng thì úp xuống). Các cánh sen của phong cách Mạc khá lớn, múp phồng và vênh hẳn nửa cánh ra khiến tính điêu khắc càng được nhấn mạnh hơn. Trung tâm của mỗi cánh sen chính thường có một hoa cách điệu được kết bởi các hạt to nhỏ khác nhau, theo nghiên cứu mỹ thuật truyền thống gọi là “hoa mặt nhẫn”.

Theo các nhà nghiên cứu, bộ Tam thế trên Phật điện chùa Côn Sơn đã đạt được những giá trị đặc biệt về cả niên đại, lịch sử tạo dáng rất hiếm và quý, là tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng về giá trị thẩm mỹ tiêu biểu cho một khuynh hướng, một phong cách, một thời kỳ lịch sử.

Bộ mộc bản của chùa Trăm Gian

Chùa Trăm Gian ở thôn An Đông (xã An Bình, H.Nam Sách, Hải Dương) được hình thành cách đây khoảng 1.000 năm, từng là một ngôi chùa lớn, trung tâm Phật giáo của cả nước, trường dạy kinh Phật cho hàng nghìn Phật tử. Tương truyền chùa có từ thời Lý (khoảng thế kỷ XI). Đến triều nhà Lê, ngôi chùa được xây dựng với quy mô lớn và trở thành nơi đào tạo Tăng tài, in ấn kinh sách.

Ngày nay tại chùa Trăm Gian còn lưu giữ được hàng trăm cổ vật có giá trị như các pho tượng Phật có niên đại thời Lê và thời Nguyễn, trong đó có tượng Trúc Lâm Tam tổ... Chùa Trăm Gian còn nổi tiếng với hơn 700 mộc bản kinh Phật thuộc 7 đầu sách kinh. Trong đó, có 2 đầu sách là Di-đà sớ sao (kinh giảng về cõi Tây phương Cực lạc) và Nhân vương hộ quốc (lời Phật dạy cho các bậc quân vương, hoàng thân quốc thích về cách cai quản đất nước) đã thất lạc nhiều bản.

Còn 5 đầu sách giữ được trọn vẹn là Giới đàn Tăng (dành cho các nhà sư lên chức thụ giới), Giới đàn Ni (dành cho các Ni lên chức thụ giới), Dược sư đề cương (sách thuốc), Nhật tụng (khóa lễ hàng ngày). Đặc biệt là bộ Khóa Hư lục - pho sách Phật giáo của Việt Nam do Trần Thái Tông (1218-1277) biên soạn.

Số mộc bản kinh Phật này được nhà sư Viên Giác cho khắc từ thời vua Minh Mạng (1791-1841) đến thời vua Tự Đức (1829-1883). Chữ được khắc trên các mộc bản thuộc sách Nhật tụng một nửa là chữ Hán, một nửa là chữ Nôm, còn tất cả chữ khắc trên các mộc bản khác là chữ Hán.

Mộc bản chùa Dâu

Tại chùa Dâu (H.Thuận Thành, Bắc Ninh) hiện còn lưu giữ được bộ mộc bản Cổ Châu Phật bản hạnh do Thiền sư Tính Mộ, trụ trì chùa Dâu thuê thợ khắc vào năm Cảnh Hưng thứ XIII (1753). Bộ mộc bản có 21 tấm, mỗi tấm có kích thước lòng là 22x15cm, mỗi ván khắc có 12 dòng chữ, mỗi dòng có câu lục và câu bát. Theo các nhà nghiên cứu, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đây là bộ ván khắc cổ nhất còn được lưu giữ trong cơ sở thờ tự Phật giáo.

Mộc bản chùa Dâu (Bắc Ninh)

Mộc bản chùa Dâu (Bắc Ninh)

Toàn bộ văn bản Cổ Châu Phật bản hạnh gồm 426 cặp lục bát. Tác phẩm văn vần lục bát này được khắc ván in cùng một lúc với một tác phẩm khác bằng văn xuôi chữ Hán (có kèm theo lời dịch sang chữ Nôm) với tên gọi là Cổ Châu Pháp Vân Phật bản hạnh ngữ lục. Nội dung tác phẩm kể về sự tích Đức Phật chùa Dâu - bà Man Nương. Truyền thuyết đó cùng với hình tượng Phật Mẫu Man Nương và các vị Phật thuộc hệ Tứ pháp được truyền đi truyền lại, là tín ngưỡng sâu sắc của con cháu vùng châu thổ sông Hồng và ăn sâu vào tâm thức người dân Việt bao đời nay.

Bộ sưu tập cột kinh Phật thời nhà Đinh

Bảo tàng Ninh Bình đang lưu giữ bộ sưu tập hiện vật cột kinh Phật thời Đinh gồm 49 đơn vị hiện vật (gồm cột kinh và những bộ phận cột kinh). Mỗi cột kinh đều được tạo từ chất liệu đá xanh, gồm chân tảng, chân đế, thân cột, thớt đệm, đài sen và búp sen. Các phần được ghép với nhau bằng ngõng, mộng, dựng thẳng đứng, không sử dụng chất kết dính.

Qua hơn 1.000 năm, các cột kinh Phật thời Đinh vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt” dù minh văn đã mòn đi ít nhiều, vẫn là những hiện vật có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, tôn giáo. Cho đến nay, đây là nguồn sử liệu thành văn duy nhất được lập dưới triều Đinh còn hiện diện. Nội dung minh văn cung cấp nhiều thông tin lịch sử quý giá. Văn tự chữ Hán trên cột kinh không chỉ phản ánh sự kiện lịch sử mà còn nói lên sự phát triển của chữ viết thế kỷ X.

Bộ sưu tập cột kinh đá thời Đinh

Bộ sưu tập cột kinh đá thời Đinh

Đây chính là bia ký có niên đại sớm nhất của thời kỳ phong kiến tự chủ đã phát hiện được từ trước đến nay. Sử liệu học chia sử liệu thành hai loại hình chính là “sử liệu vật thật” và “sử liệu thành văn”. Cột kinh Phật thời Đinh mang cả hai loại hình sử liệu này. Các mặt cột kinh khắc “Phật Đỉnh Tôn Thắng Đà-la-ni”, là bộ chú rất phổ biến của Phật giáo Mật tông, đã chứng minh rõ sự hiện diện của Phật giáo Mật tông ở kinh đô Đại Cồ Việt trong thế kỷ X.

Cột kinh thời Đinh ở Ninh Bình còn độc đáo ở sự khéo léo và thị hiếu tinh tế trong phong cách thẩm mỹ tạo hình. Mỗi cột kinh đều được lắp ghép từ sáu phần, trong đó mỗi bộ phận có chức năng riêng biệt, có hình khối tỷ lệ hài hòa, có sự chuyển đổi khối hình và đường nét mềm mại giữa các bộ phận… Kỹ thuật độc đáo ghép mộng để dựng cột kinh không chỉ đòi hỏi kỹ thuật mà còn cần cả tư duy thẩm mỹ. Các chi tiết chạm khắc chữ trên cột kinh cũng in dấu bàn tay khéo léo của những người thợ đá.

Bia Đại Bi Diên Minh tự bi

Bia Đại Bi Diên Minh tự bi (bia đá chùa Đại Bi) là tấm bia đá cổ quý hiếm thuộc chùa Đại Bi (xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên). Bia được làm từ đá xanh nguyên khối (hình chữ nhật dẹt), được khắc dựng vào thời Trần năm 1327. Bia còn khá nguyên vẹn, phần đế bia đã bị mất chỉ còn 2 phần trán bia và diềm bia. Bia được tạo tác hoàn toàn bằng kỹ thuật điêu khắc đá thủ công truyền thống.

Diềm trán bia và diềm hai bên đều chạm hình hoa cúc dây uốn lượn hình sin, ở dưới chân bia chạm sóng nước hình núi. Biểu tượng ngọc sáng cách điệu (ngọc báu) đứng riêng lẻ trên trán bia mặt sau. Đây là sự khác biệt độc đáo ít xuất hiện trên các tấm bia cùng thời. Bia chùa Đại Bi là tài liệu quý, phần nào cho thấy diễn biến của nghệ thuật trang trí điêu khắc đá Việt Nam, góp phần lấp khoảng trống trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam vào khoảng thời gian gần như trống vắng hoàn toàn các di tích nghệ thuật thời Lý kể từ sau bia chùa Linh Xứng (Thanh Hóa).

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.