GNO - Sáng nay, 24-2 (28-1-Đinh Dậu), tại tịnh xá Ngọc Quang (TP.Buôn Mê Thuột, Đắk Lắk) đã diễn ra lễ tưởng niệm lần thứ 63 (1954 - 2017) Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng.
Lễ tưởng niệm có sự quan lâm chứng minh, tham dự của chư tôn đức Tăng Ni, thiện nam, tín nữ trong hệ phái Khất sĩ (HPKS) tại tỉnh Đắk Lắk.
Chư tôn đức niêm hương tưởng niệm
Tại buổi lễ, HT.Thích Giác Phương, Chứng minh Giáo đoàn III HPKS, trụ trì tịnh xá Ngọc Quang cho biết, hằng năm, cứ đến ngày 28 tháng Giêng (âm lịch), toàn thể Tăng Ni, Phật tử HPKS tỉnh Đắk Lắk nhất tâm hướng về Đức Tổ sư Minh Đăng Quang - người khai sáng Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam - để bày tỏ lòng tri ân và ôn lại cuộc đời đạo nghiệp của ngài.
Lễ tưởng niệm, cũng là dịp để chư Tăng Ni và những người con Phật vùng cao nguyên có dịp gặp gỡ, trao đổi những kinh nghiệm tu tập, chiêm nghiệm, tìm hiểu thêm về cuộc đời và giáo pháp của Tổ sư, HT.Giác Phương nói.
Qua đó, còn cho biết, đến nay, tại vùng đất cao nguyên này đã thành lập hơn 20 ngôi tịnh xá, gần 100 Tăng, Ni tiếp nối hạnh nguyện của Tổ thầy.
Tưởng niệm 63 năm Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng
Tiếp đến, TT.Thích Giác Tiến, Phó ban kiêm Chánh Thư ký BTS GHPGVN tỉnh cung tuyên tiểu sử Đức Tổ Sư Minh Đăng Quang.
Tiểu sử nêu rõ, ngài có thế danh Nguyễn Thành Đạt, tự Lý Hườn, sinh ra đời ngày 26-9-1923 (Quý Hợi), tại làng Phú Hậu, tổng Bình Phú, quận Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long.
Ngay từ nhỏ ngài có trí thông minh khác hơn những trẻ cùng thời. Phong cách đi, đứng, ăn, mặc, nói làm đều thể hiện đức tính trang nghiêm điềm đạm hơn chúng bạn nên mọi người chung quanh đều một lòng thương mến.
Với tinh thần hướng thượng sẵn có, nhiều lần ngài xin phép với thân phụ được xuất gia tầm chân lý. Thân phụ vì quá thương con nên không đành để ngài ra đi nên cụ ông nhất định cản ngăn. Qua nhiều đêm suy nghĩ, ngài tự nhủ không thể tầm thường như bao người trong trần tục để kiếp phù sinh cứ mãi lăn xoay trong vòng sanh, già, bịnh, chết. Cuối cùng, ngài quyết tâm dõng mãnh cất bước ra đi, cắt đứt tình thân.
Năm đó ngài 15 tuổi và bắt đầu quá trình du hóa tầm sư học đạo, ngài tỏ sáng lý pháp “ Thuyền Bát-nhã” ngược dòng đời cứu độ chúng sanh vào năm ngài tròn 22 tuổi và bắt đầu quá trình thuyết pháp truyền đạo.
Đầu năm 1948, nhân duyên hội đủ, Đức Tổ sư rời Linh Bửu tự (làng Phú Mỹ, tỉnh Mỹ Tho), khởi phát chuyến du hành đầu tiên do ngài hướng dẫn, có hơn 20 Tăng Ni trực chỉ vùng Sài Gòn, Gia Định - Chợ Lớn. Từ đó, gót chân hành đạo của Đức Tổ sư Minh Đăng Quang, vị sư trưởng của Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam bước rộng lần ra, từ phạm vi làng này sang làng khác, từ tỉnh này sang tỉnh khác.
Tứ chúng hướng về Đức Tổ sư
Chiều ngày 30 tháng Giêng năm Giáp Ngọ (1954), khi ánh mặt trời vừa lắng dịu, tại tịnh xá Ngọc Quang Sa Đéc, Đức Tổ sư chậm rãi qua lại bên tàng cây bã đậu với dáng vẻ suy tư..., cho đến khi mặt trời vừa lặn. Ngài gọi chư Tăng đệ tử lấy đệm trải dưới gốc cây Bồ-đề, ân cần dạy bảo về sự tu học và sự mở mang mối đạo. Đức Tổ sư cũng cho biết thêm, tương lai Đạo Phật tại Việt Nam và các nước.
Ngài từ giã chư đệ tử để đi tu tịnh tại núi “Lửa” một thời gian. Chư Tăng đệ tử xin theo, ngài không cho mà còn dặn rằng: “Các con hãy ở lại mở mang mối đạo, giáo hóa chúng sanh đền ơn chư Phật, ấy là các con theo thầy và làm vui lòng thầy nơi xa vắng, rồi một ngày kia thầy sẽ trở về”.
Sáng ngày hôm sau, mùng 1 tháng 2, Đức Tổ sư rời tịnh xá Ngọc Quang đi với một vị sư già và một chú điệu qua tịnh xá Ngọc Viên Vĩnh Long, rồi qua tiếp Cần Thơ. Nhưng khi đến Cái Vồn (Bình Minh) thì bị một số người ngoại đạo bắt đi biệt tích. Bấy giờ, chư đệ tử mới biết rõ ra lời nói của ngài đi tu tịnh núi “Lửa” - đó là lời cảm nhận mầu nhiệm của Tổ sư. Rồi từ ấy đến nay bóng ngài bặt vô âm tín...
PG Đắk Lắk