Còn nợ mùa Xuân

GN Xuân - Mùa đông từ từ nhường chỗ cho mùa xuân nhưng xuân đến lúc nào từ trong đêm. Cây mai trước sân chiều ba mươi vẫn còn nhiều búp he hé, sáng mùng một trổ bông vàng rực trời.

Xuan 2011 (2).JPG

Hoa mùa xuân - Ảnh minh họa

Không gì vui hơn hoa nở đúng mùa, thêm gió xuân mát dìu dịu. Gió xuân mang theo mùi nhang thơm, mùi xào nấu từ bếp lửa những nhà hàng xóm chuẩn bị mâm cơm đầu năm cúng ông bà. Theo gió còn có tiếng pháo lẹt đẹt - ý quên, lệnh cấm đốt pháo đã nhiều năm, đó là tiếng pháo từ trong ký ức sống lại, cùng với tiếng trống múa lân cắc-tùng-cheng rộn ràng. Tiếng trẻ con cười khoe nhau giày dép mới, quần áo mới. Khoe tiền mừng tuổi, năm nay tao được lì xì nhiều hơn năm ngoái, còn mày đuợc bao nhiêu.

Lũ trẻ hỏi nhau ríu rít tung tăng dạo xóm tụ tập quanh mấy sòng lắc bầu cua cá cọp, sòng lô-tô. Đặt con bầu cho quẻ bói đầu năm ra ba con bầu, đứa đặt trúng vỗ tay reo mừng cho sự may mắn đầu năm. Đứa thua chỉ mới một lần, chưa chi kêu lên năm nay tao xui xẻo. Thấy bọn trẻ có tiền đem đi cờ bạc, người lớn cất tiếng la nhưng chỉ la cầm chừng, vì thấy Tết đến chỉ có trẻ con là vui vô tư cũng như mình hồi còn nhỏ vậy thôi. Ai cũng có hưởng hạnh phúc này trong cuộc đời…

Hiện tại mùa xuân của người lớn như một thi sĩ viết - Xuân đang tới nghĩa là xuân đang qua. Như vậy đâu mới là xuân? Tuy nhiên, câu thơ viết đúng tâm trạng người có tuổi. Suốt một năm làm quần quật để kiếm ra đồng tiền ít dịp nghỉ ngơi, cũng là để dành sắm sửa ngày Tết. Mấy ngày Tết là mấy ngày vui tươi nhưng đó cũng là những ngày hội chứng mệt mỏi. Có phải là ta đã nhìn thấy ngày mùng một, nhiều nhà đóng cửa suốt để nghỉ ngơi, để ngủ bù trừ. Mãi hai ba ngày sau như đã lấy lại sức khỏe mới bắt đầu xuất hành du xuân thăm bà con họ hàng. Vậy Tết của người lớn là lúc nào. Ta có thể trả lời nhanh, ngày Tết của người lớn là những ngày cuối chạp.

Tháng này gió bấc già ngọn đêm hiu hiu lạnh để người nằm thao thức. Những gì trong đêm thao thức mất ngủ để rồi sáng ngày diễn ra bầu không khí nhà nhà bận rộn, người người hối hả. Nào là lo chuyện sắm sửa cho gia đình, quà cho bà con, bạn bè và các mối quan hệ. Nào là dọn dẹp trang hoàng nhà cửa, phân công các con đứa quét váng nhện, chùi lư, lau bàn thờ Phật, đứa đi làm cỏ mả.

Bao nhiêu chuyện trong năm như dồn lại cho một ngày thấy phát mệt nhưng đối với người lớn đó chính là Tết. Bụng dạ càng nôn nao hơn khi chợ búa nhộn nhịp lên hơn ngày thường, các gian hàng bánh kẹo, trái cây, dưa hấu chất vun đầy chiếm cả lề đường. Và thêm một chợ hoa phong phú đủ chủng loại khiến người đi mua nhìn một lát thấy mắt hoa lên, lựa chọn mãi mua đem về nhà, để rồi nhận thấy chậu hoa nào ngày Tết cũng đẹp như nhau. Tết đến còn một chuyện lo lắng cuối cùng nữa, đó là việc thấy món gì cũng mua nhưng mà tiền đâu.

Đụng đến tiền là đụng tới việc cân đong đo đếm xem lại cái túi nó lép hay đầy. Rồi nhớ đến thu nhập cả năm mình còn nợ ai và ai nợ mình phải giải quyết cho xong. Sở dĩ ngày Tết là ngày vui nhứt trong năm vì ngày này mọi người đã sòng phẳng nhau nên trở nên bình đẳng trước mùa xuân. Làn gió xuân chia đều niềm vui mát mẻ cho mọi người. Chọn ngày mùng một vía Phật Di Lặc vì đây là mùa mà những ngày với người cũng đều là ngày xuân vui. Bước qua năm mới với những dự định làm ăn mới, không để chuyện cũ kéo dài dây dưa, tâm hồn cảm thấy nhẹ nhàng, nhưng sao những đêm cuối chạp lại là những đêm khó vỗ giấc ngủ.

Thật lạ những ngày cuối năm, phố phường nhộn nhịp như lôi cuốn mình ra khỏi nhà không ngồi yên được, thấy ngày như ngắn lại. Ban đêm mệt mỏi tưởng ngủ bù trừ nhưng mà có nhắm mắt được đâu, cứ thao thức, thấy đêm như dài ra. Vợ nhắc chồng khuya rồi không chịu ngủ, nhìn qua thấy vợ miệng nhắc nhưng hai con mắt vẫn mở. Một phần do không khí hắt hiu của những đêm cuối chạp, gió chuyển mùa lành lạnh vi vu thổi suốt đêm, chùm chuông gió treo trước hiên nhà kêu leng keng. Tiếng ếch nhái rền vang, lâu lâu lại có tiếng chim gì kêu rất là lạ. Hắt hiu ngoài trời dẫn tới hắt hiu trong lòng nhớ gần, nhớ xa.

Gần thấy gia đình êm ấm, nợ nần đã trả xong, chuyện giàu nghèo là việc muôn đời cuối cùng vẫn không bằng hạnh phúc gia đình. Nhớ xa, trở về với tuổi thơ những ngày mới lớn mở đôi mắt ngắm cuộc đời. Thoắt đã thấy tuổi già bước xồng xộc tới. Thoắt mới đó mà một năm nữa trôi qua, thời gian đi không chờ đợi ai. Lòng thấy hiu hiu tính sổ cuộc đời. Có phải đời người cấu thành từ những khoảng thời gian dài ngắn cộng lại. Khoảng thời gian ngắn để cho cuộc đời trở nên không vô vị.

Thí dụ những buổi sáng ngồi uống cà-phê thư giãn chuyện trò tới bạn bè. Những giờ chạy xe dong ruổi rồi dừng chân bên quán vắng ven đường mua vài chai bia cùng dĩa đậu phộng rang chuyện trò với cô em chủ quán nghe cuộc đời lên hương. Những ngày giang hồ vặt lang thang nơi đồng ruộng heo hút, nơi núi rừng hoang vắng. Chiều xuống lúng túng chưa biết ngủ đâu tình cờ gặp người, sau ít câu hỏi han người lên tiếng mời đến nhà chơi làm gà nấu cháo rồi ngủ lại. Hai bên xa lạ bỗng dưng hóa thành bạn bè. Sáng sớm bịn rịn chia tay hẹn ngày trở lại thăm nhau nhưng rồi không một lần trở lại, không biết ở phương xa đó có còn ai vẫn nhớ tới mình.

Cuộc đời gồm có những khoảng dài ngắn trải qua như vậy, hóa ra mình vẫn còn nợ nhiều. Chỗ này bữa cơm chỗ kia bữa tiệc. Đây là món nợ có thể nói là lặt vặt mình nhận từ người và mình cũng đã cho tuy nhiên không phải trả nợ là xong, vì đó là nợ tình con người với nhau, đó cũng là quá khứ của mình. Ngày tháng nào buồn quá cần phải quên đi, quá khứ êm đềm sao lại quên, để rồi mùa xuân thật trọn vẹn đầy đủ khi người sống lại với thời gian hai chiều.

Đêm cuối chạp nằm nghe gió đi về tôi đã nghĩ vậy rồi lên lịch sắp đặt chương trình cho mấy ngày xuân. Nhất định phải dành thời gian đi viếng các ngôi chùa trong vùng lễ Phật tịnh tâm rồi hoạch định việc làm cho một năm mới. Sau đó đi thăm chỗ nào cần phải thăm. Suốt năm mải vật lộn với cuộc sống tôi đã quên đi nhiều người, đây là dịp để gặp lại. Ngày Tết đi thăm nhau không gì vui bằng, tôi nghe tâm hồn thanh thản nhẹ nhàng.

Thế nhưng dọc đường chơi xuân Long Xuyên - Bình Hòa, Long Xuyên - Núi Sập, vẫn còn thiếu khi tôi tình cờ nhìn thấy những hình ảnh theo đường và chợt nhận ra, mình chỉ nghĩ sống với thời gian hai chiều quá khứ hiện tại mà quên đi chiều thứ ba - đó là tương lai. Hóa ra ai ai cũng nghĩ đến mùa xuân trọn vẹn nhưng còn ở đâu đó, ba ngày Tết vẫn còn những con người lầm lũi mưu sinh; những người bán vé số dạo, những người đi móc bọc. Tôi dừng xe rút gói thuốc ra mời anh bán vé số rồi mua vài tờ bói quẻ đầu năm và hỏi thăm - chừng nào mới nghỉ bán ăn Tết anh Hai?

Tôi bần thần khi nghe anh trả lời - nghèo mà Tết nhứt gì, mấy ngày này bán chạy lắm. Và gặp hai đứa trẻ vai mang bao tay xách gậy đi kiếm rác. Hai đứa trẻ có vẻ ngơ ngác khi tôi kêu chúng lại để lì xì. Nhưng tôi thật vô duyên cho chúng tiền còn hỏi câu hỏi cũ và được nghe trả lời - mấy ngày Tết vỏ lon bia vỏ nước ngọt nhiều lắm. Ở nhà cũng vậy, vừa đi chơi vừa lượm có thêm tiền. Hai đứa trẻ nói như không, hóa ra ngày Tết qua những người tôi gặp trên đường du xuân là cái gì đó xa vời. Nghe lòng xót xa khi về qua những xóm quê Châu Phú, Bình Hòa, năm lũ lụt nông dân kể như trắng tay, ngày Tết lặng lẽ đìu hiu.

Là người làm ra lúa gạo nuôi sống người mà lúc xuân về nhà cửa không sắm sửa món gì đáng kể mừng xuân. Hóa ra khi hướng về tương lai cuộc sống trong đó có ta, rõ ràng ta vẫn còn nợ. Nợ người nông dân và còn nợ nhân gian một mùa xuân.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.