Cọp trong tâm thức người dân Nam bộ

Cọp trong tâm thức người dân Nam bộ
Trải qua bao biến đổi thăng trầm của lịch sử, Nam bộ hôm nay là vùng đất trù phú, nơi dung nạp nhiều bộ phận dân cư khác nhau từ mọi miền đất nước đến đây lập nghiệp. Quả là “đất lành chim đậu”.

Ngày nay đến với đồng bằng Nam bộ, ít người còn hình dung được cái thiên nhiên đầy vẻ hoang sơ của buổi đầu khai phá. Chính những câu chuyện kể, truyền thuyết, các giai thoại còn tồn tại trong ký ức, các địa danh, ca dao dân ca mà các tài liệu địa chí đã ghi nhận được từ xa xưa truyền lại, giúp ta hình dung được khung cảnh thiên nhiên ấy.

Cơ sở hình thành ký ức về cọp ở Nam bộ

Ký ức về cọp của người Việt ở Nam bộ gắn liền với tiến trình con người khai phá vùng đất này. Cái buổi ban đầu ấy, những người dân mở đất với hành trang thô sơ vừa từ ghe bầu, thuyền buồm đặt chân lên vùng đất hoang rậm, sông sâu, thú dữ như hiệp sức thử thách người mới đến.

Để khai phá đất, lập làng, lập ấp, người Việt cũng như đồng bào các dân tộc ít người, ngoài việc gặp những cánh đồng hoang vắng, những đầm lầy heo hút, những rừng rậm bạt ngàn, họ còn gặp khá nhiều thú dữ. Đáng nói nhất trong loài thú dữ nơi này là cọp. Cọp rất nhiều và là mối đe dọa thường xuyên làm cản trở công cuộc khẩn hoang lập ấp, đe dọa thường trực tính mạng của con người sống ở đây:

Đồng Nai xứ sở lạ lùng,
Dưới sông cá lội, trên rừng cọp um

* Cọp Gia Định:

Sách Đại Nam nhất thống chí ghi mùa xuân năm Canh Dần 1770 đời vua Duệ Tông có con mãnh hổ vào nhà người ở phía nam chợ Tân Cảnh, hai nhà sư Hồng Ân và Trí Năng đã diệt được cọp.

Trịnh Hoài Đức đã nói về loài này ở đất Gia Định bằng câu tục ngữ: “Dữ như cọp Vườn Trầu”. Viết về “Vườn Phù Lâu”, ông cho biết “chỗ ấy còn nhiều rừng rậm, mãnh hổ thường hay bắt người, nên có câu “Dữ như cọp Vườn Trầu”. 

Đến cuối thế kỷ XIX, số người chết vì cọp vẫn còn đáng kể: “...cọp, sấu còn hoành hành ở vùng quê Bến Tre, Gò Công, An Hóa vào khoảng 1900 - 1910, nào riêng gì vùng sình lầy phía Cà Mau. Bên bờ Hậu Giang ngày nay, vùng Phong Điền nổi danh trù phú với vườn cam quýt - vào khoảng 1900 cọp vẫn còn tại đó”.

Năm 1909, tuần báo Nam kỳ địa phận dành để tuyên truyền phổ biến giáo lý đạo Thiên chúa mà còn đăng tải những tin tức về cọp như chuyện thời sự hằng ngày. Mãi đến sau năm 1930 mà cọp còn lảng vảng ở vùng Rạch Giá, Cà Mau, Bảy núi.

* Cọp Tây Ninh:

“Ngày xưa Tây Ninh toàn là rừng già... cho nên nó là giang sơn của cọp, voi, mang, mển... Thời ấy chúa sơn lâm hay bén mảng gần xóm đông dân cư để rình bắt heo bò và cõng người về rừng xé xác... Năm 1947 - 1948 cọp loạn rừng. Tại xã Ninh Thanh - ấp Chánh, cọp đã ăn 3 mạng người và mỗi đêm thường về ấp này bắt heo mang vô rừng ăn dần”.

* Cọp Vũng Tàu:

“Vùng Núi Lớn xã Thắng Nhì gần chợ Bến Đá, có ngôi chùa gọi là Điện Bà do nhà sư họ Trương sáng lập. Bên cạnh Điện Bà năm 1949 còn dấu tích hai miệng hang lớn, theo lời của dân chúng kể lại, đó là hai cái hang ông thần Hổ ở tu ngày xưa. Họ kể rằng, vào thời kỳ này có hai vị chúa sơn lâm chiều chiều khi tới giờ công phu, thường đến ở ngoài ngồi nghe kinh, và chẳng bao giờ bắt gà vịt, quậy phá dân ở quanh vùng, sau đó ở tu luôn tại hai cái hang ấy. Một ông tu tại đó cho tới chết, còn một ông bị người Pháp bắn nhầm khi đi kiếm ăn ngoài rừng. Trong chùa hay tin tới xin xác về chôn tại trong hang ông ở, lấy lại cái đầu phơi khô đem thờ trong chùa, sau bị đánh cắp mất. Ngôi chùa này trước có tên là Long Nhan điện”.

Một di tích của thời cọp lộng hành Vũng Tàu năm xưa là miếu thờ thần Hổ, về sau này Hội điện sửa sang và xây cất lớn lên thành Điện thờ Ngũ hành và Quan Thánh. “Con đường mòn từ trên ngọn hải đăng đi xuống bãi Thùy Vân ngày xưa dây leo chằng chịt, cây cối rậm rạp rất khó đi, được dân sở tại đặt tên là đường mòn Ông Hổ”. 

* Cọp Bến Tre:

Trên dải cù lao An Hóa (nay là đất Châu thành, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre), mãi đến năm 1902, địa phương chí tỉnh Mỹ Tho vẫn chép: “làng Tân Định... có rừng cọp, heo rừng, nai, chồn”, “làng Bình Đại dã thú lớn rất nhiều”, “làng Thới Thuận lắm cọp, heo rừng”...

Viết về trấn Vĩnh Thanh của Nam bộ xưa thì: “Xứ này có nhiều sấu và cọp dữ, nhưng dân cư đã quen thường, nên không sợ hãi, tuy người bé và đàn bà cầm dao cắt cỏ và đòn xóc cũng bắt được cọp”.

* Cọp Bạc Liêu - Cà Mau:

Người dân nơi đây còn nhớ:

Cà Mau lúc trước thấy mà ghê!
Ai muốn làm ăn đến phải về
Dưới nước đỉa lềnh, sấu lểnh nghểnh,
Trên bờ cọp rống, muỗi vo ve...

Cọp trong tâm thức người dân Nam bộ ảnh 1
Cọp U Minh bị người Pháp săn bắn

Ở Cà Mau còn tương truyền “Cọp Cà Mau hàu Đá Bạc”. Năm 1898, một quan chức của Pháp khi báo cáo về thị xã Cà Mau vẫn nói: “sau mấy rặng bần, rặng cau quanh chợ là vùng đất thấp, về đêm nghe rõ từng bầy nai gọi nhau và cọp rống vang dội từng chặp”.

Cọp qua chuyện kể

Chuyện dân gian về cọp có nhiều hay ít tùy thuộc vào mật độ cư trú nhiều ít, tùy thuộc vào mức độ mà con người đối mặt với chúng. Những câu chuyện kể về cọp còn phản ánh những thái cực khác nhau trong tâm lý tình cảm của con người đối với loài này. Thái độ của người dân hồi đó đối với cọp cũng rất lạ. Với người lưu dân đi khai khẩn đất hoang lập làng ấp, phum, sóc, cọp là một kẻ thù nguy hiểm đáng sợ, vì thế để có được địa bàn sinh sống yên ổn để lao động sản xuất thì họ phải đánh bại cọp, chinh phục cọp, thuần hóa cọp; nhưng mặt khác họ vừa sợ hãi lại vừa tôn kính cọp. Cả hai điều ấy ghi nhận một hiện thực phức tạp trong tâm lý con người mở đất, vì thế trong những chuyện dân gian về cọp phản ánh những xu hướng hiện thực hoặc thần thánh hóa, nhân cách hóa cọp và cả những con người đánh cọp hoặc thuần hóa cọp.

Chuyện đánh cọp, diệt cọp

Bến Tre là xứ sở nổi tiếng lắm cọp, nhiều sấu. Việc đánh cọp, diệt sấu đã đi vào truyền thuyết dân gian phổ biến với mức độ đậm đặc nhất so với các địa phương khác ở Nam bộ.

“Đến Bến Tre, từ vùng đất nhiễm mặn đến vùng nước ngọt, đâu đâu ta cũng có thể nghe kể chuyện về cọp, những giai thoại bắt cọp, diệt cọp đầy tính chất can trường và dũng cảm, những chuyện thuần hóa cọp để cưỡi đi chơi, đi ăn giỗ, từ chuyện Bà Mụ đỡ đẻ cho cọp đến chuyện “Nghĩa hổ” mang tính ngụ ngôn. Dù được người đời thêm thắt ít nhiều nhằm ly kỳ hóa sự việc, cái lõi của sự thật vẫn là: nơi đây đã có một thời không hiếm những loài thú dữ bốn chân... con người đã phải chống trả lại chúng vô cùng vất vả để tồn tại”.

Chuyện về hai anh em Bảy Giao, Chín Quỳ lưu truyền khắp vùng Cồn Tàu (Bến Tre) và cả Mỹ Tho, Vĩnh Long. Chuyện kể: vùng Cồn Tàu lúc còn hoang vu, là giang sơn của một vị hung thần rất thiêng, có hai bộ hạ là hổ và lợn trấn giữ, ai muốn khai phá phải nộp mạng người. Hai anh em Bảy Giao và Chín Quỳ nghe tin đó liền đến đây xin được phá rừng và hẹn ba năm sau sẽ nộp mạng, thần đồng ý. Đến kỳ hạn nộp mạng, hai anh em nhờ thợ rèn, rèn cho hai côn sắt to, rồi quyết tử với hai bộ hạ của hung thần. Hai anh em giao đấu khá vất vả, cuối cùng cũng hạ được đối thủ. Từ đó thần hết thiêng, không còn đòi nạp mạng và dân làng đã đổ xô tới lập nghiệp ở Cồn Tàu.

Chuyện hai thầy trò nhà sư Hồng Ân và Trí Năng: vào giữa ngày tết năm 1771, cọp từ rừng Sác, có lẽ từ phía Cần Giuộc kéo về chợ Tân Kiểng trên đường vào Chợ Lớn, bà con cấp báo cho quân sĩ ở đồn Dinh. Lúc bấy giờ có hai thầy trò nhà sư rất giỏi võ nghệ là sư Hồng Ân và Trí Năng xung phong dùng côn giết cọp. Mãnh thú bị hạ, nhưng sư Hồng Ân cũng bị thương rồi chết.

Chuyện bà mụ Trời đỡ đẻ cho vợ cọp, được chúng trả ơn... Chuyện “hổ có nghĩa” như thế này hầu như có ở khắp nước ta, như ở huyện Đông Triều là chuyện bà đỡ Trần. Dân gian kể, hổ đực đền ơn cho bà cục bạc, về nhà cân được hơn 10 lạng. Chuyện “hổ mắc xương” cũng được kể ở phía Bắc, người cứu hổ là một ông tiều phu ở huyện Lạng Giang, khi ông mất hổ vẫn mang da lợn đến cúng trước mồ.

Ngoài những chuyện kể về người đánh cọp - những bậc tiền hiền khai quốc, hậu hiền khai cơ, những người có công khai phá và bảo vệ thành quả lao động, bảo vệ cuộc sống nói chung - là những câu chuyện kể về người thật việc thật có tính chất ký sự; còn dạng tồn tại nữa là những địa danh dân gian liên quan đến cọp.

Địa danh gắn với cọp

Dấu ấn cọp còn để lại qua nhiều địa danh, những địa danh này được hình thành trên cơ sở những sự kiện có thật ở địa phương, gắn bó hữu cơ với quá trình khai khẩn đất đai và tạo lập làng xã.

- Tổng Ăn Thịt ở vùng Cần Giờ, nơi cọp hay ăn thịt người, phải nói gọn lại vì kiêng cử là An Thịt.

- Đìa Cứt Cọp ở huyện Giồng Trôm, tương truyền ngày xưa ở đây có nhiều cọp, chúng tụ tập săn mồi, phóng uế bừa bãi. Do vậy mà dân gian gọi đìa này là Đìa Cứt Cọp.

- Địa danh mang tên Đồn Cọp ở huyện Chợ Lách (Bến Tre), được kể như sau: nơi đây trước kia cọp thường về phá hoại, dân chúng tổ chức lấy thân cau làm rào vây cọp lại, rồi báo cho tỉnh mang súng về bắn chết. Do vậy mà nơi đây có tên này.

- Địa danh Mỏ Cày cũng được dân gian Bến Tre giải thích liên quan đến sự tích về cọp: ngày xưa ở đây có rất nhiều cọp, do đó khi đi làm, người dân phải mang theo mõ, để vừa cày vừa đánh mõ làm cho cọp sợ trốn không dám ra làm hại người. Do đó người ta gọi xứ này là Mỏ Cày (chữ mõ biến thành Mỏ). Ở Bến Tre còn có những địa danh như Giồng Ông Hổ, Giồng Rọ (một loại bẫy cọp), bưng Hai Hổ, miếu Ông Hổ... 

- Ở Sa Đéc còn tên đất gọi là Hổ Cứ.

- Bãi Hoàng Dung (ở phía tây bắc hạ lưu sông Hậu), do ở đây có nhiều cọp nên dân gian cũng gọi nơi này là Hổ Châu (cù lao Ông Hổ). Đây cũng là quê hương của Chủ tịch Tôn Đức Thắng (xã Mỹ Hòa Hưng - thuộc thành phố Long Xuyên), hiện nay có Đền thờ Bác Tôn ở đây và là nơi du lịch của An Giang.

- Đồi Ngũ Hổ ở Hà Tiên, hình dạng như dáng cọp ngồi khum lưng cúi đầu, biểu tượng phong cách hổ phục là vị thế “tượng chầu hổ phục” - chỉ nơi có hệ thống phòng thủ thiên nhiên kiên cố, chính là nơi cứ điểm trọng yếu.

Thờ cọp

Ở Nam bộ còn có dạng tồn tại khác về cọp là miếu thờ cọp. Phần lớn các đình làng ở Nam bộ đều có miếu thờ, tượng thờ ông Hổ.

Cọp trong tâm thức người dân Nam bộ ảnh 2
Miếu thờ ông Hổ (Long An)

“Ở Long An cọp được thờ ở đình làng như một vị thần, cọp thờ ở Long An là biểu thị một sức mạnh thiên nhiên có thể hại người mà cũng có thể giúp người, cụ thể hóa thành con thú có vằn đen xưa kia sống quanh xóm làng”.

- Đình làng Quới Sơn (Châu Thành, Bến Tre) còn thờ cả cái sọ cọp.

- Miễu thờ Cọp Bạch (ở trại ruộng Phước Điền - xã Thới Sơn - huyện Tịnh Biên - An Giang) là một ngôi miếu thờ Sơn quân thường thấy ở đình làng Nam bộ. Tuy nhiên, việc thờ cọp bạch ở đây gắn liền với công đức của Phật Thầy Tây An và ông Tăng Chủ Bùi Thiền Sư (người được Phật Thầy Tây An giao cho coi sóc trại ruộng Thới Sơn - đất hương hỏa của chùa Tây An).

- Đình Ông Hổ (ở xóm 1, Cửa Lấp, xã Dương Tơ, huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang), theo lời truyền khẩu, có mấy ông hổ thường bơi vượt biển qua đảo Phú Quốc để tìm mồi. Một hôm có một ông bơi qua biển, bị cá mập táp cụt mất một chân, nên ở luôn tại Phú Quốc, từ đó rất hiền lành, không bắt gia súc, gia cầm hay hại dân làng. Dân chúng cho rằng cọp đã tu, nên lập đình để thờ.

Tất cả dạng chuyện kể về cọp nêu trên đã cung cấp cho chúng ta những nhận thức về lịch sử của buổi ban đầu khai sơn phá thạch vùng đất Nam bộ - công cuộc chinh phục thiên nhiên đầy gian lao nguy hiểm, cùng với phong tục tập quán của người dân trên vùng đất mới. Nhưng điều quan trọng hơn hết là nó đã giúp chúng ta hiểu được những bí ẩn trong tình cảm và tâm hồn của người dân ở đây; một mặt họ vừa sợ vừa kiêng nể cọp và phải thờ cọp làm “sơn quân chi thần” và mặt khác là phải đánh cọp để tự vệ, để bảo vệ cuộc sống.

Rõ ràng, trong thực tế ở vùng đất mới, yêu cầu bảo vệ cuộc sống, phát triển sản xuất và mở rộng địa bàn lân - ấp - làng - xã là rất bức thiết; việc đánh cọp, giết sấu là việc to lớn của thời kỳ đó. Đó là những việc làm và những thành tích của tập thể mà nổi bật là những cá nhân xuất sắc đại biểu cho lòng can đảm và ý chí chiến thắng của người dân Nam bộ và nó trở thành những truyền thuyết phổ biến sâu rộng và bền bỉ trong ký ức người dân.

Cọp trong tâm thức người dân Nam bộ ảnh 3
Bức tranh cọp ở chùa Như Lai, Tây Ninh

Hình tượng và biểu tượng cọp

Đối với cư dân Nam bộ thời xa xưa, cọp không có nghĩa dữ dằn mà chỉ là con vật hiền lành như mọi thú nuôi khác, cọp gần gũi với người nông dân, nên đồng dao có câu:

“Cọp rừng Sác moi ốc bắt cua
Cọp rừng thưa săn rùa ví thỏ
Cọp đồng cỏ đuổi chó rình chim
Cọp rừng sim ăn ong hút mật”...

Cọp ngoài đời trở thành con vật gần gũi, qua hình tượng nghệ thuật, cọp còn mang cả yếu tố tâm linh, được thần thánh hóa, vẽ thành tranh thờ cúng.

Đối với nhân dân miền Nam, cọp trong ký ức của họ tuy kinh khủng nhưng chỉ tồn tại trong ký ức xa xưa, còn trong tình cảm cọp vẫn có sự gần gũi, thân thương như chính sự gắn bó giữa thiên nhiên với con người. Cọp vẫn mãi là hình tượng đẹp để trang trí, để tôn thờ, để ngợi ca về sự dũng mãnh, về sức mạnh kiêu hùng...

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.