GNO - Bạn sẽ nghĩ là người viết bài này… vô cảm khi phát ngôn như vậy, bởi đám tang là hình ảnh của sự chia lìa - “sanh ly tử biệt” sao lại ấm? Nhưng nếu có dịp đi dự một vài đám tang của những Phật tử hoặc của quý thầy, sư cô… bạn sẽ thấy sự ấm cúng ấy!
Đám tang ấm vì sự ra đi của người nằm trong quan tài kia đã được chuẩn bị đầy đủ, nghiêm túc, chân thành từ chính người ra đi và cả người ở lại.
Người ra đi học giáo lý nhà Phật nên ít nhiều thấm được giáo lý vô thường, nhận diện được sanh-tử vốn là lẽ đương nhiên của con người. Thấy được điều đó nên chấp nhận nó một cách rất nhẹ nhàng, hoan hỷ; không chỉ thế người ấy còn hiểu rõ nhân quả nên trong suốt quá trình sống của mình đã gieo nhân lành, đoạn nhân ác, tin tưởng về hành trình tiếp theo của mình sẽ là một cõi lành với lời nguyện chân thành: sanh ra nơi nào cũng biết đạo Phật, tu hành theo giáo pháp Như Lai cho đến khi thành tựu chánh đẳng chánh giác.
Chư Tăng, Phật tử hộ niệm và tiếp dẫn - Ảnh: Ngộ Dũng
Làm tất cả các việc lành, bỏ tất cả các việc ác nên người đi có một đời sống thanh thản, an vui, vì thế khi ra đi không có gì phải đau đáu, hối tiếc. Đã sống trọn vẹn một kiếp người, nay thuận lý vô thường, xả báo thân tứ đại nên rất an nhiên trong sự tử của mình. Đó cũng chính là một sự ra đi an lành mà mới đây, trong tang lễ của một vị Sa-di-ni 81 tuổi (có đến 3 người con xuất gia) tôi được nghe một trong những vị thầy đó, kể: “Trước lúc ra đi, được hộ niệm nên mẹ đã trút hơi thở nhẹ nhàng”.
Đã có nhân sống an lành, sống tốt, sống có ích cho cuộc đời, cho chúng sanh nên chắc chắn sẽ có kết quả an lành (trừ khi người ấy còn thọ những nghiệp quá khứ chưa dứt). Nhưng, dẫu có còn nghiệp quá khứ không lành thì vị ấy cũng sẽ đối mặt một cách rất thảnh thơi, vì hiểu đó là nghiệp, đã tạo nay trả. Ý thức về điều đó thì dẫu cái chết là một sự ra đi trong đau đớn thì tâm thức người đi chắc chắn cũng rất an nhiên. Tất nhiên, sẽ thật tuyệt vời nếu cái chết của một người là an lành, thảnh thơi trong tiếng niệm Phật bởi đó là bài pháp lành cho những người còn ở lại.
Họ đã ra đi trong an lành, vì những vị ấy sống một đời sống an lành. Đó là bài pháp khuyến tấn cho những người con sống, hãy nhìn đó mà sống - để mà chết không thẹn, không vướng víu, không ân hận.
Chuẩn bị cho cái chết an lành chính là việc bạn hãy sống có chất liệu của giải thoát ngay trên từng phút giây được sống. Làm được gì có lợi cho chúng sanh, cho người khác thì làm, nghĩ, nói những lời làm cho người an lạc thân-tâm thì cố gắng nói. Điều đó phải thực tập chính từ niềm tin nhân quả sâu sắc, hiểu được giáo nghĩa mà Đức Phật đã dạy.
Bên cạnh đó, kết duyên lành với thân bằng quyến thuộc của mình bằng cách Phật hóa gia đình, làng xóm… cũng là một sự chuẩn bị chu đáo cho việc ra đi. Điều đó có nghĩa là khi mình hiểu đạo, tu tập có an lạc, giải thoát trong giáo pháp thì mình hãy chia sẻ phương pháp để những người thân-thương, bạn bè của mình cùng thực tập, cùng an lạc.
Có những đám tang được tổ chức theo tinh thần Phật giáo: người sống sẽ tiết kiệm những khoản không cần thiết, không sát hại sinh vật… để dồn sức cho việc thỉnh mời chư Tăng, Phật tử hộ niệm, bố thí, cúng dường, phóng sanh... hầu hồi hướng phước lành cho người mất. Việc làm đó là trợ duyên cho hương linh người chết và đương nhiên cũng là gieo cho người sống một nhân lành trên bước đường tu tập cũng như chuẩn bị cho sự chết của chính mình.
Nếu hiểu và làm được vậy thì đám tang ấy tự nhiên sẽ mang đến những năng lượng tốt đẹp cho người còn, kẻ mất bởi cả người ra đi lẫn thân bằng quyến thuộc còn sống đều có một hướng nhìn. Đó là hướng nhìn giải thoát, sống tốt đạo đẹp đời một cách thuần thành.
Đám tang ấy tự khắc sẽ tỏa ra một từ trường đủ để xoa dịu và chuyển hóa toàn bộ ý niệm mến tiếc và yêu thương thường tình.
Đám tang ấy sẽ là một bài pháp rất dịu dụng bởi ai đến dự, đưa hoặc viếng đám đều nhặt được cho mình sự bình an tự nhiên rằng: người đi đã trọn một đời sống vì tha nhân, người còn đã chân thành thực hành nối tiếp ý nguyện ấy từ những việc lành (nhân danh người ra đi mà làm) nên dẫu cái chết của người ấy là đánh dấu sự mất đi cái thân nhưng họ vẫn còn lưu dấu trong tâm thức bao người bởi hình ảnh nhẹ nhàng của sự xả báo thân, sự tổ chức lễ nghi đạo vị…