Tam hợp

0:00 / 0:00
0:00
GNO - Việc kỷ niệm ngày Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Đản sinh, Thành đạo và nhập Niết-bàn, hợp lại trong một dịp đại lễ long trọng, được gọi là Tam hợp. Vậy sự dung hội của ba sự kiện trọng đại trong cuộc đời Đức Phật đã được thể hiện như thế nào?

Tổ Lâm Tế nói: “Phật ra đời chuyển đại pháp luân lại vào Niết-bàn, chẳng thấy có tướng mạo đến đi, tìm cái sinh tử của Ngài trọn không thể được, liền vào pháp giới vô sinh”1. Tức là không nhằm trên tướng Thế Tôn thị hiện hoặc bất kỳ tướng trạng nào để thấy biết (chẳng thấy có tướng mạo đến đi). Lúc này, tất cả tự vắng bặt thì làm gì có sinh tử nào để thấy (tìm cái sinh tử của Ngài trọn không thể được). Liền đó trả lại tự tánh giác sáng thênh thang, thể nhập Pháp thân (liền vào Pháp giới vô sinh).

Ngài nói tiếp: “Dạo qua các cõi nước vào thế giới Hoa tạng, trọn thấy tướng không các pháp, đều không có pháp thật”.

Từ nơi Pháp thân đã thể nhập mà tùy duyên hóa hiện dạo qua khắp các cõi nước, nhưng tất cả không ngoài thế giới Hoa tạng Pháp thân.

Tất cả đều huyễn (đều không có pháp thật). Tức là phải thấy thẳng Pháp thân thì mới không mê lầm. Cho nên dù có đến đi mà đối với Pháp thân kia vẫn vô tướng, bất động, chưa từng đi đến bao giờ!

Đức Phật đã viên thành cho nên tất cả tự viên mãn như thế. Chúng ta cần có cái nhìn tương ưng như trên thì mới thấy được nhân duyên thị hiện của Ngài một cách trọn vẹn. Ba nhân duyên hoặc nhiều hơn nữa, điển hình như các động dụng thi vi của Ngài đều dung thông trong Pháp thân Phật. Cái nhìn này đặt trên nền tảng tự tâm giác ngộ. Đức Phật là bậc đã giác ngộ cứu cánh và dạy chúng ta cũng phải đạt được như thế. Vì vậy, phải bằng tự tâm giác ngộ để nhìn thì mới khế hợp, mới thực sự thấy Phật.

Tự tâm giác ngộ ở đây chính là Phật tánh vốn sẵn đủ nơi mỗi chúng sinh. Ngay đây khéo nhận lại, hành giả sẽ thấy biết như thị, vượt năng sở, tất cả không ngoài tánh chân, tất cả đều là Phật pháp. Tánh này trùm khắp, không lưu chuyển, như trong kinh Kim cang, Đức Phật khẳng định, Như Lai là thể như của các pháp, không từ đâu đến, cũng không đi về đâu. Đức Phật có thị hiện đản sinh hay nhập Niết-bàn, cũng không khác tánh ấy.

Đản sinh

Trong kinh Đại bổn duyên, Phật dạy: “Này các Tỳ-kheo, thường pháp của chư Phật như sau: Bồ-tát Tỳ-bà-thi đương lúc sinh ra từ hông phải thì chuyên niệm không loạn, Ngài từ hông phải đản sinh và bước xuống đất, đồng thời đi bảy bước, không cần người nâng đỡ. Ngài nhìn khắp bốn phương và đưa tay lên nói rằng: ‘Trên trời dưới đất, duy chỉ có Ta là tôn quý! Ta muốn độ chúng sinh thoát khỏi sinh, già, bệnh, chết. Đây là thường pháp của chư Phật”2.

“Trên trời dưới đất, duy chỉ có Ta là tôn quý”, vậy hàm ý trong cái “Ta” ở đây mà Đức Phật nói đến là gì? Ngài nói: “Ta muốn độ chúng sinh thoát khỏi sinh, già, bệnh, chết”.

Từ hai ý nghĩa trên cho chúng ta thấy, điều “tôn quý” mà Đức Phật nêu trong trường hợp này là diệu lực cho Ngài và tất cả chúng sinh thoát khỏi sinh, già, bệnh, chết. Và cái được gọi là “Ta” phải là cội nguồn lưu xuất diệu lực ấy. Tức là nhận lại cái Ta này thì chính Ngài thoát khỏi sinh, già, bệnh, chết và cứu độ chúng sinh cũng bằng phương cách thể nhận cái Ta đặc biệt để đạt được như vậy. “Ta” phải là cái có khả năng cho Đức Phật hay bất cứ ai nhận ra đều được giải thoát sinh tử. Cuối cùng, “Ta” là gì?

Sự thật, Phật Tổ do chứng ngộ Pháp thân mà giải thoát sinh tử. Một khi đã ngộ Pháp thân Phật thì diệu lực này sẽ cho hành giả tự tại, vượt thoát, tất cả đều không đến kịp, sinh già bệnh chết không chi phối được. Cho thấy, chữ Ta ở đây là chỉ cho Pháp thân, bởi chỉ có diệu lực được lưu xuất từ trong ấy mới giúp hành giả vượt khỏi sinh, già, bệnh, chết. Như vậy, Đức Phật khẳng định thấy Phật đản sinh qua Pháp thân chưa từng đi đến, chứ không chỉ dừng trên tướng thị hiện sinh ra.

Kinh Hoa nghiêm chép: “Trí Như Lai sâu thẳm, khắp chuyển nơi pháp giới, dẫn đường sáng cho đời, đồng Pháp thân các Phật, tùy theo ý chúng sinh, cho thấy các hình sắc, một cõi một Phật thân, hóa làm vô lượng Phật”3.

Mười phương ba đời chư Phật đều suốt thông nhau trong Pháp thân không sinh không diệt. Đức Phật có tùy thuận theo các chúng sinh mà thị hiện vô lượng thân khác nhau, cũng không ra ngoài Pháp thân ấy; nên nói: “Đồng Pháp thân các Phật”. Nếu khéo thấy, sẽ hay ra Đức Phật đản sinh nơi đời, cũng không khác Pháp thân Phật. Dẫu là một hành giả chưa thành Phật thì cũng phải khéo thấy thẳng Pháp thân Phật chính mình như thế, mới thật thấy Phật.

Thành đạo

Trong kinh Kim cang, Đức Phật khẳng định: “Lìa tất cả tướng tức gọi là chư Phật”4. Ngài phá chấp tất cả tướng cho hành giả nhận lại tánh thể Kim cang. Nhẫn đến pháp thành Phật cũng không được nhằm trong có và không để nhận hiểu. Đức Phật nói: “Như thế, như thế! Tu-bồ-đề, thật không có pháp Như Lai được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Này Tu-bồ-đề! Nếu có pháp Như Lai được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì Đức Phật Nhiên Đăng ắt không thọ ký cho Ta: Ở đời sau, ông sẽ được thành Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni”5.

Khi không thấy có pháp Vô thượng Bồ-đề, tất cả đều không thể được thì Pháp thân Phật hiện tiền. Đến như pháp Vô thượng Bồ-đề cũng phải “Không thấy có một pháp Vô thượng Bồ-đề là như thế nào đó”, mới thể hội pháp ấy. Còn thấy có một pháp để thành Phật là nhằm trên tướng để thấy biết, công phu đã bị sai lệch, không tỏ chánh nhân vô sinh thì không thể thành Phật được, cho nên Phật Nhiên Đăng không thọ ký.

Nếu vậy, Đức Phật thành tựu viên mãn Bồ-đề thì sao? Là thành pháp gì? Ngài nói: “Pháp mà ta được, không thật - không hư”. Nghĩa là vượt thoát hai bên. Khi không kẹt trong hai bên thì tâm tự vắng bặt - Tánh Phật hiện tiền.

Đức Phật nói tiếp, khi ấy sẽ hay ra: “Như Lai là không từ đâu đến, cũng không đi đâu”. Lúc này, Ngài nói sẽ thấy: “Tất cả pháp đều là Phật pháp”. Qua đây cho chúng ta thấy rõ, Đức Phật khẳng định thành đạo là thành tựu viên mãn Pháp thân Phật, không phải thành tựu cái gì khác.

Vua Hiến Tông nhà Tống hỏi Thiền sư Phật Chiếu: - Đức Thế Tôn vào núi Tuyết, sau thành đạo, hỏi thành cái gì?

Thiền sư Phật Chiếu đáp: - Dám hỏi bệ hạ đã quên?

Vua rất hài lòng6.

Đang nói, đang nghe, biết đối đáp một cách linh thông đến chủ động vẫn không động; lưu thông, tự tại, sáng ngời, chưa qua phân biệt. Ngay đây khéo nhận lại tánh sáng biết ấy thì tánh Phật đang hiện tiền, còn tìm cái gì khác? Như thế, đang ở trong đó, sao lại còn đi hỏi bên ngoài như người quên Phật tánh chưa nhận lại?

Mê là tạm quên tánh Phật nơi mỗi người, tuy nhiên, Phật đạo ấy vẫn không mất. Ngộ là hay ra, nhận lại đạo lý chân thật đã sẵn ấy. Khéo thầm nhận thì tất cả hiện thành, tức đang thành đạo.

Một hành giả cần nhận ra điểm này để hướng tiến. Một cách cụ thể: Ngộ tánh Phật là tự giác. Độ mọi người được giác ngộ, tức giác tha. Độ người hay tu tập các thiện pháp, làm lợi ích chúng sinh cũng không rời tánh giác. Do đó, ngay khi độ người cũng chính là lúc thành toàn diệu hạnh cho chính mình chứ không phải công việc tạo tác bên ngoài; nên gọi là giác hạnh. Như thế cho đến khi công viên quả mãn, tức là tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn thì thành Phật.

Sống bằng Pháp thân thì tu tập, độ người, làm lợi ích chúng sinh cũng không phải là việc gì khác ngoài Pháp thân, mới tiến đến thành Phật. Bằng Pháp thân không sinh không diệt để sống, để tu, để hành hoạt, chính là bằng nhân vô sinh để dụng công tu hành thì mới thành tựu được quả vị vô sinh Phật đạo.

Nhập Niết-bàn

Kinh Hoa nghiêm ghi lại:

Thượng giác vô lai xứ,

Khứ diệc vô sở tùng.

Thanh tịnh diệu sắc thân

Thần lực cố hiển hiện7.

Nghĩa là: “Thượng giác không chỗ đến. Đi cũng chẳng về đâu. Thân diệu sắc thanh tịnh. Do thần lực hiển hiện”. Bậc thượng giác tức chỉ cho Như Lai, không có chỗ đến, cũng chẳng đi về đâu. Sắc thân vi diệu mầu nhiệm thanh tịnh là do thần lực từ Pháp thân đã chứng đắc hiển hiện. Vì vậy, hãy nhìn thấu Pháp thân kia sẽ khế hợp, không dừng trụ trên sắc tướng cho nên không có tướng đến đi. Đã thể nhập Pháp thân, sẽ tự thấy ra bằng tâm vô phân biệt, nhưng biết khắp, vẫn vô tướng. Chỗ này, Thiền sư Bảo Giám nói: “Tâm ý Như Lai đều không thể được, chỉ nên gọi là Vô lượng trí”8. Phải khéo tất cả tâm đều vắng lặng (không thể được) thì tánh tự thênh thang, diệu dụng bất khả tư nghì, nhưng không phải có tướng phân biệt như ý thức. Điền địa này chỉ có thể nói là “Vô lượng trí”.

Như vậy, dù Đức Phật có thị hiện vào Niết-bàn, nhưng vẫn không rời Pháp thân đang hiển hiện. Hành giả nếu không kẹt trên tướng mà ở trong Pháp thân kia, sẽ tự thấy ra: Dù có thị hiện đến đi, nhưng vẫn chưa từng đi đến sinh diệt bao giờ.

Từ Pháp thân Phật, hay tự tại thị hiện các tướng

Rõ ràng, nếu chỉ nhìn trên một khoảng nhân duyên Đức Thế Tôn thị hiện thì khi nhập diệt, chúng ta sẽ thấy Đức Phật không còn. Nếu tâm luôn an lặng, không mê thì tánh tự giác sáng, sẽ tự hay ra, tâm này đồng với tâm thể chư Phật không khác. Như thế, dù Đức Phật đã thị tịch, nhưng chúng ta vẫn sáng được Phật tâm chưa bao giờ bị diệt mất.

Pháp thân tuy vô tướng, nhưng không phải chỗ vắng lặng, trống rỗng, thênh thang không bờ mé. Không được chấp trụ trong ấy. Ngay thể rỗng rang mà hay tự tại thị hiện tất cả tướng, nhưng vẫn không tướng phân biệt của tự tâm. Tuy vậy, cũng không phải dừng trụ hay dính kẹt trên bất kỳ tướng trạng nào. Đây là diệu dụng, từ không tướng mà hay tự tại tùy thời tùy duyên ứng hiện vô lượng.

Tăng hỏi Ngài Triệu Châu: - Trong ba thân, cái nào là thân xưa nay? Sư đáp: - Thiếu một chẳng thể được9.

Khéo thấy thì ngay các tướng, tánh đang hiện tiền (tức tướng, tức tánh). Ba thân Phật không khác một thân xưa nay đã sẵn vậy. Do đây, Đức Phật tự tại thị hiện Đản sinh, Thành đạo, vào Niết-bàn, nhưng cũng không phải là việc gì khác. Thấy thẳng Pháp thân, tam hợp sẽ dung hội trong ấy.

Bằng tất cả lòng thành hướng về Đại lễ Tam hợp, dâng lên cúng dường và tri ân sâu sắc Đức Từ phụ đã ra đời khai ngộ cho chúng sinh dứt khổ, an vui. Song song với những đóng góp và tổ chức Đại lễ đầy thành kính, long trọng, mỗi người con Phật còn suốt thông đến tâm tánh chính mình. Như thế, chúng ta đang có được một mùa Vesak trọn vẹn, viên mãn.

------------------------

1 HT. Thích Thanh Từ (2016), Thanh Từ toàn tập, tập 20, Lâm Tế ngữ lục giảng giải, NXB Tôn Giáo, tr.163.

2 Đại tạng kinh Việt Nam (1991), kinh Trường A-hàm, tập 1, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, tr.35.

3 HT.Thích Trí Nghiêm dịch (2003), Kinh Lời Vàng, NXB Tôn Giáo, tr. 266

4 HT. Thích Thanh Từ (2013), Thanh Từ toàn tập, tập 3, kinh Kim cang giảng giải, Nxb Tôn Giáo, tr. 157.

5 HT. Thích Thanh Từ (2013), Sđd, tr. 184.

6 HT. Thích Thanh Từ (2022), Tông môn Cảnh huấn, tập 1, Nxb Hồng Đức, tr. 417.

7 HT.Thích Trí Tịnh dịch (2008), Kinh Đại phương quảng Phật Hoa nghiêm, tập 2, NXB Tôn Giáo, tr.60.

8 HT.Thích Thanh Từ (2018), Thanh Từ toàn tập, tập 35, Thiền sư Việt Nam giảng giải, NXB Tôn Giáo, tr.323

9 HT. Thích Thông Phương dịch (2011), Triệu Châu ngữ lục, Nxb Tôn Giáo, tr. 86.

Thích Tâm Hạnh (Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.