Đại đức Danh Út hăng say chăm lo cho người nghèo

Lập tổ trồng rau sạch nhằm tiết kiệm một phần chi phí cho nhà chùa để trang trải cho các lớp học văn hóa, xóa mù chữ miễn phí; tích cực vận động phát thuốc miễn phí, chữa bệnh cho người nghèo; lan tỏa ý thức tiết kiệm bằng mô hình “tháp tập thể”… là những nghĩa cử cao đẹp của Đại đức Danh Út, trụ trì chùa Thôn Dôn (Kiên Giang).

Lần thứ 2 nhận danh hiệu Thanh Niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc, Đại đức Danh Út vô cùng xúc động. Chia sẻ với Thanh Niên Online, Đại đức nói sẽ quyết tâm nỗ lực hơn nữa để cống hiến cho cộng đồng, làm thật nhiều điều có ích cho xã hội và sống tốt đời đẹp đạo.

*Xuất thân từ gia đình khó khăn, hiểu rõ nỗi khổ của người nghèo, Đại đức đã có những việc làm thiết thực nào để hỗ trợ cho cộng đồng xã hội những năm qua?

Đại đức Danh Út: Chùa Thôn Dôn thường xuyên mở nhiều lớp học cho các thanh thiếu nhi địa phương. Bản thân tôi cũng thường xuyên vận động sư sãi và phật tử làm công tác từ thiện như cấp 77.403 thang thuốc nam miễn phí với số tiền gần 400 triệu đồng. Ngoài ra, tôi còn vận động chương trình phát thuốc tây miễn phí cho gần 2.500 người nghèo với số tiền hơn 73 triệu đồng. Bên cạnh đó là các hoạt động hiến máu, miễn phí hỏa táng cho thân nhân các gia đình khó khăn, vận động bà con phật tử làm đường, cầu giao thông nông thôn, gây quỹ học bổng cho con em đồng bào dân tộc…


 Đại đức Danh Út hăng say chăm lo cho người nghèo ảnh 1
Đại đức Danh Út luôn góp sức chăm lo cho
người nghèo ở địa phương - Ảnh: Trí Quang
 

* Đại đức có những hoạt động gì tham gia vào cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được triển khai sâu rộng trên cả nước? 

Đại đức Danh Út: Tôi cùng các sư sãi luôn lồng ghép một cách sinh động các chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước cũng như những gương sáng của Bác vào trong các buổi thuyết pháp. Tôi luôn tích cực động viên bà con phật tử nâng cao về tư tưởng chính trị, lối sống, chống lãng phí, nâng cao ý thức trách nhiệm…

Vừa qua, nhà chùa đã thành lập tổ trồng trọt để trồng các loại rau sạch, tự phục vụ các bữa ăn hằng ngày, tiết kiệm được một phần chi phí để trang trải cho những khoản chi khác, như xây dựng cơ sở vật chất, hỗ trợ chi phí học tập cho các vị sư và học sinh, sinh viên. 

*Đại đức nói đã từng nhận thấy sự tương đồng sâu sắc giữa giáo lý nhà Phật và tư tưởng của Bác? 

Đại đức Danh Út: Phật dạy các tín đồ của Ngài biết đoàn kết, thương yêu và giúp đỡ lẫn nhau tạo sức mạnh của sự hòa hợp; sống tiết kiệm và ý chí vươn lên trong cuộc sống. Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cũng hướng con người sống thiện và Bác cũng từng nói: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết... Vấn đề là mình làm thế nào để dung hòa giữa giáo lý và những bài học về Bác gắn với thực tiễn cuộc sống để mọi người dễ hiểu, dễ tiếp thu... Mỗi khi phật tử đến cúng dường, tôi luôn khuyên họ nên lo đầy đủ cuộc sống gia đình, chỉ khi nào thật dư giả mới cúng dường.

* Xin Đại đức nói thêm về ý tưởng “tháp tập thể”?

Đại đức Danh Út: Ở chùa Thôn Dôn chúng tôi có xây dựng ngôi tháp tập thể dành cho những người quá cố. Ban đầu, do thấy mỗi gia đình xây dựng một ngôi tháp thì quá lãng phí về tiền bạc lẫn đất đai, nên tôi cố gắng nghĩ cách xây thành một tháp chung để giữ tro cốt của những người quá cố, không kể giàu nghèo. Việc làm này cũng nhằm hướng Phật tử đến lối sống tiết kiệm và tạo được sự đoàn kết, tinh thần tương thân tương ái trong đồng bào. Ý tưởng này được phật tử ủng hộ nhiệt tình.

* Xin cảm ơn Đại đức!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.