Công trình văn hóa Phật nhập Niết bàn

Sau hơn một năm miệt mài thi công, đến nay công trình văn hóa Phật nhập Niết bàn chùa Hội Khánh được xem như là thành tựu viên mãn. Có thể nhận thấy được niềm hân hoan tràn ngập trong lòng những người bỏ biết bao công sức và tâm huyết để làm nên công trình. Từ ngôi chùa cổ, phóng tầm mắt về phía trước là hình ảnh của Đức cồ đàm thấp thoáng qua vùng lá xanh, màu áo trắng in trên nền trời thanh thoát, an lạc vô biên...

_2009_congan 1.gif

Công trình nhìn từ trực diện


NIỀM TIN THÀNH TỰU
May mắn cho tôi là được biết đến công trình ngay từ khi TT.Huệ Thông - trụ trì chùa Hội Khánh (phường Phú Cường, Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) - mới nhen nhóm ý tưởng cho đến lúc công trình đi vào hiện thực. Một năm không phải dài nên thật áp lực đối với công trình quy mô và độc đáo này. Tượng Phật nằm dài 52m (dài nhất Việt Nam hiện nay), cao cách mặt đất 22m trong hiện trạng bề mặt đất trũng, sình lầy; do đó đòi hỏi sự chuẩn mực về mặt thiết kế xây dựng từ khâu làm móng. Mặt khác, đây là thời điểm nhạy cảm chung của nền kinh tế cả nước do ảnh hưởng cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, vậy mà công trình đã diễn tiến đúng theo tiến độ. Từng nét kiến trúc thật tinh tế, mỗi chi tiết hoa văn được khắc chạm bằng sự tỉ mỉ, chăm chút. Ấn tượng nhất là hình ảnh của Đức từ phụ an nhiên, tự tại trong không gian thoáng đãng, mênh mông của trời xanh, mây trắng và mặt đất bao la với nét mặt hiền từ, nhân hậu. Đây có thể được xem là phần hồn nhất, quyết định cho sự viên mãn của cả công trình.

Công trình có bốn phòng. Hội trường A (600m2) dành làm nơi học tập của các tu sĩ, tổ chức hội nghị, đại hội với sức chứa trên 500 đại biểu. Hội trường B (400m2) làm nơi sinh hoạt, hội họp cho Ban trị sự cũng như các Ban đại diện, tiếp khách với sức chứa trên 200 người. Hội trường C (400m2) là thư viện phong phú với các đầu sách Phật giáo và một số sách mang tính nghiên cứu về lịch sử. Một phòng làm việc của Ban giám hiệu Trường Trung cấp Phật học tỉnh Bình Dương.

2009_congan 2.gif
Các bức phù điêu tái hiện cảnh Đức Phật đản sinh cho đến khi thành đạo


Gần 3.000m2 nền nhà được láng toàn đá hoa cương, 5.000m2 sân được cán bê-tông. Cầu thang chính đi lên tượng Đức Phật có 49 bậc. Bao quanh tượng Phật là sân thượng tạo không gian để thiền hành. Dọc cầu thang và quanh sân thượng có 52 ngọn đèn giả đá biểu tượng cho ngũ thập nhị chủng cúng vật (52 phẩm vật dâng cúng Đức Phật trong Hội Niết bàn). Dưới chân bệ nằm của Đức Phật có 20 bức phù điêu tái hiện hình ảnh từ lúc Đức Phật đản sinh cho đến lúc nhập Niết bàn. Quanh tượng Phật là 840 cánh hoa sen được đắp bằng xi măng. Đặc biệt, bốn mái đao của sân thượng được thể hiện rồng cách điệu lá sen, đắp lên những mảnh gốm sứ tạo sự sắc sảo, tráng lệ cho công trình.

CHUNG MỘT TẤM LÒNG
Công trình được hình thành từ tâm huyết góp công sức của rất nhiều người. Thầy trụ trì, vị tín chủ B.T.C (người đồng hành với thầy trụ trì trong suốt chặng đường), sự quan tâm đồng thuận của chư tăng đức, sự ủng hộ của mọi người, ngành chức năng của tỉnh và địa phương, sự miệt mài của kỹ sư Trần Văn Pháp, kiến trúc sư Phạm Văn Thịnh, điêu khắc gia Trần Quang Thái cùng những nghệ nhân, người thực hiện để công trình hoàn thiện như mong đợi.

2009_congan 3.gif
Nhà rường nhìn từ sân thượng

TT. Huệ Thông tâm sự: “Nhớ lại từ lúc bắt đầu bứng từng gốc cây, đổ từng khối đất, mặc dù có niềm tin vào thành tựu của công trình nhưng để hoàn thành đúng với dự kiến quả là đạt thành ý nguyện hơn cả những gì mong đợi của bản thân tôi... Làm được điều này, tôi rất cảm kích sự đóng góp, đồng lòng đồng thuận của các chư tôn đức, Mạnh Thường Quân, tín đồ Phật giáo gần xa...”.

So với dự kiến ban đầu đã có nhiều hạng mục công trình xây thêm từ sự phát tâm cúng dường của phật tử như dãy phòng ở 13 phòng làm nơi để tăng sinh nội trú; nhà rường và hồ sen làm nơi uống trà thật thanh tịnh; trước có tượng đài Quan Thế Âm Bồ Tát bằng đá cao 5m với mái che thiết kế như ngôi chùa một cột, mái hình cổ lầu, hoa văn chạm trổ tinh xảo. Bên cạnh đó, khuôn viên sân công trình trồng sáu cây Ta-la (cây nơi Đức Phật nhập Niết bàn) sẽ tạo bóng mát và thêm phần uy nghiêm cho tổng công trình.

Từ ngoài nhìn vào sẽ nổi bật với hai bệ đá. Bệ đá bên trái khắc câu liễn đối của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tặng, mặt sau tóm tắt ý tưởng và quá trình lịch sử hình thành công trình. Bệ đá bên phải, mặt trước khắc tên của các bậc tôn túc cho lễ đặt đá, mặt sau ghi danh công đức của phật tử và các ngành chức năng, cùng nhiều hạng mục, cây kiểng trang trí khác tiếp tục hoàn chỉnh.

Theo tính toán, khối lượng nguyên vật liệu sử dụng cho công trình là 10.000 tấn xi măng, 300 tấn thép, 15.000m3 đất (do đây là vùng đất trũng nên khối lượng đất sử dụng nhiều hơn dự kiến), tiến độ thi công diễn ra gần 30.000 ngày công. Trong đó phần đắp tượng 1.400 ngày công. Tổng kinh phí hoàn thành công trình chính và các công trình phụ gần 20 tỷ đồng.

Công trình được hoàn thành sẽ là nơi tôn nghiêm cho bá tánh chiêm ngưỡng lễ bái. Đây cũng là ngôi trường cho tăng, ni trong và ngoài tỉnh tham gia học tập, phát triển sự nghiệp đào tạo thế hệ trẻ, nhằm tiếp dẫn hậu lai, báo ân Đức Phật; là nơi diễn ra các sự kiện lớn của Phật sự tỉnh nhà, cũng như góp phần tích cực trong công tác Phật sự của đất nước. Năm 2010, công trình sẽ tiếp nhận hàng ngàn tăng, ni về tham gia hội nghị của ngành Hoằng pháp Trung ương.

 
 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.