Con trâu với đạo Phật

"Được trâu" - trích Thập mục ngưu đồ, tranh Y Sa
"Được trâu" - trích Thập mục ngưu đồ, tranh Y Sa
0:00 / 0:00
0:00
GN - Từ xưa đến nay, con trâu, con bò không chỉ có giá trị trong đời sống lao động gắn bó với đồng ruộng mà còn đi vào tâm thức người Việt.

Thế nhưng người như thiên vị, thường nghe nói “con trâu khởi đầu cơ nghiệp”, còn con bò chỉ để nuôi lấy thịt thôi sao? Thật ra, con trâu vất vả nặng nhọc hơn, ruộng cạn ruộng sâu gì cũng cày, cũng kéo cộ được. Bò thì chịu, bước xuống, chân kiểu gì cũng bị lún sình mắc lầy.

Hai con vật còn khác nhau ở chỗ bò không chịu nước, trái lại con trâu thích nước, nên con trâu trong chữ Hán còn gọi là Thủy Ngưu. Nông dân thường lùa trâu chỗ có vũng cho trâu dầm nước suốt ngày. Hồi nhỏ, tôi nghe nói thịt trâu ăn không hết buộc dây thả xuống giếng hai ba ngày kéo lên vẫn còn tươi nhưng không được thấy. Lúc dạy học ở vùng Tứ giác Long Xuyên, vào năm nước lớn, một con trâu của ai chết trôi dưới dòng kinh. Khi đó, tôi chứng kiến cảnh tượng mấy nông dân xúm nhau kéo con trâu đã bốc mùi vô bờ. Ban đầu tôi nghĩ người ta kéo nó lên để chôn giữ gìn vệ sinh môi trường. Nhưng không, họ xẻ thịt trâu bỏ lớp thịt hôi thúi bên ngoài, lớp thịt bên trong vẫn còn màu đỏ ăn được. Lạ là vậy!

Hình ảnh con trâu cũng đi vào tâm thức con người qua tục ngữ ca dao, thơ phú. Thiệt tình tôi không biết các em học sinh ngày nay lớn lên nhớ những bài học gì lúc nhỏ, riêng mấy thế hệ trước rồi tới thế hệ của tôi, dù già rồi vẫn còn nhớ nhiều bài học thuộc lòng ở lớp Ba, lớp Bốn. Nhất là các bài có hình ảnh con trâu:

- Trâu ơi ta bảo trâu này

Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta

Cấy cày vốn nghiệp nông gia

Ta đây trâu đấy, ai mà quản công

Bao giờ cây lúa còn bông

Thời còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn.

Hay như bài này:

- Con trâu có một hàm răng

Ăn cỏ đồng bằng uống nước bờ ao

Ngày thường mày ở với tao

Đến khi mày yếu thì tao tuyệt tình

Thịt mày nấu cháo nuôi binh

Da mày bịt trống tụng kinh trong chùa

Sừng mày tao tiện con cờ

Cán dao cán mác lược thưa lược dầy.

Con trâu lúc sống làm việc vất vả, lúc yếu hay chết lẽ ra nó phải được người chăm sóc, chôn cất; đàng này ngược lại, chết vẫn không yên, thật xót xa cám cảnh cho thân phận nó. Lại thêm một nghịch lý rằng, chùa chiền ăn chay không sát sinh hại vật, lại đem da trâu bịt trống tụng kinh. Nhưng không vậy thì biết bịt trống bằng gì? Đúng là chuyện bất khả kháng.

Trong khi đó, hình ảnh con trâu xuất hiện rất nhiều trong kinh điển Phật giáo. Kinh Pháp hoa là bộ kinh Đại thừa chứa nhiều triết lý thâm sâu với nhiều thí dụ. Thí dụ nhà lửa là một trong những thí dụ nổi bật của kinh này. Một ông bá hộ có ngôi nhà lớn mà chỉ có một lối ra. Nhà bị bốc cháy, con cháu đang vui chơi không chịu chạy ra, ông phải dùng xe dê, xe hươu, xe trâu để dụ các con. Ngôi nhà lửa ở đây chỉ tâm thức chúng sinh đang bị thiêu đốt bởi các ham muốn dục vọng để rồi tâm điên đảo. Ông trưởng giả dùng ba chiếc xe là hình ảnh ngụ ý Phật dùng ba thừa Thanh văn, Duyên giác, Phật thừa để dẫn dắt chúng sinh thoát khỏi luân hồi. Trong kinh Tứ thập nhị chương, Phật dùng hình ảnh con trâu để ám chỉ cho việc hàng xuất gia phải nỗ lực tu hành: “Sa-môn hành đạo như con trâu mang nặng đi trong bùn sâu, mệt nhọc đến mấy cũng không dám ngoái đầu nhìn hai bên mà phải đi cho mau, rồi khỏi chỗ bùn sâu mới được nghỉ ngơi”. Ngay trong những ngày sắp nhập Niết-bàn, Đức Phật cũng có lần dùng hình ảnh con trâu để giáo huấn đệ tử về việc chánh niệm, giữ gìn bản thân thanh tịnh “y như chăn trâu, cầm gậy canh chừng, không để nó buông lung phạm vào lúa má của người”.

Rõ ràng hình ảnh con trâu quen thuộc, bản tính trâu không hung hăng, thuần hậu siêng năng, dễ dạy… nhưng thỉnh thoảng vẫn làm bậy, ngu si. Hình ảnh con trâu trở nên sinh động khi đi vào thơ ca của Phật giáo. Các thiền sư đời Lý, Trần từng viết nhiều bài thơ có bóng dáng con trâu. Tuệ Trung Thượng Sĩ, tên thật là Trần Quốc Trung con của Trần Liễu, anh của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn và là người hướng dẫn vua Trần Nhân Tông - Sơ tổ sáng lập ra phái thiền Trúc Lâm Yên Tử, trong bước đầu tu hành. Ông có nhiều bài thơ về trâu như Điệu tiên sư:

Nhất khúc vô sinh xướng liễu thì,

Đảm hoành tất lật cố hương quy.

Thượng đầu đả quá hồ hà hữu,

Nhất cá nê ngưu nhậm đảo ky.

(Khi hát xong khúc hát vô sinh

Thì cầm ngang ống sáo về làng cũ.

Bỏ qua những cái trước đây không gì cả.

Mặc sức cỡi ngược con trâu đất).

Hay như bài Phóng ngưu cho thấy hành trình của một người từ chỗ là kẻ chăn trâu, ra đi đền ơn đất nước, rồi lại trở về vui với đồng nội mà không cần quan tước bổng lộc:

Ngẫu hứng Quy Sơn đắc đệ lân

Hoang vu cam tác mục ngưu nhân

Quốc vương đức trạch khoan như hải

Tuy phận ta ta thủy thảo xuân.

(Quy Sơn xóm nọ bỗng quay sang

Cam phận chăn trâu chốn nội hoang

Ơn đức Quốc vương như bể cả

Riêng vui cỏ suối với hoa ngàn).

Hình ảnh con trâu cũng từng được các thiền sư minh họa trong các bài giảng, hoặc đưa vào các công án Thiền, thơ ca hay hội họa. Thập mục ngưu đồ là tên gọi mười bức tranh chăn trâu được sáng tác vào thời nhà Tống. Đây là những bức họa tiêu biểu, trình bày tinh hoa, cốt tủy của Thiền tông Trung Quốc. Ngay từ buổi đầu xuất hiện, nó đã trở nên rất nổi tiếng, ảnh hưởng lan truyền sang các nước theo Phật giáo Đại thừa với ý nghĩa riêng, tương ứng với từng bức tranh:

Bức I: Tìm trâu - Trâu tượng trưng cho tâm. Tìm trâu là tìm lại bản tâm, tìm lại mình.

Bức II: Thấy dấu - Tìm được những vết chân trâu, đồng nghĩa với việc đã có dấu tích của tâm mình.

Bức III: Thấy trâu - Tưởng đâu xa, con trâu vẫn nằm đó, ngay trước mắt mình.

Bức IV: Bắt trâu - Được trâu nhưng tánh hoang của trâu vẫn còn, lúc nào cũng muốn giựt dây chạy.

Bức V: Chăn trâu - Công phu tu tập thuần thục như chăn trâu. Khi con vật đã thuần, dù buông dây vẫn không chạy.

Bức VI: Cưỡi trâu về nhà - Tâm hết còn lang thang, trở về nguồn cội ban đầu, cũng như trâu trở về nhà.

Bức VII: Quên trâu còn người - Không còn phải chăn trâu nữa nên người cũng nhẹ nhàng.

Bức VIII: Người trâu đều quên - Vọng hết trở về với chân, cho nên người, trâu đều hết.

Bức IX: Trở về nguồn cội. Tranh vẽ chim bay về núi, nước chảy về nguồn. Khi trở về nguồn cội mới thấy việc lần đi từ I đến VIII giống như giấc mộng. Để rồi việc thành bại là việc bình thường. Sáng đói ăn cơm, tối uống trà. Để rồi người có cái nhìn thế gian khác xưa thấy núi thật là núi, sông thật là sông. Chớ không thấy núi cao, sông cạn như trước đây mà tâm điên đảo.

Bức X: Thõng tay vào chợ - Ánh sáng phải soi khắp hang cùng ngõ hẻm. Người tới đây không thể ngồi vui hưởng một mình mà phải đi hóa độ chúng sinh. Chợ là nơi đông người, nhiều sai biệt, nhưng người không còn sai biệt phải hòa mình vào. Nếu trước kia người ta xa lánh mình thì nay vô chợ, người vui vẻ tìm tới mình.

Nói tóm lại, bằng hình ảnh con trâu trong mười bức tranh trên, đạo Phật đã khéo léo đưa ý nghĩa của sự tu tập đi vào trong tâm thức con người, nhắc nhở con người, đặc biệt là những người con Phật, về việc “chăn trâu” của chính mình.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.