Cuộc phỏng vấn đặc biệt với Đức Quyền Pháp chủ GHPGVN: "Cái nhìn từ chiều sâu tâm linh và lịch sử"

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên và các vị lãnh đạo Trung ương, TP.HCM thăm Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng - Ảnh: Bảo Toàn
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên và các vị lãnh đạo Trung ương, TP.HCM thăm Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng - Ảnh: Bảo Toàn
0:00 / 0:00
0:00
GN - Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Quyền Pháp chủ GHPGVN, một trong những vị giáo phẩm được Trung ương Giáo hội chỉ định tham gia tổ chức Đại hội đầu tiên thành lập Ban Trị sự Thành hội Phật giáo TP.HCM.

Ngài đảm nhiệm qua các chức vụ Phó ban kiêm Trưởng ban Hoằng pháp, Phó Trưởng ban Thường trực, Quyền Trưởng ban Trị sự, chính thức được suy cử Trưởng ban Trị sự, lãnh đạo GHPGVN xuyên suốt 40 năm qua.

Nhân sự kiện đặc biệt quan trọng của Phật giáo TP.HCM, ngài đã dành cho báo Giác Ngộ cuộc phỏng vấn đặc biệt.

* Kính bạch Hòa thượng, tháng 6-2022, GHPGVN TP.HCM kỷ niệm tròn 40 năm thành lập, đây cũng là thời điểm tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ X (nhiệm kỳ 2022-2027) của Phật giáo thành phố. Xin Hòa thượng cho biết những cảm nghĩ nhân dịp đại hội và đại lễ kỷ niệm này?

- Trước hết, tôi luôn nghĩ về sự thống nhất Phật giáo, khi các tổ chức, hệ phái đã cùng ngồi lại với nhau trong một ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đó là một thành tựu đặc biệt, một sự hợp nhất giữa những bất đồng.

Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Quyền Pháp chủ GHPGVN
Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Quyền Pháp chủ GHPGVN

Thành hội Phật giáo TP.HCM thời điểm đó có thắng duyên rất lớn, đó là các bậc chân tu thạc đức đã cùng đến với nhau, bỏ lại đằng sau mọi dị biệt. Dù ở hệ phái nào đi nữa, nhưng chính trí tuệ giải thoát đã giúp các ngài vượt lên giới hạn của lịch sử để nhìn rõ thực tế và tiếp xúc với nhau trên chuẩn mực tâm linh. Cụ thể là sự kết hợp trợ duyên cho nhau giữa Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh - một bậc giáo phẩm có uy tín lớn trong giới Phật giáo miền Nam, một nhà phiên dịch kinh điển Đại thừa, và Hòa thượng Thích Thiện Hào - một nhà tu hành có truyền thống cách mạng, hậu duệ của danh nhân Trương Minh Giảng, đồng thời là học trò ưu tú của Tổ Huệ Đăng, cũng là một nhà cách mạng trước khi xuất gia tu hành, và trở thành Tổ sư Thiên Thai.

Tăng Ni, Phật tử và những người yêu nước thấy trong Thành hội Phật giáo có Hòa thượng Thích Thiện Hào, một biểu tượng mà họ kính trọng; đồng thời, những ai chuyên tâm tu hành cũng thấy được trong Thành hội có Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh, một bậc thầy đáng kính nên tất cả đều hết sức yên tâm và đặt trọn niềm tin vào sự lãnh đạo của hai vị. Đó là nhân duyên lớn đưa đến sự thành công của Đại hội đại biểu Phật giáo TP.HCM đầu tiên, thành lập Ban Trị sự Thành hội Phật giáo vào đầu tháng 6 năm 1982. Đại hội đã nhất tâm suy cử Hòa thượng Thích Trí Tịnh làm Trưởng ban, Hòa thượng Thích Thiện Hào làm Phó Trưởng ban Thường trực, điều hành mọi hoạt động của Phật giáo TP.HCM.

Sự kết hợp một cách nhuần nhuyễn giữa hai vị giáo phẩm lãnh đạo với phẩm chất đặc biệt về tôn giáo và tương quan thực tế do quá trình hoạt động cách mạng đã tạo nên sự thuận lợi, ổn định, hài hòa cho tình hình Phật giáo tại TP.HCM ở nhiệm kỳ đầu sau khi thành lập, vượt lên tất cả khó khăn do quan điểm, lập trường tư tưởng, thái độ lịch sử của từng hệ phái, tổ chức hình thành trước đó.

Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh và Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Hào
Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh và Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Hào

* Là vị giáo phẩm lãnh đạo gắn bó và làm việc trực tiếp với nhị vị Hòa thượng tiền nhiệm, tính cách và điều gì ở hai vị đã để lại ấn tượng sâu sắc đối với Hòa thượng?

- Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh là bậc chuyên tu. Ngài có một chiều sâu tâm linh-tôn giáo. Tăng Ni, Phật tử dường như ai cũng có thể cảm nhận được.

Như tôi đã nói, Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Hào là một đệ tử ưu tú của Tổ Huệ Đăng, một bậc tu hành đắc đạo, có tầm nhìn sâu rộng người thường khó có thể hiểu được. Ngài có sức tập hợp quần chúng rất lớn thời bấy giờ. Hòa thượng Thích Thiện Hào chịu ảnh hưởng trực tiếp từ vị Thầy tâm linh của mình là Tổ Huệ Đăng. Tuy ngài đi làm cách mạng, nhưng qua nhiều chia sẻ của Hòa thượng, tôi nhận thấy trong tâm hồn của ngài luôn luôn nghĩ tới Phật, luôn có sự hiện hữu của Thầy Tổ.

Nếu chỉ nhìn qua hình thức, nhiều người nghĩ hai vị giáo phẩm lãnh đạo này (Hòa thượng Thích Trí Tịnh và Hòa thượng Thích Thiện Hào - PV) có một khoảng cách rất lớn; nhưng kỳ thực, chân linh của hai ngài lại gặp nhau, do đó đã có sự hợp tác và trợ duyên cho nhau một cách hài hòa, không hề có sự ngăn ngại.

Nói cách khác, những tâm hồn lớn các vị gặp nhau trong một thể thống nhất, vì đạo pháp, vì dân tộc.

Đó là một thực tế mà chúng ta có thể thấy thái độ kính trọng của chư tôn túc ở các miền, cũng như Tăng Ni, Phật tử không chỉ tại TP.HCM mà cả nước dành cho Hòa thượng Thích Thiện Hào với những gì mà ngài đã làm cho Phật giáo TP.HCM cũng như cả nước trong vai trò một nhà tu hành, một vị giáo phẩm lãnh đạo tôn giáo.

Tôi nghĩ nếu làm cách mạng mà có tâm hồn lớn như Hòa thượng Thích Thiện Hào thì sẽ đem lại nhiều lợi lạc lớn cho đất nước, cho tôn giáo. Bởi ngài đã làm cách mạng với tâm hồn của một người có tôn giáo, lúc hoàn thành trách nhiệm thì trở về với đời sống của nhà tu hành thực sự. Do đó, được mọi người, mọi giới kính trọng. Điều này không phải ai cũng làm được.

Tôi đã học được từ các ngài chính là sự hợp nhất ấy, nghĩa là mọi ứng xử đều đặt trên nền tảng của tâm linh. Làm cách mạng hay chuyên tu đều ở trong pháp tánh của Phật, vì lợi ích cho tất cả chúng sanh. Đó là cốt lõi của đạo Phật.

Phật giáo TP.HCM đã được khởi đầu như vậy, từ đó được nhân rộng nhiều nơi, phát triển cho tới ngày nay.

Tôi nhớ những dịp sau khi GHPGVN ra đời, tôi tháp tùng Hòa thượng Thích Trí Thủ - Đệ nhất Chủ tịch Hội đồng Trị sự, và Hòa thượng Thích Thiện Hào đi làm việc ở các tỉnh, thành phố khác để thành lập Giáo hội ở các địa phương. Qua ứng xử của các ngài, đặc biệt là Hòa thượng Thích Thiện Hào, tôi càng thấu hiểu mô hình đặc thù mà Giáo hội đã đúc kết thành phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội” là tất yếu lịch sử trong mối tương quan Phật giáo là một bộ phận của dân tộc.

Với GHPGVN giai đoạn đầu, Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Hào có một vai trò rất quan trọng không chỉ tại TP.HCM mà cả nước, là chiếc cầu nối để lãnh đạo Đảng hiểu Phật giáo, đồng thời tạo thuận duyên để các nhà tu được làm việc đạo theo hạnh nguyện.

Một số người cho rằng Phật giáo TP.HCM phát triển ở những nhiệm kỳ sau này trong lúc tôi điều hành Phật sự. Nhưng kỳ thực, thành quả hôm nay chính là hoa trái của một thân cây có gốc rễ khỏe mạnh đã được quý Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Hòa thượng Thích Thiện Hào vun trồng. Nhờ sự kết hợp trong một thể thống nhất ấy mới tạo nên cái gốc vững vàng để cành lá được vươn lên đâm chồi nẩy lộc và đơm hoa kết trái…

Chư vị giáo phẩm các tổ chức, hệ phái Phật giáo gặp gỡ tại TP.HCM
Chư vị giáo phẩm các tổ chức, hệ phái Phật giáo gặp gỡ tại TP.HCM

* Nếu chỉ tính trong nhiệm kỳ vừa qua, Phật giáo TP.HCM đã có nhiều thành tựu, để lại dấu ấn trên nhiều phương diện, lĩnh vực. Với 40 năm kể từ ngày thành lập Thành hội Phật giáo TP.HCM thì số lượng thành tựu đã đạt được chắc chắn rất nhiều nếu phải liệt kê. Với Hòa thượng, trong vai trò lãnh đạo trực tiếp của Phật giáo TP.HCM nhiều nhiệm kỳ, theo ngài, thành tựu nào là lớn nhất?

- Điều quan trọng nhất trong đạo Phật là trí tuệ. Có trí tuệ mới thấy rõ, thấu hiểu và có sự kết hợp trong tinh thần duyên sinh.

Tôi là người kế thừa nên trước hết thấy rõ tâm nguyện của chư vị Hòa thượng lãnh đạo trước và kế thừa cái thể thống nhất mà quý ngài đã thiết lập, làm nên một nền tảng vững chắc cho Phật giáo không chỉ tại TP.HCM mà cả nước.

Trong cái nhìn rõ ấy, chúng ta thấy được Phật giáo là một bộ phận của dân tộc, vì dân tộc; Đảng cũng vì dân tộc. Đó là mẫu số chung. Điều quan trọng là chúng ta thấy được điểm chung bên cạnh vai trò đặc thù mà xã hội đã quy ước và lịch sử đã phân công. Đảng có tiếng nói của Đảng trong trách nhiệm lãnh đạo đất nước. Phật giáo có tiếng nói tôn giáo của mình. Chúng ta đừng nhầm lẫn vai trò xã hội và trách nhiệm lịch sử đối với dân tộc. Nếu tôn giáo nói tiếng nói của Đảng và Nhà nước thì đó là một sự ngộ nhận và tín đồ thường không dễ chấp nhận. Phật giáo có tiếng nói tôn giáo phù hợp với tâm hồn và những gì đã được thiết định trở thành truyền thống trong đời sống tâm linh của người Phật tử. Chính điều đó làm nên vẻ đẹp và sự phong phú của xã hội Xã hội chủ nghĩa.

Suốt thời gian dài tôi điều hành các hoạt động của Phật giáo như những gì đã qua là nhờ cái nhìn ấy. Tôn trọng sự khác biệt đặc thù nhưng không đi ngoài cái thể thống nhất trên. Chúng ta không nói đến những trường hợp thoái hóa tư tưởng và đạo đức; không thể lấy cá biệt để quy chụp cho tổ chức, trong Đảng cũng như trong tôn giáo.

Thực tế, có những việc tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng sẽ làm tốt trong khi Đảng không làm được. Nhờ có sự thấu hiểu, ủng hộ, tôn giáo mới phát triển một cách toàn diện.

Trên nền tảng hiểu biết, Đảng hiểu được mục tiêu của Phật giáo là nhằm đem lại lợi lạc cho quần sanh, Phật giáo cũng hiểu được trách nhiệm của Đảng là vì lợi ích của dân tộc, nhờ sự cảm thông đó mà sẵn sàng hỗ trợ cho nhau. Những việc làm của Phật giáo TP.HCM, đặc biệt là về an sinh xã hội, ổn định tinh thần cho một khối không nhỏ nhân dân ở thành phố này, như Phật giáo đã làm trong đợt bùng phát của đại dịch Covid-19 vừa rồi. Với Phật giáo, trong nhận thức giáo lý duyên sinh, tâm từ bi thì những việc làm trên là tất yếu như vậy. Tuy nhiên, tôi nghĩ Đảng cũng đã thấy rõ thực tế và có niềm tin đối với chúng ta trên cơ sở hiểu biết và cảm thông lẫn nhau trong thể thống nhất cùng vì lợi ích cho dân tộc thì luôn sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ và không có khó khăn gì không thể vượt qua để phát triển mạnh.

Tôi nghĩ đó là thành tựu lớn nhất, là điều sẽ để lại cho thế hệ kế thừa, mai sau. Bởi các thành tựu vật chất khác là quan trọng, nhưng rồi cũng bị chi phối bởi các pháp hữu vi, biến hoại theo quy luật vô thường. Thấy được chiều sâu tâm linh của Phật giáo mới là điều quan trọng hơn cả.

Thấy được lịch sử dân tộc, tình hình đất nước trong bối cảnh chung của nhân loại để có những uyển chuyển trong hành động, đóng góp thiết thực cho cộng đồng, tôn giáo không còn giới hạn trong hoạt động lễ nghi tín ngưỡng mà tham gia rộng hơn vào giáo dục, đối ngoại… nhằm tạo nhịp cầu cảm thông, cùng nỗ lực xây dựng đất nước, góp phần xây dựng nền hòa bình, an vui cho nhân loại trong tinh thần duyên sinh.

Đó là thành tựu quan trọng nhất của 40 năm hình thành và phát triển của Phật giáo TP.HCM cũng như GHPGVN.

* Thời điểm này, Phật giáo TP.HCM sẽ chuyển tiếp nhân sự trong Ban Trị sự, chuẩn bị cho nhiệm kỳ 2022-2027. Với tầm nhìn của vị lãnh đạo nhiều nhiệm kỳ, Hòa thượng nhận định và kỳ vọng gì về nhân sự kế thừa được giới thiệu để Đại hội lần thứ X suy cử chính thức?

- Đối với tôi, trong cái nhìn về hiện thực, yêu cầu công việc và khả năng liên quan tới nhân sự đã được Giáo hội quy định và hướng dẫn để theo đó giới thiệu nhân sự tham gia Ban Trị sự, tạo thêm điều kiện để họ được đóng góp, chung sức làm các công việc ý nghĩa đem lại lợi lạc cho số đông, tiếp tục phát huy và xây dựng Phật giáo ngày càng phát triển.

Tôi không đặt nặng kỳ vọng vào cá nhân này hay con người kia. Bởi tôi nghĩ, khi được tạo cơ duyên, tất cả mọi người tham gia đều có thể đóng góp được và đóng góp thiết thực hoặc mặt này hoặc mặt khác trong sự phân công theo năng lực cũng như hạnh nguyện của mình.

Trong Phật giáo, đôi khi chúng ta gặp những vị tu sĩ không tham gia các công tác xã hội, họ chỉ chuyên tu. Không vì vậy mà cho rằng những vị đó không có đóng góp. Kỳ thực họ cũng có những đóng góp cho Phật giáo qua việc làm sáng vẻ đẹp của người tu có chiều sâu tâm linh, khiến nhiều người có niềm tin đạo đức. Bên cạnh đó, có những vị lăn xả vào cuộc đời, làm hết việc này sang việc khác… cũng có đóng góp của mình. Thậm chí có người có tư duy và sáng tác nên các tác phẩm nghệ thuật khiến cho người khác cảm nhận được Phật giáo cũng có sự đóng góp đáng trân trọng…

Tôi mong tất cả những vị được suy cử vào Ban Trị sự, các chức danh chủ chốt trong Ban Thường trực sẽ có sự kết hợp, cùng vì việc chung là làm cho Phật giáo phát triển, làm cho dân tộc đi lên, thay vì tìm lỗi để chỉ trích, vì trong cuộc đời này khó có ai vẹn toàn. Đó là điều mà tôi thấy được qua tấm gương của 2 vị giáo phẩm lãnh đạo tiền nhiệm là Hòa thượng Thích Trí Tịnh và Hòa thượng Thích Thiện Hào. Nhìn bên ngoài của đời sống thì dường như hai vị ở hai thái cực hoàn toàn khác nhau, nhưng sự thật thì cả hai vị có chung một tâm nguyện, hết lòng phụng sự chúng sanh.

Chân thành cảm ơn Hòa thượng đã dành thời gian trả lời phỏng vấn của báo Giác Ngộ!


Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.