Đàn khỉ chùa núi Châu Thới đang kêu cứu

GN - Núi Châu Thới cao 80m, thuộc phường Bình An, thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương). Trên đỉnh núi có Châu Thới sơn tự, là một ngôi chùa nổi tiếng xưa nhất Nam Bộ. Danh thắng chùa núi Châu Thới đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa- Thể thao - Du lịch) công nhận và xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa và danh thắng cấp quốc gia vào năm 1989.

Nơi đây từ lâu tồn tại một quần thể khỉ rừng sinh sống đông đúc. Tuy nhiên, hiện nay đàn khỉ rừng này đang đối mặt với nguy cơ bị "tuyệt chủng" bởi sự săn bắt tràn lan trái phép của con người.

Săn bắt cả khỉ mẹ lẫn khỉ con!

Mỗi lần đến vãn cảnh chùa Châu Thới, du khách sẽ cảm thấy thích thú khi được hòa mình vào cảnh sắc hữu tình, ngắm những bầy khỉ mẹ bồng bế khỉ con vui nhộn chuyền cành, gọi nhau chí chóe. Được nhà chùa và người dân cho ăn đồ cúng, bánh trái hàng ngày, chúng trở nên bạo dạn, thân quen với con người hơn.

ANH XH (2).JPG

Chùa núi Châu Thới được công nhận là di tích lịch sử văn hóa và danh thắng cấp quốc gia

Thượng tọa Thích Huệ Thông, viện chủ Châu Thới sơn tự, cho biết : “Chùa núi Châu Thới là quần thể bao gồm có chùa, có núi, có rừng rộng cả trăm héc-ta, cây cối mọc um tùm, là địa bàn phù hợp, môi trường sinh sản lý tưởng cho khỉ rừng. Bầy khỉ này về đây sinh sống từ rất lâu, ban đầu chỉ  chục con, sau này chúng sinh sôi nảy nở đông dần lên tới cả trăm con.

Nhưng thời gian vài năm trở lại đây, chúng tôi phát hiện thấy số lượng khỉ sụt giảm nghiêm trọng, khỉ dần biến mất, đặc biệt là những con trưởng thành. Hiện tại, theo kiểm đếm của nhà chùa, đàn khỉ còn lại vỏn vẹn gần 50 cả con lớn lẫn nhỏ...”.

Bầy khỉ sống trên núi Châu Thới dù sống trong môi trường hoang dã, tự nhiên nhưng rất đoàn kết, có trật tự. Bởi vậy nếu có con khỉ lạ nào xuất hiện, khỉ đầu đàn sẽ huy động cả bầy xuống tấn công.

Phật tử thập phương thường đưa khỉ lên núi phóng sinh nhưng bị bầy khỉ núi Châu Thới vây lấy cắn xé, không cho gia nhập đàn. Biết được đặc tính này nên bọn “khỉ tặc” dùng biện pháp đưa khỉ lạ lên lưng chừng núi dụ bầy khỉ chùa lao ra rồi bất ngờ dùng tấm lưới lớn bủa lên, hốt trọn cả chục con.

3.JPG

Khỉ núi Châu Thới rất thân thiện và dạn dĩ với con người

“Bọn trộm rất táo tợn, tinh vi, chúng còn đóng giả cả nhân viên sở thú, người của Khu du lịch Đảo Khỉ Cần Giờ đánh cả xe ô-tô lên núi bắt khỉ bán trục lợi. Do là khỉ rừng sống quanh khuôn viên chùa, không phải là khỉ chùa nuôi nên chúng tôi không dám phản ứng. Nhiều lần nhà chùa cũng nhờ chính quyền phường Bình An, thị xã Dĩ An can thiệp, xử lý những tên trộm khỉ nhưng cũng chưa thấy đâu vào đâu?” - Thượng tọa Thích Huệ Thông than thở.

Bà Hồ Thị Nga, một người bán vé số dạo lâu năm ở chùa Châu Thới bức xúc: “Không chỉ giở chiêu dụ khỉ, bắt khỉ, chúng còn đột nhập lên núi dùng súng bắn điện tận diệt cả bầy. Những con khỉ sống lâu năm bên con người thường không đề phòng, liền bị hạ gục bởi những tia lửa điện chớp nhoáng. Bắn được con nào, chúng bỏ vào bao tải rồi cho người chở đi ngay...”.

Không chỉ bắt được vô số khỉ lớn, trưởng thành, “khỉ tặc” còn bắt cả khỉ mẹ đang mang thai, khỉ đang nuôi con nhỏ, khỉ con mới được vài tháng tuổi. “Bọn chúng rất dã man, không chừa một con nào. Những con khỉ mất mẹ, không có sữa uống, nhớ mẹ rồi la hú suốt ngày, khỉ con sống lay lắt mấy hôm rồi chết, có con còi cọc, ghẻ lở rồi nằm chết trên mái hiên chùa luôn...” - Bà Nga rưng rưng nước mắt, đau xót bày tỏ câu chuyện về đàn khỉ tội nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Nam, người lái xe ôm dưới chân núi tiết lộ lý do đàn khỉ ngày càng bị sụt giảm số lượng: “Khỉ núi Châu Thới là loại khỉ đuôi xám dài, khỉ mặt đỏ nên rất có giá, khỉ con cũng vài triệu bạc, khỉ trưởng thành không dưới chục triệu đồng. Khỉ con bán cho người ta có nhu cầu nuôi làm thú cảnh, trang điểm cho vườn hoa viên của các "đại gia", còn khỉ lớn phục vụ cho những người cần tẩm bổ sức khỏe, họ mua khỉ về chỉ để giết thịt (ăn óc khỉ) hoặc nấu cao...”.

Cần có biện pháp cấp bách bảo vệ và bảo tồn đàn khỉ rừng quý hiếm

Săn bắt và kinh doanh khỉ rừng là trái phép, là vi phạm pháp luật. Theo Luật Đa dạng sinh học (năm 2008), quy định về bảo tồn và phát triển bền vững động vật hoang dã thì hành vi săn bắt, giết hại động vật rừng quý hiếm có thể bị xử phạt từ 50 đến 500 triệu đồng, phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm.

Trong trường hợp có tổ chức, săn bắt trong khu vực bị cấm, gây hậu quả rất nghiêm trọng sẽ bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. Tuy nhiên chế tài này không “ăn nhằm” gì với nguồn thu mà bọn “khỉ tặc” kiếm được từ việc săn bắt khỉ trái phép.

Theo đại diện Cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương cho biết, trước đây ngành chức năng tỉnh Bình Dương đã từng bàn kế hoạch di dời đàn khỉ này về nơi khác để tránh tình trạng săn bắt bừa bãi nơi chốn tôn nghiêm nhưng dự án này không khả thi. Vì lẽ, đàn khỉ vốn đã quen với môi trường sống trên núi Châu Thới, nếu di chuyển sang nơi khác liệu chúng có thích nghi? 

Hoặc từng có phương án đề xuất biện pháp làm cái lồng sắt thật lớn bao vây và nhốt tất cả đàn khỉ rừng chùa núi Châu Thới lại nhưng đều bất cập bởi trong khuôn viên cảnh quan của khu di tích chùa núi Châu Thới mà nuôi nhốt như vậy thì lại càng không phù hợp. Hơn nữa, tập tính của đàn khỉ rừng là chỉ muốn sống trong không gian rộng rãi có nhiều cây cối để leo trèo, chơi đùa...

ANH XH (4).JPG

Thức ăn của đàn khỉ thường là hoa quả, bánh trái của du khách
mang từ dưới núi lên cúng chùa - Ảnh: Quốc Minh

ANH XH (1).JPG
Ban ngày, đàn khỉ tụ tập trên mái chùa để chơi đùa

Đàn khỉ núi ở chùa Châu Thới được ví như là một “viên ngọc” quý hiếm giữa cảnh sắc chùa, núi mênh mông. Nhưng đáng buồn và báo động là hiện tại số lượng khỉ còn sót lại không nhiều, chỉ khoảng 50 cá thể, đang rất cần biện pháp bảo vệ tích cực hơn. Cho dù hiện tại đàn khỉ núi Châu Thới đang được nhà chùa và người dân trong vùng gắng công bảo vệ nhưng xem ra khó bề canh giữ được nguyên đàn vì lẽ vẫn còn nhiều kẻ xấu đang tiếp tục rình rập, chờ săn bắt trộm khỉ cả ngày lẫn đêm.

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng và ban ngành chuyên môn tỉnh Bình Dương cần lên kế hoạch thống kê từng cá thể khỉ còn sót lại và thiết lập một đường dây nóng với lực lượng công an, kiểm lâm để người dân kịp thời thông báo, xử lý khi thấy đàn khỉ bị xâm phạm.

“Bảo vệ động vật hoang dã” không chỉ là khẩu hiệu suông mà rất cần sự góp sức chung tay của cả cộng đồng xã hội.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.