Có gì đâu, bệnh xoàng ấy mà, ta vẫn thường nói thế, có khi là để trấn an chính mình hoặc trấn an người khác. Nhưng, cũng rất nhiều khi là ta “lừa bịp” chính mình, để rồi đến một ngày ta phải đối mặt với những “thất thoát” lớn lao. Con người ta đã bao phen “giá mà” rồi lại “giá mà” nhưng bài học “nếu” (mệnh đề If ấy vẫn cứ lặp lại, tịnh tiến từ người này đến người khác, từ đời này sang đời khác).
Ảnh minh họa
Vẫn biết cuộc sống cần phải có những bài học, và đôi khi để có những bài học cần sự trả giá lớn lao, chẳng hạn như cái chết, hoặc nhiều thứ quý giá khác rời xa mình. Nhưng, nếu sự trả giá ấy bắt đầu bằng sự chủ quan, bằng sự “lừa bịp” kiểu “có gì đâu” là một điều đáng trách!
Có gì đâu, ta có thể vượt qua được mà, cám dỗ ư, ái dục ư, chuyện nhỏ, đối với ta nó chẳng có kí-lô nào. Ta tự tin ở chính mình đến mức tự kiêu ở khả năng miễn nhiễm trước những cái thuộc về cảm thọ: ngon, ngọt, thơm tho, êm dịu, dễ chịu… Do vậy, ta vẫn huênh hoang, dương dương tự đắc với chính mình rằng: có gì đâu, nó không sao hạ gục được tôi, nhưng rồi chính mình lại bị trúng tên bởi những cái mà mình đã từng coi thường, xem nhẹ.
Thái độ “khinh địch” - thứ địch ẩn tàng trong tâm thức, được gọi tên bằng ba món độc (tham-sân-si) đã có cơ hội đầu độc ta ngay từ ý niệm “có gì đâu”.
Có gì đâu, rồi người ta cũng sẽ bỏ qua, rồi mình cũng sẽ được chấp nhận, rồi thì… Mọi cái xung quanh mình, cứ thế được mình cài đặt cho nó trở thành cái mãi mãi, thường còn (forever) nên đến một ngày, thể theo quy luật vô thường, nó tạm biệt mình khi đã tích đủ “lượng” của sinh thì sẽ chuyển sang “chất mới” là tử.
Dường như ta không ý thức được điều đó, hoặc thi thoảng mới ý thức đến nên ta cứ thế, để đánh rơi biết bao thứ, có những thứ thuộc về tình cảm, có thứ là thời gian, có thứ là hạnh phúc…