Cụ bà nhặt rác ở Hội An

GN - Xách chiếc bao băng bộ hơn 5 cây số qua nhiều tuyến đường ở phố cổ Hội An để nhặt rác ở tuổi 84 là công việc thường ngày của cụ Lê Thị Phương, số nhà 220 đường Lý Thường Kiệt, thành phố Hội An (Quảng Nam). Con cái không cho cụ đi nhưng hàng ngày cụ vẫn lặn lội vất vả đến các thùng rác ở cơ quan, bưu điện, thư viện, thùng ATM…

Cả ngày nhặt rác...

1.jpg

Cụ đi nhặt rác không phải để kiếm sống - Ảnh: T.G

Trong không gian im lặng ở thư viện thành phố Hội An, bỗng giọng của một nữ sinh thốt lên :”Cô ơi, bà già kìa!”. Cô bé lấy làm ngạc nhiên khi thấy một bà cụ đã ngoài 80 mặc chiếc áo màu đà, quần đen, đội nón tay cầm một cái bao đang lục lọi ở thùng rác bên cạnh cửa ra vào của thư viện. Cô thủ thư vẫn bình thản như không có chuyện gì bởi cô quá quen với bà cụ nhặt rác vẫn hàng ngày đến đây lượm lặt giấy vụn...

Cũng từ đó, tôi chú ý đến bà và một buổi chiều tôi theo bà trong hành trình nhặt rác. Trên đường, cụ bà nhặt những gì có thể bán được: một tờ vé số, hay một tấm vé tham quan hết hạn cụ bà cũng cúi nhặt. Mặc dầu những thứ đó rất nhẹ, bán cân ký thì không được bao nhiêu tiền cả. Hầu hết các thùng rác các cơ quan, bưu điện, thư viện, thùng ATM... những thùng rác trên các tuyến đường đi qua, cụ đều “ghé thăm”.

Tôi theo bà cụ về nhà khi công việc bà trong ngày đã xong, lúc này trời cũng đã tối hẳn. Bà đổ giấy ra để phân loại và tôi chợt nhớ ra một điều, rất lấy làm ngạc nhiên, vì lúc chiều, rõ ràng tôi thấy bà có nhặt một gói bánh ngọt trong thùng rác ven đường nhưng giờ không có ở đây. Hỏi thì bà bảo một cách rất tự nhiên là đã cho một người quen có nuôi heo rồi.

Trong khi trò chuyện, cụ lấy ra tờ 5 nghìn đồng bảo là lì xì cho tôi. Lại thêm một bất ngờ nữa. Tôi từ chối vì làm sao nhận được khi biết bà đi nhặt rác mỗi ngày không quá 15 nghìn đồng. Có người để dành lon bia, hay hộp giấy các-tông khi bà đến thì cho. Tôi hỏi sao cụ không nghỉ cho khỏe mà đi vất vả, xe cộ phố xá đông đúc... thì cụ bảo con cháu không cho cụ đi nhưng không đi ở nhà thì thấy bứt rứt không yên được. Điều lạ hơn, khi đi lượm rác, khi gặp đinh hay vật gì có thể gây ảnh hưởng đến người tham gia giao thông, dù không ai bảo, cụ vẫn nhặt, cho vào bao...

Đi nhặt rác không phải vì tiền...

Những người dân cùng sống cạnh nhà bà cụ cho biết, cách đây 10 năm, hồi còn đi bán vé số cụ có trúng 2 vé giải đặc biệt do cụ giữ lại. Rồi không biết số tiền ấy đi về đâu. Gặng hỏi thì được cụ tiết lộ hiện giờ cụ còn gửi ngân hàng hơn 20 triệu đồng. Vậy, cụ bà đi nhặt rác là không vì miếng cơm manh áo hay cưu mang ai mà có lẽ đi nhặt rác đối với cụ là niềm vui, rèn luyện sức khỏe. Và phải chăng, cụ đi nhặt rác cũng là để tìm sự thanh thản giữa dòng đời còn lắm nỗi ô trọc này... Hay vì một điều gì ẩn trắc mà chưa ai hiểu được!!!

2.jpg

Hàng ngày cụ vẫn đi nhặt rác trên đường phố - T.G

Có lúc, trong khi đi nhặt rác, người ta tưởng cụ là một người ăn trộm. Có người đã đuổi cụ ra khỏi quán vì sợ cụ lấy đồ đạc. Nhưng cụ vẫn âm thầm bước đi, không nói lại một lời nào cả. Cụ chỉ lấy những gì người ta cho. Không những rác mà cả những gói bánh, trái cây hư... trong những thùng rác cụ cũng nhặt. Thường những thứ này cụ đem cho nhà người quen làm thức ăn gia súc chứ ít khi mang về nhà.

 Buổi sáng, sau khi bán hàng (rác) đã nhặt được ngày hôm trước, cụ thường ăn một chén xí mà (một món ăn đặc sản mà cũng là biểu trưng của văn hóa ẩm thực truyền thống Hội An). Cụ bảo đây là món ăn mà cụ rất thích. Hôm nào được nhiều giấy bán được nhiều tiền thì cụ tìm mua một tờ vé số có hai số đuôi giống với số năm xưa cụ đã trúng, và từ xưa đến giờ cụ chỉ mua mỗi số ấy...

Cụ bảo: “Năm ngoái, con tui giấu hết bao, không cho đi có mấy ngày mà chịu không được… Chân tay tê cứng hết lại. Chờ lúc con cháu đi vắng hay nghỉ trưa thì tui lại đi lượm rác. Tôi nhặt rác như là cái nghiệp, không đi là không được…”.

Hàng ngày, cụ đi nhặt lại những gì người ta đã bỏ đi, đó là công việc của cụ và cụ thấy mình vui hơn trong cuộc sống. Cụ thấy tuổi già của mình có ý nghĩa hơn một chút khi còn đi lại nhiều nơi, nhặt nhạnh những gì người ta bỏ đi. Khi mà các bãi rác ở nhiều nơi đang trong trình trạng quá tải thì công việc bé nhỏ của cụ Phương lại mang một ý nghĩa xã hội không hề nhỏ...

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.