Cổ Pháp – nơi sinh của Lý Thái Tổ

"Đại Việt sử ký toàn thư" viết về Lý Thái Tổ: Họ Lý, huý là Công Uẩn, người châu Cổ Pháp. Châu này khá rộng. Chiều Nam – Bắc chạy từ Phù Ninh đến Phù Cầm (tức từ làng Nành, Gia Lâm (Hà Nội) đến bến Gầm, Yên Phong (Bắc Ninh).

Hạt nhân của nó là hương Cổ Pháp do sư Định Không (? – 808) đổi từ hương Diên Uẩn, nhưng chính sử vẫn giữ tên Diên Uẩn khi chép sự kiện năm 1009 Lý Thái Tổ lên ngôi hoàng đế: Trước đây ở hương Diên Uẩn, châu Cổ Pháp có cây gạo bị sét đánh, người làng ấy xem kỹ thấy có chữ “thụ căn diểu diểu, mộc biển thành thanh, hoà đao mộc lạc, thập bát tử thành...”. Do bị sét đánh mà làng đổi tên là Dương Lôi, còn gọi là Đình Sấm. Dân trong làng vẫn nhớ và tin thế. Điều này, về tư duy liên tưởng hoàn toàn có lý. Sách Thiên Uyển tập anh chép lời trưởng lão La Quý An (học trò thế hệ thứ hai của Định Không) nói với đệ tử: Trước đây Cao Biền đắp thành ở sông Tô Lịch, biết đất Cổ Pháp ta có khí tượng vương giả bèn đào sông Điềm Giang, đầm Phù Chẩn để cắt yểm long mạch, tất cả mười chín nơi. Ta đã khuyên Khúc Lãm đắp lại như cũ. Ta lại trồng một cây gạo ở chùa Minh Châu để trấn chỗ đất bị cắt long mạch... Năm 936, khi trồng cây gạo, trưởng lão đọc bài kệ:

Đại sơn long đầu khởi
Cù vĩ ẩn chu minh
Thập bát tử định thành
Miên thụ hiện long hình
Thố kê thử nguyệt nội
Định kiến nhật xuất thanh

Cả hai bài Sấm thi đều khẳng định thập – bát – tử tức nhà Lý nhất định thành nghiệp lớn. Đại Sơn là tên núi ở địa phương, Minh Châu chính là tên ngôi chùa có trồng cây gạo ở hương Cổ Pháp – Diên Uẩn – Dương Lôi / Đình Sấm. Dân làng Dương Lôi còn chỉ rõ nền chùa, vài mươi năm trước vẫn nhìn thấy cây gạo đại thụ mà họ tin là cây gạo nói trên. Tiếc thay, cây gạo đã chết vì quá già cỗi.

Chùa xưa mỗi lần tu sửa có chuyển dịch một chút, làm thêm hoặc thu hẹp. Gần nền chùa Minh Châu nay có chùa Cha Lư - cái tên thật lạ trong hệ thống tên chùa thường gắn với cầu phúc. Nhưng các nhà Hán học mách bảo Cha Lư nghĩa là nơi sinh thánh nhân. Nó chính là chùa Gia Châu mà Thiên Nam Ngữ Lục ghi rõ là nơi sinh của Lý Công Uẩn. Ngữ âm học lịch sử thừa nhận sự chuyển dịch và song tồn hai âm Gi – Ch/Tr. Các nhà ngôn ngữ còn phát hiện Cha Lư là phiên âm tiếng Chàm ghi bằng chữ Hán, có nghĩa là Thần Sấm, cũng tức là Đình Sấm / Dương Lôi.

Như vậy, Minh Châu – Gia Châu – Cha Lư chỉ là một chùa, tuy có xê dịch chút ít.

Lý Công Uẩn, cái tên đã ngầm bảo ông họ Lý người làng Diên Uẩn. Vậy, Diên Uẩn là quê nội hay quê ngoại? Các tài liệu đều thống nhất ghi nhận mẹ ngài là bà Phạm Thị. Truyền thuyết cho biết bà là người làng Đình Sấm / Dương Lôi. Bà được thờ làm thánh mẫu ở chùa Cha Lư, cũng được thờ làm thành hoàng cùng tám vị vua nhà Lý ở đình / đền Dương Lôi . Văn bia cổ xác nhận Dương Lôi là đất thang mộc ấp của bà.

Cổ Pháp – nơi sinh của Lý Thái Tổ ảnh 1

Chùa Tiêu Sơn 

Chính sử chép bà đi chùa Tiêu Sơn ngủ với người thần mà sinh ra vua. Thiên Nam Ngữ Lục chép bà lên chùa Ứng Đại giúp việc nhà sư, một hôm nằm ngủ quên ở hiên, nửa đêm sư bước qua, và trong cơn nửa tỉnh nửa say bà cảm thấy “ngỡ ai đã đến giao hoà cùng ai, âm dương thăng giáng một hồi”. Khi cái thai đã rõ ràng thì bà thưa thẳng với nhà sư: “Tôi nằm ngủ mát, tối thầy chạm chân, chẳng ngờ một tháng hay lòng có thai”. Các nguồn tài liệu đều xác nhận chùa Tiêu Sơn, tức chùa Ứng Đại, mà tên đầy đủ là Ứng Thiên Tâm hay Ứng Đại Thiên Tâm cũng là chùa Lục Tổ, chùa Trường Liên ở núi Tiêu, do thiền sư Lý Vạn Hạnh trụ trì. Vậy, có thể tin “người thần” tức cha đẻ vua là Lý Vạn Hạnh. Chính vì thế mà sau đấy, ông đã dày công rèn cặp Lý Công Uẩn thành người tài và gây dư luận mở đường cho việc làm vua. Các tài liệu đều cho biết Vạn Hạnh là người ở hương Cổ Pháp, trụ trì chùa Lục Tổ ở hương Dịch Bảng trên núi Tiêu. Hương Cổ Pháp chính là - hay ít nhất hạt nhân của nó – là Diên Uẩn – Dương Lôi / Đình Sấm. Vậy, với Lý Công Uẩn, que mẹ cũng là quê cha. Nhưng một khi cái quan hệ ân ái đã được phủ hoa thì Lý Công Uẩn muốn được hợp pháp hoá quyền lợi nhận họ và nhận quê phải thông qua chuyện làm con nuôi Lý Khánh Văn trụ trì chùa Cổ Pháp trong hương Cổ Pháp (thuộc xóm nay là Đại Đình).

Hương Cổ Pháp có địa bàn khá rộng, có thể ứng với tổng Phù Lưu trước cách mạng, nay gồm các xã Tân Hồng, Đình Bảng và một phần xã Đồng Quang, Đồng Nguyên. Trong hương, xóm hạt nhân ở phía Đông là Dương Lôi / Đình Sấm có chùa Thần Sấm và cây gạo với hai bài Sấm thi, phía Tây có rừng Báng với khu Sơn lăng cấm địa bao gồm từ lăng mộ (Thọ Lăng) đến tẩm thờ (đền Đô) không ai được ở, những xóm phụ thì rải rác.

“Đất Cổ Pháp có khí tượng vương giả”, nếu thiền sư Vạn Hạnh ở thế kỷ X-XI và trưởng lão La Quý An ở thế kỷ IX-X phải kín đáo dùng lối chiết tự “Thập + Bát + Tử” nói trong hai bài Sấm thi trên để chỉ họ Lý, thì thiền sư Định Không ở thế kỷ VIII-IX khi đổi tên hương Diên Uẩn ra hương Cổ Pháp đã nói thẳng trong một bài tụng:

Pháp khí xuất hiện,
Thập khẩu đồng chung.
Lý thị hưng vương,
Tam phẩm thành công.

Nghĩa là:

Pháp khí hiện ra,
Khánh đồng mười tấm.
Họ Lý làm vua,
Công đầu tam phẩm.

Ở thế kỷ IX-X ấy, có thể tin người Việt bình dân phần lớn chỉ có tên chưa có họ, chỉ những người thuộc thế gia vọng tộc mới có đủ họ và tên. Họ Lý càng hiếm, thì ở hương Cổ Pháp có hai anh em thiền sư Lý Vạn Hạnh và Lý Khánh Văn trụ trì ở hai chùa thuộc hai hương cạnh nhau có nhiều quan hệ gắn bó. Còn bà Phạm Thị có thể hiểu là người ở chùa, là con Phật, là người mang Phật tính, bà sống như một bà thủ hộ, một bà vãi và khi cần thì đi khất thực, bà không lấy chồng ngay khi nhiều nơi danh giá hỏi bà. Phạm có thể chỉ là tên gọi chỉ nhà sư hoặc các Phật tử.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.