Đạo mạch lưu truyền giữa cộng đồng đa sắc tộc

GN - Là địa phương nằm trên trục đường tơ lụa miền Tây với ba dân tộc Kinh - Khmer - Hoa sống hài hòa mấy trăm năm qua, Phật giáo (PG) tỉnh Sóc Trăng trong quá khứ cũng như hiện tại đều phát huy thế mạnh đoàn kết những tông phái biệt truyền, chăm lo phát triển đạo pháp, góp phần tích cực xây dựng an sinh xã hội của xứ sở. Đặc biệt trong nhiệm  kỳ vừa qua 2007 - 2012, dưới sự lãnh đạo của tập thể Ban Trị sự và sự hiệp lực của chư Tăng Ni, Phật tử trong toàn tỉnh, nhiều Phật sự quan trọng đã được thực hiện.

wwwT9 (1).jpg

Chư tôn đức Phật giáo Sóc Trăng đã có nhiều đóng góp tích cực
trong các công tác Phật sự của tỉnh nhận bằng khen của UBND tỉnh - Ảnh: Định Hương.

Dấu ấn quá khứ

Đến nay vẫn khá ít tài liệu viết về lịch sử PG Sóc Trăng. Vì thế để tìm hiểu chính xác PG đã có mặt trên mảnh đất gắn liền điệu múa Lâm thôn của Khmer này như thế nào là việc làm không đơn giản. Chỉ biết rằng, theo chư tôn đức cao niên gần như trọn đời gắn bó và hành đạo nơi này, gần 1.000 năm trước PG Nam tông đã là nếp sống tâm linh và trở thành phong tục truyền thống của người Khmer.

Với người Khmer tại Sóc Trăng cũng như các tỉnh miền Tây khác, từ mấy trăm năm trước, việc theo đạo Phật được gọi bằng cụm từ mang ý thức nguồn cội sâu sắc là “Đạo thờ ông bà”. Tại Sóc Trăng, dấu ấn mà PG Nam tông gần 1.000 năm trước hiện còn gìn giữ trong di tích chùa Tắc Rồng (được xem là ngôi chùa cổ nhất của PG Nam tông tại Sóc Trăng), thuộc huyện Mỹ Xuyên ngày nay.

Trong khi đó, các hệ phái Bắc tông hiện diện ở Sóc Trăng khoảng hơn 300 năm trước, sau cuộc khai hoang vĩ đại dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Hữu Cảnh. Theo chân đoàn người di cư, lập ấp, chư tôn đức tiền bối đã mang các hệ phái PG Bắc tông vào Sóc Trăng bằng hai hướng. Hướng thứ nhất đi qua vùng đất Vĩnh Long, xuống Cần Thơ rồi đến Sóc Trăng gắn liền với vị cao tăng được dân chúng gọi là “Lục Tà Mẹt”, vượt sông Hậu, tạo lập ngôi chùa Phước Trường An tại thị xã Vĩnh Châu ngày nay. Hướng thứ hai đi từ vùng Nha Mân, Sa Đéc; dừng lại Sóc Trăng và tiếp tục truyền PG xuống các vùng Bạc Liêu, Cà Mau.

wwwT9 (2).jpg

Đại giới đàn Thiện Mỹ do Phật giáo Sóc Trăng tổ chức năm 2011 - Ảnh: Định Hương

Đầu thế kỷ XX là thời kỳ thịnh hành của PG Sóc Trăng khi chư Tăng đến hành đạo khá đông, góp phần to lớn trong công cuộc chấn hưng PG sau đó dưới sự điều hành của các bậc thạc đức: HT.Thích Thiện Tường, HT.Thích Thiện Phước, HT.Lê Phước Chí. Giai đoạn này, PG Nam tông Khmer tại Sóc Trăng tiếp tục có những phát triển, đã cử chư Tăng sang Campuchia du học.

Đến thời kỳ chống Mỹ cứu nước, chư tôn đức Tăng Ni và Phật tử đã hòa mình vào tiếng gọi non song, đóng góp không mệt mỏi phong trào giải phóng dân tộc.

Sau ngày thống nhất đất nước, Sóc Trăng là một phần của tỉnh Hậu Giang cũ, cho đến năm 1992 thì tách tỉnh trở lại, và theo đó PG tỉnh nhà phải tiến hành bước kiện toàn để ra đời Ban Trị sự chính thức do HT.Dương Nhơn làm Trưởng ban vào năm 1993.

Tiếp bước

Tiếp bước các bậc tiền nhân, trải qua nhiều nhiệm kỳ mà đặc biệt là nhiệm kỳ 2007 - 2012 vừa qua, PG tỉnh Sóc Trăng đã vận động Tăng Ni và Phật tử toàn tỉnh thực hiện thành tựu được nhiều Phật sự đáng kể, góp phần không nhỏ xây dựng và phát triển ngôi nhà chung GHPGVN.

wwwT9 (3).JPG

Đại lễ cầu siêu anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang tỉnh Sóc Trăng do BTS Tỉnh hội tổ chức
- Ảnh: Định Hương

Với những thuận lợi khách quan và chủ quan thông qua sự hỗ trợ, quan tâm của lãnh đạo tỉnh và TƯGH, Ban Trị sự THPG Sóc Trăng đã từng bước kiện toàn tổ chức, đẩy mạnh các hoạt động Tăng sự, Hoằng pháp, Giáo dục Tăng Ni, Hướng dẫn Phật tử, Văn hóa, Nghi lễ… Nổi bật nhất là các hoạt động Từ thiện xã hội với hơn 115 tỷ đồng, góp phần thiết thực vào việc chăm lo đời sống của nhân dân, đã làm nổi bật tinh thần nhập thế của đạo Phật.

Thực hiện tốt hướng dẫn của TƯGH, hàng năm Thường trực Ban Trị sự, Ban Tăng sự Tỉnh hội PG tỉnh Sóc Trăng đều có tổ chức an cư kiết hạ tập trung cho Tăng Ni Bắc tông và Khất sĩ tu học. Song song đó, tại 92 điểm chùa Nam tông Khmer tổ chức an cư tại chỗ theo truyền thống của PG Nam truyền, mỗi năm có từ 1.800 đến 1.900 Sư sãi an cư kiết hạ tiến tu đạo nghiệp. Ngoài ra, PG tỉnh cũng đã 3 lần khai mở Đại giới đàn truyền trao giới pháp cho 552 vị Tăng Ni trong và ngoài tỉnh thọ giới; duy trì trường trung cấp Phật học; mở 2 khóa bồi dưỡng trụ trì và kiến thức quốc phòng an ninh có 367 vị trụ trì và phó trụ trì; tổ chức đại lễ cầu siêu tại nghĩa trang liệt sĩ tỉnh, được đánh giá là một trong 10 sự kiện tiêu biểu của tỉnh năm 2010; hoàn thành cuốn danh mục các tự viện; mở nhiều đạo tràng tu học và hội thi giáo lý cho Phật tử; hỗ trợ 30 tự viện xây dựng, trùng tu...

Theo nhận định của THPG Sóc Trăng, để đạt được các thành tựu trên là nhờ vào việc chư Tăng Ni, Phật tử toàn tỉnh đều nêu cao tinh thần thống nhất của Giáo hội “thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức, các pháp môn tu học đúng Chánh pháp đều được tôn trọng và duy trì”. Ngoài ra còn có sự hỗ trợ của lãnh đạo chính quyền các cấp.

wwwT9 (4).JPG

Các hoạt đồng từ thiện xã hội của Phật giào tỉnh Sóc Trăng - Ảnh: Bảo Thiên

Trong nhiệm kỳ mới 2012 – 2017, PG tỉnh sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, hòa hợp trong nội bộ, tuân thủ nguyên tắc của tổ chức; lấy pháp Lục hòa và Tứ nhiếp làm nguyên tắc cộng trụ, đồng hành đồng sự trong kiện toàn nhân sự. “Điều hòa các hệ phái trong tinh thần thống lý đại chúng: hội họp, luận bàn, giải tán trong tinh thần đoàn kết”, văn kiện Đại hội PG tỉnh xác định.

Song song đó, Tỉnh hội cũng quan tâm đào tạo thế hệ kế thừa, có kế hoạch định hướng cụ thể và khoa học để khuyến khích Tăng Ni trẻ tham gia phụng sự đạo pháp.

Tỉnh Sóc Trăng hiện có 11 đơn vị hành chánh, 1 thành phố, 1 thị xã và 9 huyện; dân số khoảng 1,3 triệu người. Tín ngưỡng tôn giáo phong phú, mang bản sắc văn hóa hòa lẫn ba dân tộc Kinh - Khmer - Hoa. Đạo Phật được xem là một nhân tố quan trọng với 50% dân số quy ngưỡng theo PG.

PG Sóc Trăng hiện có 183 ngôi tự viện (92 tự viện Nam tông, 91 ngôi tự viện Bắc tông) với 1.913 vị Tăng Ni Sư sãi (1633 chư Tăng Nam tông, 280 vị Tăng Ni Bắc tông), 1 trường trung cấp Phật học, 1 trường bổ túc văn hóa Pali Nam Bộ và các lớp Vini, 22 đạo tràng tu học cho Phật tử tại các tự viện; 92 chùa Nam tông Khmer đều có đạo tràng sinh hoạt 4 lần trong tháng; 3 Gia đình Phật tử với trên 100 huynh trưởng, đoàn sinh.

Nhiệm kỳ qua, Tỉnh hội đã bổ nhiệm 21 vị Tăng Ni trụ trì các tự viện, công nhận 3 cơ sở tự viện thuộc Giáo hội; hướng dẫn xây dựng 20 công trình văn hóa PG lộ thiên; hoàn thành khắc dấu tròn cho 84 tự viện PG Bắc tông và 11 Ban Đại diện PG huyện, thị, thành.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.