Trong quá trình tìm hiểu của CTV Giác Ngộ tại Đà Nẵng, được biết, chủ nhân tài khoản “Nhat Anh Thu”, trong hình tướng một vị Ni, đã có nhiều phát ngôn, hình ảnh gây sốc, gây nên phản ứng trong dư luận. Vị này có địa chỉ buôn bán tại Đà Nẵng, thỉnh thoảng livestream trên tài khoản Facebook để giới thiệu sản phẩm, bày tỏ vài quan điểm về vấn đề quan niệm sống cá nhân, trong đó có liên quan tới Tăng Ni.
Trong bài báo trên, theo xác minh của các vị đại diện Ban Trị sự GHPGVN TP.Đà Nẵng, người này không có trong danh bộ Tăng Ni tại địa phương. Theo đó, những việc làm của người này thể hiện trên mạng cũng làm cho các vị tôn túc có cơ sở để nhận định, đây không phải một người xuất gia đúng nghĩa, có thể là một người giả sư để bán hàng online.
Có kẽ hở trong quản lý Tăng Ni?
Sau khi bài báo đăng tải lên Giác Ngộ online, tòa soạn nhận được phản ánh qua điện thoại của một vị xưng là Ni trẻ M.N có quen biết “Nhat Anh Thu” và cho biết thông tin xác nhận của Ban Trị sự Phật giáo TP.Đà Nẵng với CTV Giác Ngộ là không đúng. Sau đó, qua email chuatrungtiet...@gmail.com gởi đến tòa soạn, một người tự nhận là chủ nhân của nickname trên, phản ánh và cung cấp thông tin cá nhân, bản chụp các giấy tờ tùy thân, chứng nhận Tăng Ni, điệp đàn..., giới thiệu là Trương Nhật Anh Thư, pháp danh: Thích nữ Thông Nhật, sinh năm 1985, nguyên quán Hòa Hiệp Nam, Q.Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng; xuất gia tại chùa Linh Sơn (TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), đã thụ giới Tỷ-khiêu-ni tại giới đàn do BTS Phật giáo TP.HCM tổ chức từ ngày 28 tới 30-11-2006 tại chùa Từ Nghiêm (Q.10, TP.HCM).
Nội dung email cũng xác nhận tài khoản Facebook “Nhat Anh Thu” là của chính Sư cô Thích nữ Thông Nhật.
Chứng điệp thọ giới Tỳ-kheo-ni của SC.Thích nữ Thông Nhật - Ảnh: NVCC |
Sau khi nhóm CTV báo Giác Ngộ nhận được phản hồi cùng những thông tin trên, đã liên hệ với cô. Qua trao đổi, một lần nữa cô khẳng định về việc mình là chủ nhân của trang Facebook bán hàng online và cho biết thêm, năm 2018, khi sư phụ (vị thầy xuất gia - BTV) viên tịch, cô không thể trở về chùa Tổ - nơi đã xuất gia tu học, nên đã ở chúng tại chùa Ưu Đàm (Q.Thủ Đức, TP.HCM). Từ tháng 9-2019 cô về Đà Nẵng thuê mặt bằng để kinh doanh tự kiếm nguồn sống và ở tại đây đến nay, hàng năm vẫn vào TP.HCM an cư, đầy đủ sổ hạ kể từ sau khi thọ Đại giới cho đến năm 2019.
Thắc mắc về việc rời Tăng đoàn, không ở chùa tu học lại đi kinh doanh, bán hàng online, cô nói “muốn tự nuôi sống bản thân mà không phụ thuộc vào kinh tế của bá tánh, không muốn làm gánh nặng cho xã hội”, rồi khẳng định luật pháp nhà nước không cấm tu sĩ kinh doanh. “Các chùa mở phòng phát hành cũng là một hình thức kinh doanh. Các sư cô ra chợ bán tương chao cũng là một hình thức kinh doanh”, cô nói.
Trong khi trò chuyện với CTV Giác Ngộ, cô nhiều lần nhắc lại việc mình livestream bán hàng không vi phạm pháp luật - mục đích là để trang trải thêm cuộc sống và không làm gánh nặng cho xã hội.
“Việc tôi kinh doanh tự nuôi thân là đã có lợi cho chúng sanh rồi, bá tánh đỡ cực khổ nuôi tôi”, cô phân trần.
Về việc livestream bán hàng, cô Thông Nhật cho rằng, chỉ có vài người vô phát biểu là tu mà đi kinh doanh này nọ, “sau đó tôi có livestream phân tích lại về tư tưởng của họ và chứng minh những gì họ nói là phiến diện, không phù hợp với xu thế phát triển xã hội hôm nay và từ đó đến nay không một ai vô đánh giá gì cả”.
Tuy nhiên, theo quan sát trên Facebook “Nhat Anh Thu”, dù lượt tương tác không cao nhưng gần đây cũng có người đã vô nói thẳng: “Tôi không kết bạn nhưng vô tình đi ngang qua, định gửi kết bạn giao lưu học hỏi. Khi thấy ảnh vị tu hành có thiện cảm chút, song khi đọc cách văn phong của bạn tôi cảm thấy ái ngại. Mô Phật! Có lẽ tôi còn u minh tâm chưa được khai sáng!”.
Về việc về buôn bán online, livestream trên Facebook, cô Thông Nhật khẳng định: “Ban Trị sự Đà Nẵng không ai hỏi tôi về điều này và tôi cũng không nghe vị nào trực tiếp nói với tôi lý do không phù hợp, hơn nữa tôi cũng chưa nghe được một sự lý giải thuyết phục nào từ Ban Trị sự Đà Nẵng. Hiện tôi thấy nhiều chùa ở Đà Nẵng cũng kinh doanh, Tết vẫn có nhiều sư cô ra chợ Cồn ngồi bán đồ Tết. Tôi không biết Ban Trị sự sẽ so sánh việc này với việc của tôi thế nào và lý giải với báo chí cũng như dư luận ra sao nên không suy nghĩ gì về đánh giá của Ban Trị sự Đà Nẵng”.
Theo Nội quy Ban Tăng sự T.Ư hiện hành, các quy định về nơi cư trú phù hợp đã được nêu rõ. Tuy nhiên, trên thực tế thì việc di chuyển của một số Tăng Ni, chẳng hạn trong trường hợp đã nêu trên, hoàn toàn tự do theo quyền công dân và được pháp luật bảo hộ. Một vị Tăng Ni rời một nơi, đi đến một nơi khác nếu không tự giác khai báo với Giáo hội các cấp nơi đang ở và đi thì sẽ không ai hay biết. Đi đâu, làm gì nhưng mỗi hạ lại về đăng ký an cư ở một trú xứ vẫn được chấp nhận và cấp sổ hạ. Phải chăng đây là kẽ hở trong quản lý Tăng Ni, từ đó có thể dẫn đến những trường hợp đáng tiếc?
Liên hệ với Hòa thượng Thích Trí Viên, Phó Trưởng ban Trị sự kiêm Trưởng ban Tăng sự Phật giáo TP.Đà Nẵng về trường hợp cô Thông Nhật, Hòa thượng khẳng định cô chưa đăng ký sinh hoạt tại địa phương. Tuy nhiên, với những phát ngôn, hình ảnh cô đăng tải công khai trên Facebook thì khó chấp nhận đây là một tu sĩ, dù có giấy tờ thọ giới. Sư cô Thích nữ Thanh Quế, Ủy viên Ban Trị sự Phật giáo TP.Đà Nẵng, đệ tử Ni trưởng Thích nữ Diệu Cảnh, Trưởng Phân ban Ni giới Phật giáo TP.Đà Nẵng cho biết, sắp tới Phân ban sẽ đưa trường hợp này ra xem xét để có hướng giải quyết.
Người tu cần tiêu chuẩn gì?
Trao đổi với Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Thông tin-Truyền thông T.Ư về tiêu chuẩn của một người xuất gia, Hòa thượng xác nhận: Người tu trước nhất cần lấy lòng từ bi và chính niệm để kiểm soát các hành động, từ lời nói, việc làm đến ý nghĩ lúc nào cũng phải giữ thiện lành. Người xuất gia với hình thức đầu tròn áo vuông và được thông qua các cử chỉ hành động theo tứ uy nghi hành - trụ - tọa - ngọa (đi, đứng, ngồi, nằm) trong chính niệm; khi đi tôi biết tôi đang đi, khi đứng tôi biết tôi đang đứng, khi nằm tôi biết tôi đang nằm, khi ngồi tôi biết tôi đang ngồi đều có uy nghi đúng theo giới luật. Như vậy người tu không tạo nên nghiệp xấu ác, do tạo nhiều nghiệp thiện sẽ đem lại sự an vui hạnh phúc cho chính mình trong hiện tại và mai sau.
Hòa thượng Phó Chủ tịch khẳng định, một người tu cần phải giữ giới luật một cách nghiêm mật, nhất là phải giữ 250 giới (Tỷ-khiêu), 348 giới (Tỷ-khiêu-ni). “Tuy được phép tham gia mạng xã hội (khế cơ, khế thời), song là để học những cái hay, rút kinh nghiệm những cái dở và không nên đăng những hình ảnh gây phản cảm làm mọi người hiểu lầm, làm mất đi hình ảnh tốt đẹp của người xuất gia, ảnh hưởng xấu đến Phật giáo - vốn đã được xã hội quý trọng - và như vậy sẽ có lỗi với Phật giáo”, Hòa thượng nói.
Theo Hòa thượng Trưởng ban Thông tin-Truyền thông T.Ư GHPGVN, trong bối cảnh công nghệ thông tin bùng nổ hiện nay, Giáo hội cần khuyến cáo chư tôn đức Tăng Ni sử dụng không gian mạng như là phương tiện truyền bá Phật pháp, học hỏi Phật pháp chứ không thể thay thế được nội dung giáo lý. “Công nghệ chính là phương tiện truyền thông, tốt hay xấu phụ thuộc vào người sử dụng, nếu dùng nó bằng trí tuệ thì công nghệ sẽ trở thành công cụ nâng cao tiềm năng của người đó với Chính pháp; nếu sử dụng không đúng thì người đó sẽ làm hỏng chính mình và hỏng cả hình ảnh đẹp của đạo Phật”.
“Đức Phật chế giới là để Tăng chúng tu hành được an lạc trí tuệ và hạnh phúc. Ngày nay trên không gian mạng xã hội, chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận có một số vị tu sĩ trẻ đã gây ra những điều tiếng, trở thành trung tâm và sự đàm tiếu của nhiều người - tất cả cũng tại vì việc thực hành giới luật, giới đức chúng ta chưa được chú trọng đúng mức, nên các bạn hãy cố gắng giữ gìn, tu theo giới luật, giới đức của Phật để chúng ta xứng đáng là sứ giả của Như Lai”, Hòa thượng khuyên.