Đào tạo, chọn người xuất gia là công tác quan trọng

HT.Thích Quảng Hiển
HT.Thích Quảng Hiển

GNO - Từ ngày 22 đến 26-11-2020 (nhằm ngày 8 – 12-10, Canh Tý), BTS GHPGVN tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (BR-VT) sẽ tổ chức Đại giới đàn Huệ Đăng tại tổ đình Đại Tòng Lâm, Ni viện Thiện Hòa - dành cho giới tử Bắc tông và chùa Hộ Pháp - dành cho giới tử Phật giáo Nam tông Kinh.

Trước thềm Đại giới đàn, Giác Ngộ đã có cuộc trao đổi với HT.Thích Quảng Hiển, Ủy viên Hội đồng Trị sự GHPGVN, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh BR-VT, Trưởng ban Tổ chức Đại giới đàn Huệ Đăng PL.2564. Chia sẻ về truyền thống tuyển chọn “người làm Phật” của Phật giáo tỉnh xuyên suốt hành trình phát triển của Phật giáo tỉnh nhà, Hòa thượng cho biết:

- Phật giáo tỉnh BR-VT hình thành và phát triển đến nay tròn 30 năm, một trong những yếu tố kiến tạo nên những thành tựu cho Phật giáo tỉnh nhà là công tác đào tạo, chọn người xuất gia để phát triển Tăng đoàn. Bởi thế, Phật giáo BR-VT xem trọng việc đào tạo Tăng tài, nhằm có người kế vãng khai lai, báo Phật ân đức, luôn luôn được chư tôn đức lãnh đạo Phật giáo tỉnh đưa lên hàng đầu trong hoạt động Phật sự.

BTS Phật giáo tỉnh đã tổ chức và duy trì Trường Trung cấp Phật học và Cao đẳng Phật học cho đến nay gần 31 năm, với tiêu chí đào tạo Tăng tài có đầy đủ kiến thức Phật học và đạo hạnh để phụng sự cho đạo pháp, bên cạnh đó, duy trì truyền thống tổ chức giới đàn thường kỳ.

Trước đây, BTS tỉnh tổ chức Đại giới đàn 3 năm một lần, gần đây cứ 2 năm tổ chức một lần, nhằm giúp giới tử có cơ hội được thọ nhận giới pháp tu học, làm nền tảng trên đường tấn tu đạo nghiệp.

Mỗi dịp tuyển chọn “người làm Phật”, Giáo hội tỉnh cũng gạn lọc những vị tân xuất gia là người có đầy đủ phẩm hạnh, để từ đó, làm cho niềm tin nơi Phật tử càng vững chắc hơn.

Xin Hòa thượng chia sẻ về ý nghĩa tôn hiệu Huệ Đăng của Đại giới đàn lần này?

- Cố HT.Thích Thiện Hòa là người khai sáng “Phật địa” Đại Tòng Lâm, vì vậy, sau khi BR-VT tách ra từ tỉnh Đồng Nai (1991), Đại giới đàn đầu tiên do BTS Phật giáo tỉnh BR-VT tổ chức vào năm 1993 đã lấy tôn hiệu cố HT.Thích Thiện Hòa, nhằm tưởng nhớ đến ơn khai sơn tạo tự của cố Hòa thượng và cũng để các giới tử được thừa hưởng ân đức của ngài mà tấn tu đạo nghiệp. 6 kỳ Đại giới đàn tiếp theo đều mang ý nghĩa như vậy.

Đến kỳ Đại giới đàn thứ 8 - năm 2016, BTS Phật giáo tỉnh lấy tôn hiệu cố HT.Thích Đồng Huy, bởi lẽ cố Hòa thượng là bậc cao tăng có nhiều đóng góp to lớn cho Phật giáo tỉnh nhà trong giai đoạn khó khăn.

Năm 2018, BTS lấy tôn hiệu Tổ Bảo Tạng, vì ngài là một vị Tổ xuất thân từ chùa Bát Nhã, tỉnh Phú Yên, tiếng thơm cùng khắp, nhưng ngài lại vào đất BR-VT để hoằng hóa và khai sơn rất nhiều ngôi chùa như: Long Bàn, Long Hòa, Bửu Long, Ngọc Tuyền. Năm nay (2020), BTS tỉnh lấy tôn hiệu Tổ Huệ Đăng làm tôn hiệu Đại giới đàn.

Ngài là một vị Tổ đã đóng góp rất nhiều cho Phật giáo BR-VT nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung, với công lao hoằng truyền Chánh pháp, làm cho Phật pháp được xương minh, rừng thiền tỏ rạng; đối với đất nước, ngài  đã thể hiện rất sâu sắc tinh thần “Đạo pháp - Dân tộc” đáng để cho hàng hậu học noi theo.

IMG_4305.jpg
Giới tử Đại giới đàn Huệ Đăng - Ảnh: Ban TTTT BR-VT

Về công tác tổ chức, Đại giới đàn Huệ Đăng PL.2564 có những đặc điểm khác biệt nào so với những Đại giới đàn trước đây do BTS GHPGVN tỉnh tổ chức, thưa Hòa thượng?

- Đại giới đàn Huệ Đăng PL.2564 có nhiều điểm khác biệt so với những giới đàn lần trước. Theo truyền thống của BTS tỉnh nhà là duy trì cứ 2 năm, giới đàn sẽ mở một lần.

Năm 2020, mọi công tác chuẩn bị đã được thực hiện chu đáo, theo dự kiến, giới đàn đã diễn ra, nhưng vì dịch bệnh Covid-19 phức tạp nên phải tạm hoãn. Trong tình hình mới hiện nay, tuy dịch bệnh được kiểm soát, công tác đề phòng được toàn xã hội nâng cao, tuy nhiên Ban Tổ chức vẫn còn rất lo lắng.


Trong thời gian chuẩn bị tổ chức Đại giới đàn Huệ Đăng, bão lụt lại hoành hành ở miền Trung, BTS, Tăng Ni trong tỉnh một mặt lo chuẩn bị Đại giới đàn, một mặt lo cứu trợ thiên tai lũ lụt…

Vừa qua, BTS Phật giáo TP.HCM đã tổ chức Đại giới đàn Huệ Hưng thành tựu viên mãn, làm cho chư tôn đức trong Ban Tổ chức Đại giới đàn Huệ Đăng có thêm động lực, quyết tâm tiếp tục tổ chức Đại giới đàn và cầu nguyện chư Phật gia bị cho dịch bệnh chóng qua, để cho Đại giới đàn lần này cũng được thành tựu.

Phật giáo tỉnh BR-VT là đơn vị có số lượng Tăng Ni đông chỉ sau TP.HCM, xin Hòa thượng chia sẻ tinh thần chuẩn bị của giới tử tại Đại giới đàn?

- Tỉnh BR-VT là nơi có số lượng Tăng Ni đông chỉ sau TP.HCM, nhưng trong công tác chuẩn bị giới đàn cũng gặp không ít khó khăn, đặc biệt về kinh tế. Bởi Tăng Ni đông nhưng kinh tế tự túc là chính, ít có được những mạnh thường quân ngoại hộ như TP.HCM.

Về phần giới tử đăng ký hồ sơ thọ giới lần này, số lượng đã gần 1.200 vị và đều là những người chí thành cần cầu thọ nhận giới pháp. Điều đó khiến Ban Tổ chức rất yên tâm và kỳ vọng vào công tác tổ chức cũng như tiếp tục sứ mạng truyền thống của Tổ Thầy vun bồi cho thế hệ tương lai. Và như đã nói, trên tinh thần kế vãng khai lai, báo Phật ân đức, chư tôn đức lãnh đạo và toàn thể Tăng Ni tỉnh nhà quyết tâm hoàn thành Phật sự trọng đại này.

Chân thành cảm ơn Hòa thượng!

Đôi nét về hành trạng của Tổ Huệ Đăng

Tổ Huệ Đăng (1873-1953) là một vị cao tăng thời cận đại. Ngài xuất thân từ Bình

Định, sau đó hội đủ duyên lành, ngài vào mảnh đất miền Đông Nam Bộ xuất gia với Tổ Hải Hội tại Long Hòa cổ tự. Sau đó, Tổ Hải Hội gởi ngài đi tham học với Tổ Trí Hải tại chùa Thiên Thai Sơn Thạch tự ở Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Với đức tính tinh chuyên, ngài thông kinh luật luận, nên Tổ Hải Hội đã truyền trao Cụ túc giới và ban pháp danh Thanh Khế, đạo hiệu Huệ Đăng.

Năm đó, ngài 30 tuổi (1903), được Tổ cho trú trì chùa Kiên Linh hơn một năm. Sau đổi về trú trì chùa Phước Linh ở xã Tam Phước cùng tỉnh Bà Rịa (năm 1904) và cũng năm này, ngài được nhập chúng tu học với hạ lạp đầu tiên tại chùa Giác Viên, do Tổ Hoằng Ân làm chủ hương.

Noi gương công cuộc hoằng pháp của chư vị tổ sư, từ đó ngài vân du hóa đạo ở khắp nơi như: chùa Phước Linh, Kiên Linh và kiến tạo tổ đình Long Hòa, Thiên Bửu Tháp. Đặc biệt, năm 1935, ngài thành lập hội Thiên Thai Thiền Giáo tông, đặt trụ sở tại chùa Long Hòa ở tỉnh Bà Rịa, đồng thời cho xuất bản tạp chí Bát Nhã Âm để vận động phong trào Chấn hưng Phật giáo và hoằng dương Chánh pháp. Trường gia giáo cũng được ngài cho khai giảng tại chùa Long Hòa, quy tụ hàng Phật tử xuất gia và tại gia về tu học ngày càng đông.


Ngài đã phiên dịch, sáng tác, diễn nôm nhiều tác phẩm kinh điển còn lưu truyền rộng rãi cho đến ngày nay: Kinh Vu lan nghĩa, Di Đà nghĩa, Bát-nhã Tâm kinh nghĩa, Tịnh độ Chánh tông, bài sám Thảo lư.

Thích Trí Định thực hiện

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.