Dấu ấn 65 năm của Giáo đoàn III - Hệ phái Khất sĩ: Ôn cố, tri tân

Chư Tăng Giáo đoàn III - Hệ phái Khất sĩ buổi đầu thành lập
Chư Tăng Giáo đoàn III - Hệ phái Khất sĩ buổi đầu thành lập
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Năm 2022, Giáo đoàn III - Hệ phái Khất sĩ bước vào cột mốc quan trọng – 65 năm hình thành, phát triển - với dấu ấn đặc biệt của người sáng lập cùng sự chung tay của nhiều thế hệ Tăng Ni, Phật tử...

Gương hạnh người sáng lập

Giáo đoàn III do Đức Thầy Giác An thành lập năm 1957, là một trong 6 giáo đoàn Tăng và Ni giới Khất sĩ cùng sinh hoạt, tu tập trong tông môn Hệ phái Khất sĩ. Giáo đoàn III đa phần hoạt động tại vùng duyên hải miền Trung và Tây nguyên.

Đức Thầy Giác An thế danh Nguyễn Văn Ngàn, sinh năm Tân Sửu (1901) tại làng Hòa Long, tổng An Thới, quận Lai Vung, tỉnh Sa Đéc, nay thuộc tỉnh Đồng Tháp. Trong biến cố chung của đất nước có nỗi đau của gia đình. Đặc biệt, năm 1945, khi còn trong hình thức cư sĩ, trải qua cảnh mất người vợ thân yêu, người nghĩ đến cảnh vô thường giả ảo, thời cuộc chuyển xoay, rồi lập chí tìm phương trên đường chân thiện.

Lúc bấy giờ, trong gần 4 năm ở chùa An Phú (cách tỉnh thành khoảng 500m), người làm thầy thuốc Nam chữa bệnh khắp miền Sa Đéc, cứu độ nhân sinh vô số kể. Năm 1949, Đức Tổ sư Minh Đăng Quang hành đạo đến đây. Cùng năm đó, sau khi ngôi tịnh xá Ngọc Quang (bên cạnh chùa An Phú) thành lập, Đức Tổ sư Minh Đăng Quang thế phát, thọ ký và pháp danh cho ngài là Giác An.

Sau 3 năm theo Thầy học đạo, ngài được truyền y bát vào năm Tân Mão (1951) tại tịnh xá Ngọc Viên (Vĩnh Long). Từ đó ngài sống và hành trì phạm hạnh của người Khất sĩ theo tinh thần “sống chung tu học”.

Kiết-già viên tịch: Mùa Vu lan năm Tân Hợi (1971), khi giờ Tự tứ gần xong, ngài đưa tay vỗ lên đầu ba cái rồi chỉ thẳng lên trời điềm nhiên viên tịch lúc 3 giờ 30 sáng 16-7 âm lịch, tại tịnh xá Ngọc Cát (Phan Thiết), trong tư thế kiết-già.

Nhờ công hạnh đầy đủ, giới đức trang nghiêm, ngài được Giáo hội cho thọ giới Tỳ-kheo dịp rằm tháng Bảy năm Ất Mùi (1955) tại tịnh xá Ngọc Phước (Cần Thơ). Tám năm sống chung với Giáo hội hành đạo khắp các tỉnh miền Nam, ngài gặp nhiều chướng duyên, trong đó có nghiệp khảo bị bắt bớ giam cầm, tù đày đánh đập…

Khi hay tin Tổ sư Minh Đăng Quang lâm nạn, ngài cùng 7 huynh đệ đồng tu nguyện dấn thân vào cõi ngục hình để tìm Thầy. Mãi sau 3 tháng, 8 huynh đệ được thả về, còn Đức Tổ sư Minh Đăng Quang thì vắng bóng đến nay. Dù vậy, ngài vẫn giữ vững lý tưởng thuần chân, tiếp nối con đường hành đạo, giáo hóa nhân sinh.

Nói đến Đức Trưởng lão Giác An là nói đến một vị Thầy với hạnh nguyện bố thí Ba-la-mật, xả thân thực hành Đạo pháp, không màng lợi danh phú quý, phục vụ nhân sinh với 12 lời nguyện:

1. Tôi phát nguyện cái thân này cúng dường chư Phật; 2. Tôi phát nguyện cái thân này để cứu độ chúng sanh; 3. Tôi phát nguyện cái thân này để làm lợi ích cho chúng sanh; 4. Tôi phát nguyện cái thân này không làm ai khổ hết; 5. Tôi phát nguyện cái thân này không làm ai buồn giận hết; 6. Tôi phát nguyện cái thân này cho chúng sanh tiến đường tu; 7. Tôi phát nguyện cái thân này không bỏ ai hết; 8. Tôi phát nguyện cái thân này không làm ác ai hết; 9. Tôi phát nguyện cái thân này sẽ không thành Phật; 10. Tôi phát nguyện cái thân này chừng nào hết chúng sanh tôi sẽ thành Phật sau; 11. Tôi phát nguyện cái thân này theo Phật đời đời kiếp kiếp để độ chúng sanh; 12. Tôi phát nguyện dùng cái thân này để cầu nguyện cho thế giới được hòa bình, chúng sanh an lạc, dứt khỏi đao binh.

Khai mở giáo đoàn III

Với đại nguyện độ đời, giáo hóa chúng sanh, Đức Thầy Giác An cùng Tăng đoàn Khất sĩ hành đạo tại miền Trung, rồi dừng lại ở ngọn đồi Phan Thiết, tục danh là Động Làng Thiền. Tại đây, ngài thâu nhận đệ tử xuất gia, lập thành Giáo đoàn III Tăng-già Khất sĩ, kiến tạo tịnh xá - làm nền tảng cho việc tu học.

Theo đó, trong suốt 20 năm hoằng pháp, dù gặp nhiều khó khăn thử thách nhưng ngài cũng đã tạo lập gần 20 ngôi tịnh xá ở khắp các tỉnh miền Trung, Tây nguyên. Trong đó Ngọc Tòng (Lương Sơn, Nha Trang) là ngôi tịnh xá cuối cùng cất lập vào năm 1966 được ngài đặt làm trụ sở TỔ ĐÌNH NAM TRUNG (trụ sở của Giáo đoàn III). Ngài là vị đệ tử đầu tiên của Tổ sư chấp nhận cho Ni vào Tăng đoàn và rất từ bi khi bảo ban, dạy dỗ chư Ni.

Đức Thầy Giác An còn lưu tâm đến từ thiện xã hội, như cứu trợ nạn lụt miền Trung năm 1964, ủy lạo các quân lao, bệnh viện... Ngài làm Phật sự theo tinh thần từ bi bác ái, không ngoài mục đích cứu độ nhân sinh.

Ngài đã được tôn cử Đệ nhị Phó Tăng chủ Giáo hội Tăng-già Khất sĩ Việt Nam tại Đại hội toàn quốc vào ngày 18-5-Tân Hợi (10-6-1971), tổ chức tại tịnh xá Trung Tâm, Hội sở Trung ương. Đức Thầy Giác An được biết đến là vị Đại đệ tử nối chí Tổ Thầy, mang hạnh nguyện Bồ-tát, quên mình phục vụ chúng sanh.

Tiếp nối tổ thầy

Trong suốt hành trình 65 năm hình thành, phát triển, hiện Giáo đoàn III hoàn thiện cơ cấu quản lý nội bộ Tông môn gồm Ban Chứng minh và Ban Tri sự theo mô hình của Ban Trị sự các tỉnh thành của GHPGVN. Ban Tri sự gồm: Tri sự trưởng; các Tri sự phó; bộ phận Thư ký và 10 ban chuyên môn điều hành các Phật sự trong Giáo đoàn gồm Tăng sự, Hoằng pháp, Kiểm soát, Giáo dục, Nghi lễ, Từ thiện, Kinh tế Tài chánh, Văn hóa, Truyền thông, Hướng dẫn Phật tử.

Theo thống kê, hiện nay Giáo đoàn có 164 ngôi tịnh xá, tịnh thất, trong đó chính thức 90 ngôi, chưa chính thức 74 ngôi; với 648 Tăng Ni (326 Tăng, 322 vị Ni) cùng các vị tập sự xuất gia sinh hoạt trong tinh thần Lục hòa.

Lễ khánh thành tịnh xá Ngọc Chơn

Lễ khánh thành tịnh xá Ngọc Chơn

Tinh thần học tập của Tăng Ni Giáo đoàn khá nổi bật khi có tới 14 vị tiến sĩ, 8 vị đang học tiến sĩ, 9 vị đã tốt nghiệp thạc sĩ và 5 vị đang học thạc sĩ. Ngoài ra, còn nhiều vị Tăng Ni đã và đang tu học tại các Học viện, trường cao đẳng và trung cấp Phật học.

Các lễ hội truyền thống, chương trình tu học của Tăng Ni, Phật tử được Giáo đoàn III chú trọng, tổ chức thành công trong mỗi năm.

Đáng chú ý, Giáo đoàn III đã mở rộng một số hoạt động mới như hoằng pháp vùng dân tộc thiểu số, gieo giáo pháp Khất sĩ ra phía Bắc. Quan tâm tới giới trẻ, Tăng Ni thuộc Giáo đoàn thường xuyên tổ chức khóa tu, kết duyên được nhiều học sinh, sinh viên tìm về Phật pháp.

Như vậy, kể từ khi thành lập, dưới sự dẫn dắt của Đức Thầy đến các vị Trưởng đoàn sau này như Trưởng lão Giác Phải, Trưởng lão Giác Phúc, Hòa thượng Giác Dũng…, hoạt động của Giáo đoàn III đã có những thành tựu nhất định, tiếp nối sự nghiệp Tổ Thầy và tiền nhân.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.