GN - Mặc dù đã có đôi lần mở rộng lòng nhân ái, quyên góp chia sẻ yêu thương với những người neo đơn, nhưng chưa bao giờ được trực tiếp tìm hiểu về đời sống của các cụ, nên các bạn học sinh chưa hiểu những niềm riêng của người lớn tuổi.
Thế nên, khi được cô giáo hướng dẫn đến thăm các cụ đang sống tại Nhà dưỡng lão tình thương Vinh Sơn (469 Nơ Trang Long, phường 13, quận Bình Thạnh) và Mái ấm tình thương chùa Diệu Pháp (188 Nơ Trang Long, phường 13, quận Bình Thạnh), được nghe các cụ chia sẻ về lý do có mặt tại đây, rồi khi hiểu được nỗi lòng của các cụ, 15 bạn học sinh khối 8, Trường Võ Trường Toản (11 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1, TP.HCM) chực trào nước mắt...
Cô Nhung hướng dẫn các học trò của mình tặng quà nhân dịp Tết Đinh Dậu - Ảnh: Khánh Vy
Bài học về cách làm người
Sau 3 tuần sát cánh, cùng nhau lên kế hoạch tổ chức chương trình, quyên góp từ người thân đến bạn bè, rồi chạy đua cùng thời gian để bán vật dụng cá nhân gây quỹ, cuối cùng, các bạn học sinh và cô giáo Đoàn Xuân Nhung, giáo viên tổ Ngữ văn (Trường THCS Võ Trường Toản) cũng chuẩn bị được 98 phần quà chỉn chu để tặng cho các cụ.
Đúng 7 giờ một sáng đầu năm 2017 (sát Tết Đinh Dậu), dưới sự hướng dẫn của cô Nhung và cựu học sinh Trường THCS Võ Trường Toản - ca sĩ, diễn viên, nhà văn trẻ Jun Phạm, các bạn đã đến Nhà dưỡng lão tình thương Vinh Sơn và Mái ấm tình thương chùa Diệu Pháp để chia sẻ những yêu thương.
Tại đây, lần đầu tiên các bạn được trực tiếp lắng nghe các cụ chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống. Từng lời nói, những sự trải lòng, những niềm riêng chất chứa bấy lâu trong lòng các cụ như mạch nước ngầm chảy âm ỉ, thấm sâu và chạm vào trái tim non của các bạn. Như phản xạ tự nhiên, có bạn đã không kìm được nước mắt.
Lan Phương bảo: “Mặc dù em đã đi từ thiện nhiều nơi, trước những hoàn cảnh khó khăn, chưa bao giờ khóc. Nhưng khi trò chuyện với bà, nghe bà kể bà cũng có đứa con tên là Lan Phương giống em, cũng rất xinh đẹp, con không kìm được nước mắt. Ngày nhỏ, con của bà rất dễ thương, nhưng khi lớn lên thì hết thương bà, đem bà vô nhà dưỡng lão. Em khóc vì quá thương bà và hiểu được nỗi lòng của người lớn tuổi. Em nhận ra, dù sống trong nhà dưỡng lão, được chăm lo đầy đủ về vật chất, các cụ không phải đói, không phải lạnh nhưng điều các cụ cần hơn, đó là hơi ấm tình thương gia đình”.
Trong dòng cảm xúc đó, Triển Khang bộc bạch: “Khi cô Nhung phát động chương trình đến thăm các cụ già ở nhà tình thương, nhà dưỡng lão, em liền ủng hộ. Em háo hức, mong thật nhanh đến ngày đi trao quà cho các cụ và em cũng tưởng tượng khung cảnh lúc gặp các cụ sẽ rất vui. Nhưng khi đến gặp, rồi nghe các cụ kể về cuộc đời..., mỗi người một câu chuyện riêng nhưng về sống ở mái ấm đều cùng lý do ‘không có gia đình’, em cảm thấy buồn”.
Triển Khang bộc bạch thêm: “Bài học mà em học được trong buổi đi trải nghiệm thực tế ngày hôm nay là hiểu được nỗi lòng của các cụ; hiểu được tình yêu thương của cha mẹ dành cho con, dù con có bỏ rơi cha mẹ nhưng cha mẹ chỉ buồn thôi chứ không oán trách. Em muốn chia sẻ với mọi người rằng, cha mẹ mình xứng đáng được yêu thương, đừng bỏ rơi ba mẹ mình, tội và thương lắm”...
Tình yêu bắt đầu từ sự sẻ chia
Khơi gợi tình yêu thương giữa con người với con người là việc làm đầy nhân văn nhưng không phải học sinh nào cũng có cơ hội được giáo viên của mình hướng dẫn thực hiện. Chính vì vậy mà, ngay khi Phương Nam trình bày với gia đình về chương trình trải nghiệm thực tế, chia sẻ yêu thương với cụ già neo đơn sống tại nhà tình thương, nhà dưỡng lão, ba và mẹ của em đã gật đầu ngay. Không chỉ cho phép, mà ba mẹ của Phương Nam còn khuyến khích, ủng hộ chương trình em tham gia bằng những món quà, như một cách động viên em hướng thiện.
Đến với các cụ, các bạn học sinh cẩn trọng, lễ phép tặng quà bằng hai tay và không quên gửi những lời chúc sức khỏe, hạnh phúc. Nhận quà của các bạn, cụ nào cũng nở nụ cười thật tươi. Cụ Hoàng Thị Vân, mặc dù đã bước sang tuổi 103 nhưng khi được tặng quà, được lì xì, bà vẫn nói rõ từng câu: “Vui lắm, hạnh phúc lắm vì được các cháu đến tặng quà. Hàng ngày bà vẫn niệm Phật và trì chú Đại bi, bà sẽ nhớ các cháu và hồi hướng một phần công đức cho các cháu”.
Trao yêu thương một cách tử tế đến các cụ và nhận về nụ cười hoan hỷ - Ảnh: Khánh Vy
Cô Đoàn Xuân Nhung cho biết, buổi đến thăm và tặng quà cho các cụ sống tại mái ấm thực chất là chương trình học tập trải nghiệm, thông qua đó, nhà trường muốn giáo dục các bạn về lòng nhân ái. Và như lời cô Nhung tâm niệm: “Khi các bạn tận tay tặng quà cho các cụ sẽ cảm nhận sâu sắc hơn tình thương yêu giữa người với người” - trong chuyến đi này, các bạn đã học nhiều bài học yêu thương và khơi lên nhiều tánh thiện từ trong tâm thức, lẫn lý trí.
Quỳnh Anh chia sẻ: “Lần đầu tiên em đi thăm các cụ, lúc vừa bước vào phòng, em có cảm giác không thoải mái vì không gian chật hẹp. Nhưng khi trò chuyện với các cụ, có một bạn trong nhóm bị đau bụng, cụ đã hỏi thăm, lấy dầu xức, vẻ mặt rất lo lắng. Rồi khi chúng em ra về, có cụ đi theo tiễn chúng em, dặn dò chúng em, cố gắng học thật giỏi, thật ngoan và khi nào rảnh, đến chơi với các cụ. Lúc này đây, em hiểu được tình yêu của con người với con người không có khoảng cách, mình cho đi tình thương sẽ nhận lại tình thương và những bài học vô giá về cách làm người”.
Vô tình nghe được lời chia sẻ của các bạn học sinh và chứng kiến việc lành của các bạn làm, cô Phước Tâm (Q.Bình Thạnh) thán phục: “Nhìn các bé trao quà cho các bà, thấy thương quá. Cũng thương luôn cô giáo trẻ, chịu khó hướng dẫn các em đi đến trực tiếp để cảm nhận rõ hơn về cuộc sống của người già - để sau này biết ba mẹ cần gì mà yêu thương đúng cách. Giờ hiếm lắm mới gặp được một đứa trẻ ngoan, lễ phép và cũng hiếm lắm mới tìm thấy một giáo viên tận tụy với học trò của mình như vậy”.