Còn biết ơn là còn hạnh phúc

Các bạn trẻ được nuôi dưỡng tâm từ và lòng biết ơn trong khóa tu tại chùa Thiên Khánh (Q.6, TP.HCM)
Các bạn trẻ được nuôi dưỡng tâm từ và lòng biết ơn trong khóa tu tại chùa Thiên Khánh (Q.6, TP.HCM)
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Đó là một trong những thông điệp mà trong mỗi khóa tu tổ chức hàng tháng cho các em thanh thiếu nhi tại chùa Thiên Khánh (Q.6), Đại đức Thích Minh Thạnh, trụ trì chùa đều gửi đến các tu sinh. Sự biết ơn ấy không chỉ dành cho ông bà, ba mẹ mà còn dành cho những người đã mang đến cho mình cuộc sống hạnh phúc.

Không phải bạn trẻ nào cũng may mắn được sinh ra và lớn lên trong mái ấm gia đình hạnh phúc, cũng không phải bạn trẻ nào đang sống trong tình thương yêu của gia đình cũng nhận ra điều may mắn của bản thân. Thế nên, khi nghe câu chuyện sẻ chia “Thương như Bụt thương”, nhiều giọt nước mắt của các bạn trẻ đã lặng lẽ rơi, không chỉ bởi sự xót xa, xuất phát từ những hối hận về những việc làm lầm lỗi mà bản thân đã vô tình gây ra cho người thân, mà còn chứa đựng cả sự hạnh phúc khi kịp nhận ra lỗi lầm và vẫn còn cơ hội sửa lỗi.

Những nỗi đau chôn giấu…

Bạn Võ Lý Diễm, sinh viên một trường đại học tại TP.HCM chia sẻ, vì khóa tu diễn ra đúng vào ngày giỗ của mẹ, bạn đã đăng ký tham gia. “Mẹ mất chưa liệm, chưa phát tang thì ba đã đưa ‘người mới’ về nhà, ngay trong đám tang của mẹ. Em đã ‘ôm hận’ ba và sống trong đau khổ từ ngày mẹ mất đến nay”, Diễm trải lòng.

Em thắp hoa đăng nhớ ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ
Em thắp hoa đăng nhớ ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ

Những niềm đau đó đã đem đến cho bạn đời sống không tích cực. Bạn từ chối tất cả những cuộc gọi, những liên lạc từ ba, từ gia đình bên nội và giữ riêng cho mình những tổn thương. “Em thèm được bình an, thèm kinh khủng như nhạc sĩ Lê Cát Trọng Lý đã từng viết: ‘Nhiều người ôm giấc mơ giàu sang, vài người ôm giấc mơ bình yên, em cần an trú, em cần yêu thương’. Điều làm em tổn thương nhất là sự vội vàng của ba, em không thể tha thứ”, Diễm cho biết.

Nhưng rồi những đau khổ dồn nén đã chất chứa bao năm ấy của Diễm đã nhẹ nhàng tháo gỡ khi nghe quý Thầy dạy: “Tha thứ cho người cũng là cởi trói cho mình. Mình xứng đáng được sống hạnh phúc”. Khi nghe câu nói trên, Diễm bảo: “Em đã nghĩ đến mẹ của em, em nghĩ rằng nếu mẹ còn sống mẹ cũng không muốn em sống trong đau khổ. Em thương em, em chữa lành cho mình, tha thứ cho ba thì tất cả sẽ được nhẹ nhàng hơn. Khi em buông bỏ được, em thấy rằng bản thân em không còn nặng nề nữa, cảm giác bình an hơn đến trong em”.

Câu chuyện của Diễm được bạn chia sẻ, đem đến những cảm hứng tích cực cho những người trẻ cũng có những niềm riêng. Như lời chị Khánh Ly - cán bộ Phòng Công tác xã hội tại tỉnh Ninh Thuận - gắn bó với nhiều bạn trẻ lầm lỗi quay đầu hướng thiện nhận định: “Tôi thích nghe những người bạn trẻ ngược giông ngược gió để trở về ngồi thật yên dưới hiên nhà kể chuyện, nghe những thứ đã làm họ tổn thương, nghe cách họ chuyển hóa chúng thành thứ có ích cho cuộc sống của mình. Sau khi nghe hết bao câu chuyện, tôi nhận ra cuộc đời này làm gì có người nào không có nỗi buồn, làm gì có cuộc đời không có những trắc trở, và chỉ có trái tim góp đủ tình thương từ những mảnh vỡ, để trân quý để thương yêu được tất cả dù là nhỏ bé nhất”.

Đã đi và trở về

Chị Thùy Trang, phụ huynh của bé Tường Nguyên cho biết, chị luôn dành thời gian để theo dõi và chở con đến các chùa tổ chức khóa tu trong ngày, để con sinh hoạt. Chị cho rằng, đây là việc làm chị và gia đình rất tâm đắc, vì vừa tốt cho con, mà cũng là dịp để nhắc nhở mình sống đúng hơn với bổn phận, trách nhiệm: “Trong khi chờ con sinh hoạt, tôi đến giảng đường để ‘nghe lỏm’ xem con được quý Thầy dạy dỗ điều gì. Trong lúc nghe lỏm ấy, vô tình tôi nghe được lời dạy ‘các con phải quan tâm đến ba mẹ, vì ba mẹ ngày một già đi’, và tôi chùn lòng vì bản thân rất ít khi về nhà thăm gia đình lớn của mình”.

Người trẻ nghĩ về cha mẹ với lòng biết ơn

Người trẻ nghĩ về cha mẹ với lòng biết ơn

Ngay trong buổi tối ấy, chị đã chia sẻ với chồng mình và tuần sau đó, gia đình nhỏ của chị đã có mặt ở quê nhà, ăn bữa cơm đoàn viên với ba mẹ - việc mà trước đây chỉ diễn ra vào dịp Tết.

Vì thường mỗi năm chị Trang về chỉ một lần, nên trong mùa hè này khi thấy gia đình chị Trang về chơi, nghe chị Trang gọi: “Mẹ ơi. Thưa mẹ con mới về. Hôm nay mẹ có khỏe không?”, mẹ của chị đã cười rất tươi, mẹ không nói gì, chỉ có ánh mắt nhìn nhau, nhưng chị Trang biết đó là giây phút hạnh phúc đang hiện diện. Chỉ cần gặp người mình yêu thương, mình nhớ mong là đủ.

“Đôi khi trăm nghìn đoạn chat cũng không bằng một lát bên nhau. Sự quay về đem đến cho bản thân tôi và các con niềm hạnh phúc lớn lao. Cội nguồn là điều thiêng liêng, đôi khi cuộc sống vội vã đã cuốn mình đi, quên đi tuổi già của ba và mẹ…”, chị Trang chia sẻ.

Và cũng kể từ đây, định nghĩa lễ, Tết, hè hay dịp đặc biệt gì của gia đình, chị Trang và chồng đều đưa cả nhà nhỏ mình về quê với gia đình lớn. Chị mong thói quen này sẽ thành nếp nhà, để nuôi dưỡng, kết nối và đem lại niềm hạnh phúc bền vững cho các thành viên. Chị đúc kết: “Hạnh phúc và chữa lành, về nhà là có đủ”.

Tin mới

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.