Xuyên suốt chiều dài lịch sử phát triển của GHPGVN thì cư sĩ Phật tử luôn có vai trò quan trọng nhất định trong các hoạt động Phật sự, để lại dấu ấn to lớn trong các thành tựu chung của Giáo hội. Họ như những vị hộ pháp, đồng hành cùng Tăng Ni thực hiện tốt nhiệm vụ duy trì mạng mạch của Phật pháp.
Họ có thể xuất hiện ở nhiều vai trò, ngành nghề khác nhau, có vị là mạnh thường quân, nhà giáo dục, bác sĩ, kỹ sư… nhưng cùng chung chí hướng hết lòng phụng sự Tam bảo, chung sức cùng Giáo hội trong các lĩnh vực về kinh tế, văn hóa, từ thiện, góp phần tôn vinh đạo đức nhân sinh của Phật giáo Việt Nam. Lịch sử Phật giáo Việt Nam đã ghi nhận công đức của nhiều vị cư sĩ đã tham gia công tác Giáo hội từ cấp tỉnh đến Trung ương, qua các thời kỳ như: Cư sĩ Tâm Bửu - Tống Hồ Cầm (1918-2022), ông là một trong những cư sĩ tiêu biểu của thời kỳ chấn hưng Phật giáo Việt Nam tại miền Trung và cả miền Nam sau này, cũng như tham gia và giữ nhiều chức vụ trong Giáo hội, Nhà nước.
Ngày nay, khi đã ổn định và phát triển hơn, Giáo hội cũng tập trung đào tạo được nhiều thế hệ Tăng Ni tài đức kế thừa có chất lượng. Số lượng Tăng Ni tham gia vào tổ chức Giáo hội vì vậy cũng được tăng lên, mọi người cùng chia nhau tâm sức để lo việc chung vì vậy số lượng cư sĩ tham gia vào tổ chức Giáo hội cũng theo đó mà ít đi.
Để tiếp nối những giá trị mà các bậc đi trước đã để lại, bản thân tôi hy vọng Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX tới đây, chư tôn đức sẽ xem xét lại quy định về độ tuổi của cư sĩ Phật tử khi tham gia các tổ chức của Giáo hội.
Căn cứ theo Hiến chương và Nội quy, Quy chế hoạt động của Ban Trị sự tỉnh, thành, tôi thấy quy định về độ tuổi 60 cho cấp huyện và 70 tuổi cho cấp tỉnh không được tham gia vào Ban Trị sự. Đây là một hạn chế vì đa số cư sĩ là những công dân sau khi hoàn thành công tác xã hội, đã về hưu mới có thời gian cống hiến cho Đạo pháp. Họ có đủ kinh nghiệm để góp phần san sẻ cùng chư tôn đức trong các Phật sự nhưng lại gặp trắc trở về quy định tuổi tác.
Ngoài ra, để hàng cư sĩ Phật tử có thể dấn thân phục vụ cho Giáo hội tích cực, mạnh mẽ và vững chắc hơn nữa, tôi cũng mong Giáo hội có những lớp tập huấn hành chánh văn phòng, phổ biến Luật Tín ngưỡng, tôn giáo để hàng cư sĩ tại gia hiểu rõ hơn đường hướng hoạt động của Giáo hội mà phụng sự cho đúng Hiến chương đề ra.
Hướng đến Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027, từ 27 đến 29-11-2022 tại Hà Nội, mỗi ngày Giác Ngộ Online sẽ giới thiệu các ý kiến, đóng góp xây dựng của chư Tăng Ni, Phật tử, các nhà nghiên cứu đối với các lĩnh vực hoạt động của Giáo hội.
Tổng hợp các ý kiến, phát biểu thiết thực sẽ được đăng trong ấn phẩm Báo Giác Ngộ số đặc biệt chào mừng Đại hội, dự kiến phát hành ngày 18-11-2022.
Mọi ý kiến, bài cộng tác xin gửi về email onlinegiacngo@gmail.com, chủ đề thư điện tử xin viết: “Hướng về Đại hội IX GHPGVN”. Bài viết xin ghi thông tin địa chỉ, số điện thoại liên lạc và ảnh chân dung tác giả để tiện cho liên lạc khi cần trao đổi và minh họa theo quy định.