Những phận người bé nhỏ
Không thấy ai than mệt hay ngáp vắn ngáp dài có lẽ vì chúng tôi nghĩ nhiều đến sự đợi chờ của những con người có số phận kém may mắn hơn mình. Hơn thế nữa vừa được tin nhắn thầy chúng tôi, ĐĐ.Thích Tâm Hiệp từ Quảng Trị cũng bằng một chuyến xe đêm đã đến Hà Tĩnh. Ở Cẩm Xuyên thì có thầy Thích Hạnh Nhẫn, Trưởng ban Hoằng pháp Hà Tĩnh, trụ trì Cầm Sơn tự, Thiên Cầm. Có đến hai bóng mát Đại Từ Bi cho chúng tôi nương tựa, học hỏi, còn duyên lành nào hơn.
Tặng xe đạp cho các em học sinh nghèo
Chưa năm giờ sáng mà Tuấn, CTHĐQT TGĐ Công Ty Cổ Phần Đầu Tư Phát Triển Miền Trung cùng mấy anh em nhân viên đã đứng chờ chúng tôi trước cổng Chợ Mới.
Mưa vẫn cứ mưa, chúng tôi được Công ty Miền Trung tiếp đón chu đáo, được ấm lòng với những bát cháo, ly trà nghi ngút khói. Nghỉ ngơi trò chuyện, 8 giờ chúng tôi lên xe đến Hội trường UBND Huyện Cẩm Xuyên. Sáng hôm nay 9 đội bóng chuyền của các doanh nghiệp khai mạc đấu tranh giải, hội trường đông đảo nhộn nhịp đầy sắc màu hứng khởi. Kết hợp trong chương trình nầy nhóm từ thiện chúng tôi phát quà theo sự hướng dẫn của bác Phan Văn Nậm, CT Hội Khuyến Học huyện Cẩm Xuyên, 11 chiếc xe đạp, 15 xuất học bổng cho trẻ em nghèo hiếu học. Nhìn các em gầy gò nhỏ thó hơn trẻ em sung túc cùng lứa tuổi, xót xa thương cho cảnh ngộ thiếu thốn nhọc nhằn. Các em nhận, rướn người lên dắt chiếc xe đạp trông hơi vất vả nhưng không giấu được nụ cười, nét mặt mừng vui. Lòng chúng tôi cũng được vui lây.
Rời hội trường chúng tôi được TGĐ Tuấn và các anh: Duyệt- PCT huyện Cẩm Xuyên, anh Thắng PCTHĐND hướng dẫn đi thăm em Phạm Thị Liên thôn Liên Hương, Cẩm Dương. Bé Liên mồ côi, sống với bà. Bà ngoại cháu nay đã 86 tuổi, hàng ngày lê bước chân khẳng khiu già yếu đi xin ăn bửa có bửa không, sống cảnh đói nghèo nuôi cháu đi học tháng ngày. Bé Liên chăm chỉ, bước vào căn nhà tối đen, trống trơn không nồi niêu, không giường tủ, áo quần, chỉ thấy trên vách bằng khen học trò giỏi của Liên.
Nếu không có các bác ở huyện xã thôn che lều xanh đỏ, kê sẵn bàn ghế đón tiếp chúng tôi chắc cảnh nghèo của căn nhà hai bà cháu trông ảm đạm lắm. Đoàn cùng TGĐ Tuấn trao tặng em Liên xe đạp với suất học bổng, động lòng Hương và những người trong nhóm cũng gửi tặng thêm hai bà cháu những phong thư chan chứa tình thương.
Anh Phạm Ngọc trao xe cho bé Liên
TGĐ Tuấn đã hứa cấp hàng tháng 500.000đ cho đến ngày Liên không còn đi học và nếu học đến nơi đến chốn sẽ có việc làm ở Công ty Miền Trung. Bé Liên vì quá xúc động, lời cảm ơn chưa kịp tròn câu đã ôm mặt khóc nức nở.
Thầy Tâm Hiệp bằng một thời Pháp ngắn về nhân duyên, nhân duyên đưa mọi người đến để sẻ chia giúp đỡ em vượt khó, hướng tới một ngày mai tươi sáng. GSTS Nguyễn Quốc Vọng nhắn nhủ với em rằng anh cũng mồ côi cha từ lúc lên hai, với tình thương của mẹ của mọi người quanh mình, bằng sự phấn đấu của chính mình anh đã vươn lên đạt thành ước nguyện.
Giã từ hai bà cháu bé Liên, các vị cán bộ thôn, xã, huyện, giã từ con đường đất quanh co trũng nước mà mắt mọi người còn đọng giọt xúc cảm yêu thương.
…Và ấn tượng Cầm Sơn tự
Mỗi người ôm một túi 5kg gạo, trong cơn mưa lác đác, chúng tôi leo và leo, những bước đầu hăng hái, khoảng nữa chừng sườn núi, chân có mỏi nhưng lòng nào mỏi, nghe ai đó hóm hỉnh niệm: A Di Đà... mệt! Hơn 450 nấc thang mới đến cửa chùa.
Đoàn người nhận quà đã ngồi chờ đông đủ. Thầy Hạnh Nhẫn đãi chúng tôi bánh trung thu muộn. Rằm tháng 9 rồi còn gì! Đặc biệt hơn nữa là bánh đã được giữ trong ngăn đá nên đông lạnh. Mùa thu Hà Tĩnh, thầy mời chúng tôi ăn “kem trung thu” đậm tình ngọt nghĩa. Bên ngoài mưa lành lạnh nhưng lòng chúng tôi nghe thật ấm áp bởi tấm chân tình.
Sau đôi lời trình bày của quí vị Uỷ ban về vùng núi biển Thiên Cầm, anh Vọng góp ý về cải thiện nông nghiệp, Sơn mơ ước phát triển du lịch cho một thắng cảnh thiên nhiên đẹp, hùng vĩ Thiên Cầm. Vẻ đẹp u tịch của Cầm Sơn tự của non nước nơi đây đeo đuổi chúng tôi đã đầy ăm ắp mà còn sôi động hơn trong Sơn, bởi vì suốt chặng đường trở về Hà Nội, Sơn cứ nhắc mãi Thiên Cầm, chùa Cầm Sơn và còn đòi lên tu với Thầy Hạnh Nhẫn.
Chia sẻ với hai bà cháu
Phát quà cho đồng bào nghèo đã tụ tập về chùa, quà ít thôi, mỗi người 5kg gạo kèm phong bì 200.000đ. Lúc chụp hình lưu niệm mấy bác đã cầm tay tôi: “Cảm động quá cô ơi”. Nét, lời chơn chất của những cụ già miền quê nghèo như in sâu vào lòng chúng tôi và như nhắc nhở chúng tôi. Phải sẻ chia, sẻ chia nhiều hơn nữa... cho người là một nhiệm vụ, một nghĩa cử thiêng liêng...
Tặng quà xong, Thầy Hạnh Nhẫn đoán biết chúng tôi leo núi cao ngất nửa tầng mây mà mới được chút “Kem Trung Thu” chưa thấm dạ, Thầy “từ thiện” cho chúng tôi một bữa bánh canh chay ngon lạ ngon lùng. Những sợi bánh canh dai, dài đậm đà hương vị còn lưu mãi trong tình cảm chúng tôi mỗi khi nhớ về Hà Tĩnh, về núi biển Thiên Cầm, về Cầm Sơn tự.
Xong công tác từ thiện, Tuấn đưa chúng tôi về khách sạn ngay dưới chân núi nghỉ ngơi. Khoảng 17:00 giờ Tuấn đón chúng tôi xuống phố ăn chiều. Chỉ mình Thầy dùng chay rau, đậu luộc còn chúng tôi ...ngã mặn. Anh Thắng, PCT UBND huyện cất tiếng hát tặng chúng tôi: “Chứ đi mô rồi cũng nhớ về Hà Tĩnh...”. Quên sao được? Thân thương vô cùng, lời ca lần đầu tiên chúng tôi được nghe ở Nhật Bản do đoàn Văn nghệ Trung ương từ Hà Nội sang trình diễn giữa lúc khói lửa chiến tranh cao độ nhất, đạn cày bom xới, binh biến khắp nơi trên đất nước Việt
Giọng ca truyền cảm đến bất ngờ của anh Thắng đã làm không còn tiếng khua chén đũa cười đùa của mọi người trong cả tiệm ăn, chỉ còn tiếng vỗ tay. Hương đáp lại với bản nhạc Người đi xây hồ Kẻ Gỗ, lúc đầu Hương đơn ca sau đã là một bản hợp ca với tiếng hát của những người có mặt. Thêm một cuộc vui thắm đầy niềm nhớ.
Sau bữa cơm, Thầy Tâm Hiệp có việc phải ra Thanh Hoá, chúng tôi về khách sạn, Thầy Hạnh Nhẫn “xuống núi” trò chuyện với chúng tôi, Thầy thân tình, giản dị, gần gũi, chúng tôi vừa nghe những lời pháp dễ hiểu vừa cười vui thoải mái, mãi gần 23 giờ Thầy mới chia tay chúng tôi rồi “thượng sơn”.
Sáng Chủ nhật, Hương, Sơn, Dũng được Hương Cty Miền Nam hướng dẫn đi thăm ngã ba Đồng Lộc, Vọng Tuyền, Tuấn đi cùng đoàn CT UBND Hà Tĩnh thăm viếng... ruộng đồng. Lãnh vực chuyên môn của anh Vọng. Anh Vọng đã “từ thiện” chất xám, diễn thuyết liên quan vấn đề nông nghiệp khoảng hai mươi phút. Một nội dung đầy thuyết phục. Ngay sau đó Chủ tịch UBND Hà Tĩnh ngỏ lời mời GS Vọng hợp tác với Hà Tĩnh trong công cuộc cải thiện nền nông nghiệp tỉnh nhà. Ông đã tỏ lời cảm ơn TGĐ Công ty Miền Nam - một công ty đang triển khai tích cực, phấn đấu góp phần phát triển kinh tế cho miền Bắc Trung Bộ đã giới thiệu anh Vọng đến Hà Tĩnh.
Bé Liên được mọi người chia sẻ và yêu mến
Giã biệt Hà Tĩnh lúc 2 giờ chiều Chủ nhật, còn gửi lại một chút tâm tình:
Nhắn với sông Lam với núi Hồng
Hẹn sẽ về thăm lại miền Trung
Sóng Thiên Cầm bạc đầu hay gợn nhẹ
Vẫn liên hồi vỗ nhịp điệu yêu thương.
Tuấn đích thân đưa chúng tôi về tận Hà Nội. Chuyến xe trở về Sơn than hơi chật nhưng thật vui được ghé thăm quê hương gia đình Tuấn, nơi xuất thân một doanh nhân tuổi trẻ tài cao, được đi trên con đường Hồ Chí Minh cũ quanh co nho nhỏ uốn lượn giữa thiên nhiên xanh mướt sau những cơn mưa. Suốt mấy giờ đồng hồ chuyện trò, tiếu lâm vui cười quên mất đường dài. Cảm ơn Tuấn, cảm ơn tất cả nhất là bác tài Cường, bác là người nhọc nhất, ai bảo bác chọn sai nghề, chúng tôi trên xe đã chẳng khuyên bác chuyển sang làm người mẫu là gì!
22:00 giờ đến Hà Nội. Chia tay đầy lưu luyến. Từ đó Sơn bỗng thành thi sĩ và chúng tôi đang nghĩ về chuyến từ thiện sau: “Như một người mẹ sẵn sàng hy sinh cuộc sống để bảo vệ đứa con duy nhất của mình, cũng vậy; người mong muốn an lạc hãy trau dồi từ tâm trải đến mọi chúng sinh.
Hãy trau dồi tâm từ để trải lòng từ ái khắp vũ trụ, cả trên, dưới và bốn phương tám hướng sao cho không bị ngăn ngại, với không chút thù hằn, ghen ghét”. (Kinh Từ Bi).
Vâng, chúng con đang cố gắng học hạnh Phật.