Đặc sắc mỹ thuật tượng Phật Chăm-pa và Hindu giáo

GNO - Chiều 29-4, tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán (15A, Lê Lợi, TP.Huế) đã khai mạc triển lãm “Mỹ thuật cổ vật Phật giáo và Hindu giáo khu vực phía Nam”, một trong những hoạt động trong khuôn khổ hưởng ứng Festival Huế 2015 do BTS GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức.

7.jpg

Nhà nghiên cứu Nguyễn Anh Tuấn thuyết trình tại triển lãm

76 hiện vật được trưng bày gồm tượng các vị Phật, Bồ-tát, các vị Thần và linh vật trong huyền thoại Ấn Độ như Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Avalokitesvara, Vishnu, Shiva, Brahma, Ganesha, Kalkin, Mukhalinga... Ngoài ra còn có một số tác phẩm dùng trong thờ cúng được chế tác bằng bạc, như các loại đồ đựng được tạo dáng thanh bai và chạm khắc tinh xảo.

Nghệ thuật điêu khắc cổ Phật giáo, gồm 2 hệ phái Phật giáo Tiểu thừa và Đại thừa. Hệ phái Tiểu thừa thờ duy nhất hình tượng đức Thích Ca Mâu Ni và phát triển khá mạnh trong giai đoạn đầu tiếp thu và kế thừa Phật giáo Ấn Độ (thế kỷ III -  thế kỷ VII). Từ nửa sau thế kỷ thứ VII, Phật giáo Đại thừa bắt đầu xuất hiện ở miền Bắc Ấn Độ và nhanh chóng du nhập vào bán đảo Đông Dương, trong đó có khu vực miền Trung và Đồng bằng Sông Cửu Long của Việt Nam. Hệ phái Đại Thừa ngoài Đức Phật Thích Ca ra còn có hình tượng của các vị Phật Di Lặc (Maitreya) và Quán Thế Âm Bồ-tát (Avalokitesvara).

Đặc điểm các hiện vật triển lãm thể hiện dưới dạng tượng tròn, phù điêu và bán phù điêu. Nguyên liệu dùng để chế tác chủ yếu là đá sa thạch. Được biết, để hoàn thành một tác phẩm, nghệ nhân phải trải qua nhiều công đoạn từ việc phác thảo tạo hình, tiến hành chạm khắc, gia công khuôn, đúc và làm nhẵn.

Những hiện vật được chọn trưng bày tại triển lãm này là một phần trong bộ sưu tập của hai nhà sưu tầm Trần Đình Sơn và Nguyễn Tuấn Anh từ TP.HCM. Đây là bộ sưu tập cổ vật tư nhân lần đầu tiên giới thiệu đến với công chúng.

Bộ sưu tập chứa đựng những giá trị cao về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật của khu vực miền Trung, Đông Nam Bộ và vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long. Đây được xem là nguồn tư liệu quý giá, giúp bổ sung và củng cố thêm những bằng chứng về sự hiện diện từ khá sớm của các tộc người – là chủ nhân của nền văn hóa cổ Chăm-pa, Óc Eo và hậu Óc Eo.

Các đặc trưng phong cách nghệ thuật của những tác phẩm trong bộ sưu tập đã thể hiện rõ tính kế thừa và xuyên suốt trong quá trình hình thành và phát triển đời sống tinh thần khá phong phú, gắn liền với tín ngưỡng và tôn giáo của cư dân cổ trên vùng đất miền Nam.

Phát biểu tại lễ khai mạc, HT.Thích Hải Ấn, Phó ban Văn hóa T.Ư, Phó BTS GHPGVN tỉnh TT-Huế, Trưởng ban điều hành Trung tâm VHPG Liễu Quán nhấn mạnh: “Triển lãm tạo điều kiện cho khách tham quan tiếp cận với các cổ vật. Giúp khách tham quan thấy được giá trị nhiều mặt của bộ sưu tập, từ đó có ý thức tốt hơn trong việc bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa dân tộc...”

Triển lãm kéo dài đến hết ngày 4-5-2016 để du khách trong nước và quốc tế thưởng lãm.

6.jpg

HT.Thích Hải Ấn phát biểu khai mạc

5.jpg

Chư tôn đức và đại biểu tham dự

1.jpg

Tượng Thích Ca đứng có thân vị Bồ-tát, TK VII

2.jpg

Tượng Thích Ca ngồi, TK VII

3.jpg

Bộ tượng TK VIII và XI

4.jpg

Tượng Vishnu, TK VII, có ảnh hưởng Phật giáo

9.jpg

Tượng Quán Thế Âm, TK XI

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.